Một loài sâu hại lúa nhiều gấp 4 lần năm ngoái, nông dân một huyện của tỉnh Thái Bình đứng ngồi không yên

Thứ tư, ngày 16/08/2023 14:11 PM (GMT+7)
Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, vụ mùa năm 2023, sâu cuốn lá nhỏ ra sớm hơn, thời gian kéo dài, diện phân bố rộng và đặc biệt mật độ cao hơn nhiều lần so với vụ mùa năm 2022 và cùng kỳ nhiều năm.
Bình luận 0

Vụ mùa năm 2023, toàn tỉnh Thái Bình gieo cấy 75.033ha lúa, trong đó, nhóm giống lúa chất lượng cao chiếm 47% diện tích, giống lúa năng suất cao chiếm 52,34% diện tích, còn lại là các giống lúa lai. Hiện, lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh đến làm đòng. Dự kiến, lúa mùa trỗ bông tập trung từ 5 – 20/9.

Theo điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình, vụ mùa năm 2023, sâu cuốn lá nhỏ ra sớm hơn, thời gian kéo dài, diện phân bố rộng và đặc biệt mật độ cao hơn nhiều lần so với vụ mùa năm 2022 và cùng kỳ nhiều năm. Cao điểm 1 sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 đã phòng, trừ xong; cao điểm 2 lứa 6 sâu non nở rộ từ ngày 18 – 25/8. 

Dự báo, mật độ sâu non trung bình 100 – 200 con/m2, nơi cao 300 – 400 con/m2, cục bộ 700 – 900 con/m2 đến 1.000 con/m2. Đây là đợt sâu non gây hại diện rộng, gây hại nghiêm trọng lá đòng, lá công năng trên các trà lúa mùa. Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh hại khác như: sâu đục thân hai chấm, rầy, bệnh lùn sọc đen, bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn cổ bông… xuất hiện, gây hại cục bộ.

Thời điểm hiện nay, Hưng Hà đang là điểm nóng của sâu cuốn lá nhỏ. Sâu xuất hiện ở diện tích gieo cấy trà sớm với gần 3.000ha, mật độ trung bình từ 60 - 80 con/m2, nơi cao 100 con/m2, cá biệt đạt 150 con/m2.

Một loài sâu hại lúa nhiều gấp 4 lần năm ngoái, nông dân một huyện của tỉnh Thái Bình đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình kiểm tra diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng.

Ông Đỗ Hoài Linh, Phó Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện cho biết: Do thời tiết thuận lợi, sâu đang tăng nhanh về số lượng, mật độ sâu cao gấp 4 lần cùng kỳ nhiều năm. Đây là giai đoạn quan trọng trong sinh trưởng của lúa nên không thể lơ là. 

Trạm đã có thông báo tới các địa phương phát động đợt phun thuốc từ ngày 12 - 14/8. Nếu không được phòng, trừ quyết liệt, kịp thời, sâu sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại, làm bạc trắng bộ lá, ảnh hưởng tới sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Tại huyện Đông Hưng, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân bón đón đòng cho lúa mùa trước khi bước vào giai đoạn phân hóa đòng, những diện tích lúa trỗ bông trong tháng 8, vùng chân quẩn ven làng, diện tích lúa xanh tốt... tập trung ở các xã: Đông Xá, An Châu, Đông Vinh, Đồng Phú... sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 cũng ra rộ.

Bà Phạm Thị Thủy, nông dân xã Đông Vinh lo lắng: Thời tiết xuất hiện nắng mưa xen kẽ, lúa được cung cấp thêm lượng đạm tự nhiên, xanh tốt hơn sẽ “kích” quá trình đẩy sức vào nhộng và vũ hóa của pha trưởng thành, chuẩn bị cho lứa sâu thứ 5, tấn công trực tiếp vào lá đòng. 

Điều đáng nói, sâu rải lứa, xen gối lứa ngay trong từng vùng, từng thôn khiến cho công tác phòng, trừ của bà con thêm phần khó khăn. Cùng với thời tiết nắng mưa xen kẽ trong thời gian ngành chuyên môn khuyến cáo phun trừ khiến hiệu quả thuốc không cao.

Bà Vũ Thị Nhuệ, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Hưng cho biết: Căn cứ vào diễn biến sâu trên đồng ruộng, Trạm đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, trừ sâu cuốn lá nhỏ. Ngoài ra, sâu đục thân hai chấm ra rải rác, có khả năng gây hại cục bộ cho diện tích lúa trỗ bông trong tháng 8; rầy phát sinh sớm và gia tăng mật độ nhanh. Bệnh khô vằn cũng phát sinh sớm so với cùng kỳ nhiều năm, tỷ lệ bệnh nơi cao từ 5 - 7%. Do đó, Trạm khuyến cáo các địa phương phun kết hợp sâu đục thân cho diện tích trỗ bông trong tháng 8. Ngoài ra, phun trừ rầy khi mật độ trên 800 con/m2, bệnh khô vằn khi tỷ lệ bệnh trên 5%.

Trước diễn biến phức tạp của sâu cuốn lá nhỏ, ngành nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh ban hành công điện khẩn chỉ đạo các địa phương, sở, ngành tổ chức tốt đợt phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa mùa từ ngày 20 – 24/8, bảo đảm không để địa phương, đơn vị nào chủ quan để sâu cuốn lá nhỏ phát sinh, gây hại nặng làm giảm năng suất lúa mùa. 

Ngoài ra, tại những vùng có mật độ sâu đục thân cao, trà lúa trỗ bông trong tháng 8 phải kết hợp phun phòng, trừ sâu đục thân. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân giữ mực nước trên ruộng từ 3 – 7cm ở giai đoạn lúa làm đòng để lúa trỗ bông thuận lợi, tăng hiệu quả của việc phòng, trừ sâu bệnh. 

Không sử dụng phân bón u rê và phân bón qua lá với mục đích nuôi đòng, nuôi hạt làm gia tăng mức độ gây hại của sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn ở cuối vụ.

Ngân Huyền (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem