Sáng sớm, trời mưa rả rích, chị Trần Thị Hiến (43 tuổi, trú tại Làng Cầu, Lăng Thành, Nghệ An) chuẩn bị đồ nghề vào rừng bắt nhện. Đồ nghề thực ra cũng không có gì ngoài chiếc sào tre chắc chắn, túi bóng hoặc bao tải nhỏ hay can nhựa để đựng nhện.
Công việc chính của chị Hiến là bóc vỏ keo, trồng keo thuê cho các chủ rừng trong xã, tiền công trung bình một ngày 300.000-350.000 đồng.
"Hôm nào trời mưa, không đi làm keo được tôi mới tranh thủ đi bắt nhện rừng, còn bình thường công việc này là của người già hay trẻ nhỏ", chị Hiến chia sẻ.
Chiều muộn, chị Hiến xách theo 3 chiếc can nhựa đựng nhện rừng đến cơ sở thu mua của chị Nguyễn Thị Ngọc (33 tuổi, trú cùng xóm). Mỗi chiếc can nhựa chứa khoảng 1kg nhện, nhiều con đang sống, bò lổm ngổm trong can.
Nhện lần lượt được đổ ra chậu nhựa. Những con nhện rừng có đầu lớn, thoạt trông như khuôn mặt quỷ, toàn thân màu vàng pha đen, với những chiếc chân dài ngoằng, ngoe nguẩy có thể là nỗi ám ảnh của không ít người.
Trước đây, người dân đồn đại nhện rừng là loại có chứa nhiều độc tố, cắn có thể gây thối thịt. Bên cạnh đó, với hình dạng và màu sắc đặc biệt, người dân ở đây gọi nhện rừng là "quái vật mặt quỷ", gần như không đụng đến.
3 năm trở lại đây, con vật nhìn "ghê ghê" này lại là nguồn thu nhập đáng kể cho người dân lúc nông nhàn.
Chị Ngọc một tay giữ miệng túi bóng, tay kia mang găng nhựa, thoăn thoắt lựa nhện rừng. "Giá nhện phân theo kích cỡ, trọng lượng, tất nhiên cũng chỉ là ước lượng thôi. Hiện cơ sở của tôi nhập 2 giá, loại nhện to, có trứng giá 300.000 đồng/kg, giá loại nhỏ là 100.000 đồng/kg", chị Ngọc cho hay.
Khoảng một tiếng đồng hồ cuối buổi chiều, có hơn 10 người đến "nhập" nhện cho chị Ngọc, người ít thì vài lạng, người nhiều có thể lên vài cân. Mỗi mùa, vợ chồng chị Ngọc thu mua khoảng 5-6 tạ nhện rừng.
Cứ vào rừng là có tiền
Tại xã Lăng Thành hiện có 2 cơ sở thu mua nhện rừng, trong đó có cơ sở của vợ chồng chị Ngọc. Số nhện sau khi thu mua, phân loại, được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh. Khi đủ số lượng hàng nhất định, chồng chị Ngọc sẽ chở ra Thanh Hóa để nhập cho đại lý.
"Nhện rừng được xuất sang Trung Quốc hoặc chế biến làm mồi nhậu. Nhện rừng chỉ cần loại bỏ túi đựng tơ ở bụng, rán giòn hoặc tẩm ướp gia vị rang với lá chanh là nhậu hết ý", chị Ngọc tiết lộ.
Nghề đi săn nhện rừng ở Lăng Thành rộ lên khoảng 3 năm trở lại đây, thu hút khá đông người già, trẻ con và phụ nữ tham gia.
Mùa săn nhện rừng bắt đầu từ tháng 4. Kinh nghiệm của người dân nơi đây, nhện rừng thường sống tập trung ở các trại nuôi ong trong rừng tràm. Thời điểm từ tháng 4 hàng năm, nhện vào mùa có trứng, khi chế biến có vị béo, bùi.
Theo bà Trần Thị Nghĩa (57 tuổi, trú tại Làng Cầu), trước đây, nhện được bán đồng giá, mức 170.000 đồng/kg, năm nay mới phân giá theo kích cỡ.
Với 3 năm kinh nghiệm, bà Nghĩa cho rằng bắt nhện rừng không cần nhiều bí quyết hay kỹ năng gì đặc biệt ngoài việc chịu khó. Người đi bắt chỉ cần dùng chiếc sào, một đầu có mấu, ngoắc vào lưới để nhện rơi xuống đất và nhanh tay bắt lại.
"Nhện rừng di chuyển không quá nhanh nhưng cắn thì rất đau, có khi vết cắn sẽ sưng mấy ngày mới khỏi. Thường chỉ cần tóm vào phần lưng của con nhện là được, người cẩn thận hơn thì mang găng tay nhựa phòng nhện cắn", bà Nghĩa cho hay.
"Bắt nhện rừng thì không có gì nguy hiểm hay vất vả nhưng nhện chăng lưới, sống trên tán cây, người đi bắt phải ngửa mặt nhìn lên, không cẩn thận có thể vấp ngã sấp mặt. Có khi đi vào rừng, sơ ý dẫm phải tổ ong, bị đốt sưng cả chân, cả đùi", chị Hiến vừa nói, vừa kéo quần "khoe" vết ong đốt sưng đỏ ở đùi.
Nghề săn nhện rừng kéo dài khoảng 5 tháng, kết thúc vào cuối tháng 9. "Ngày may mắn thì bắt được hơn 1kg, không thì cũng được vài ba lạng. Nói chung lúc nhiều lúc ít nhưng cứ đi là có tiền", bà Nghĩa vui vẻ nói.