Hiện, huyện Bình Chánh có 4 nhóm ngành nghề nông thôn theo Nghị định số 32 của Chính phủ (về phát triển ngành nghề nông thôn), gồm: Se nhang (xã Lê Minh Xuân), trồng mai vàng (xã Bình Lợi), nuôi cá kiểng (xã Bình Lợi, Tân Nhựt); trồng rau (xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Tân Nhựt, Vĩnh Lộc B).
Trong 4 làng nghề của huyện Bình Chánh có 2 làng nghề với quy mô lớn, đang ăn nên làm ra, như trồng mai vàng, nuôi cá kiểng.
Hiện, xã Bình Lợi có hơn 400ha mai vàng với hơn 100 hộ tham gia sản xuất, doanh thu 500 - 700 triệu đồng/ha mai vàng. Mỗi năm, làng mai Bình Lợi xuất bán cả triệu sản phẩm mai vàng các loại ra thị trường, thu về hơn 100 tỷ đồng. Đặc biệt, làng trồng mai vàng đã hỗ trợ đáng kể giúp người dân xã Bình Lợi nâng cao thu nhập trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Hiện, thu nhập bình quân người dân trong xã đã đạt hơn 64 triệu đồng/năm.
Giai đoạn 2023-2025, huyện Bình Chánh sẽ phát triển làng nghề se nhang, thực hiện hồ sơ công nhận, xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng mai vàng Bình Lợi. Trong giai đoạn 2025-2030, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng cá kiểng Bình Lợi.
Trong khi đó, ngoài những hộ nuôi cá kiểng riêng lẻ, làng cá kiểng huyện Bình Chánh còn có một HTX cá kiểng đang hoạt động.
Theo bà Phan Thị Thanh Công - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, HTX cá kiểng Bình Lợi có 9 hộ tham gia sản xuất với quy mô khoảng 16ha, chủ yếu là nuôi cá koi, cá chép.
Nhiều gia đình đã khấm khá từ nuôi cá koi. Mỗi năm, HTX này xuất bán hàng trăm ngàn con cá kiểng ra thị trường, doanh thu nhiều tỷ đồng. Hiện, HTX giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương.
Hỗ trợ thiết thực để các làng nghề tiền tỷ phát triển
Theo kế hoạch, giai đoạn 2023-2025, huyện Bình Chánh sẽ phát triển làng nghề se nhang, thực hiện hồ sơ công nhận, xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng mai vàng Bình Lợi. Giai đoạn 2025-2030, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng cá kiểng Bình Lợi.
Những năm qua huyện Bình Chánh cũng đã có những chính sách hỗ trợ làng se nhang bảo tồn và phát triển. Các hộ se nhang được chính quyền hỗ trợ vốn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ máy phóng nhang tự động cho hộ dân.
Ngoài ra, làng nghề se nhang còn được hỗ trợ đăng ký quảng bá sản phẩm. Hiện, làng nghề se nhang có 4 tổ hợp tác se nhang với 124 hộ tham gia sản xuất. Đầu ra của sản phẩm nhang tương đối ổn định.
Để thực hiện đúng kế hoạch bảo tồn và phát triển làng nghề tới năm 2030, huyện Bình Chánh đã xây dựng nhiều giải pháp, như tăng cường thông tin tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề cho người lao động, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác tham gia tại các làng nghề.
Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất; phát triển HTX, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề nhằm nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; hỗ trợ vốn, tín dụng cho các cơ sở ngành nghề nông thôn theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.
Bên cạnh đó, huyện xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn, phát triển các sản phẩm làng nghề thân thiện với môi trường…