Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Văn bản số 6385/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất.
Theo nội dung văn bản, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
NHNN cũng yêu cầu các TCTD báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Đồng thời, các TCTD phải báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.
Trước đó, tại Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa ban hành một lần nữa cho thấy chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.
Nghị quyết nêu rõ: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình.
Triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Thống kê của Bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán SSI cũng đã chỉ ra rằng, tốc độ giảm của lãi suất cho vay đã nhanh hơn trong tháng 7. Tuy nhiên vẫn xuất hiện sự phân hóa khá rõ rệt.
Theo đó, với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có chất lượng tín dụng tốt, lãi suất cho vay đã giảm về khoảng 8-10% trong khi đó các doanh nghiệp có chất lượng tín dụng kém hơn vẫn phải đi vay với mức lãi suất từ 12-15%.
Cùng với đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường dân cư tiếp tục được điều chỉnh giảm khoảng 20-50 điểm cơ bản ở các ngân hàng thương mại cổ phần ở các kỳ hạn, và đưa mức lãi suất niêm yết dành cho khách hàng tổ chức về khoảng 6,2% - 6,8% cho kỳ hạn 12 tháng – giảm khoảng 150 điểm cơ bản so với cuối năm 2022.
Đối với khách hàng cá nhân, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giao động từ 6,3% cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đến 6,4% - 7,0% cho nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn và vào khoảng 7,2% - 7,6% cho nhóm còn lại.
Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng như ACB, NCB, HDBank, SHB, MSB, Eximbank….đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Phần lớn các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm 0,1-0,3 điểm % so với trước.
Nhóm Big4 (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV) không có biến động lãi suất trong thời gian gần đây, ngân hàng vẫn giữ nguyên mức cao nhất là 6,3%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV hiện một trong 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh dự kiến sẽ điều chỉnh lãi suất tiết kiệm tại tất cả các kỳ hạn, trong đó lãi suất tiết kiệm cao nhất sẽ được điều chỉnh về mức "siêu thấp", chỉ 5,8%/năm với kỳ hạn gửi tiền 12 tháng.
Trước đó, tại Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước cần xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với tình hình thực tiễn (cả năm khoảng 13 - 15%, trường hợp thuận lợi có thể tăng cao hơn) và công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Tuy nhiên thực tế, tăng trưởng tín dụng chậm lại trong những tháng đầu năm, thậm chí tăng trưởng trong tháng 7 còn giảm so với cuối tháng 6.
Cụ thể, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 7 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm 2023, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức yếu.