Nước ta có bờ biển dài, vùng đặc quyền kinh tế biển rộng lớn, vị trí địa lý chiến lược với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Biển Đông còn là ngôi nhà của hàng nghìn loài hải sản nhiệt đới rất phong phú, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá mú, cá vược, tôm hùm, bào ngư, các loài nhuyễn thể…
Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển. Tuy nhiên thực tế cho thấy, quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, diện tích nuôi biển mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước. Rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.
Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.
Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi đang xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và phát triển du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.
Lĩnh vực nuôi biển cũng đã được Đảng, Chính phủ xác định là động lực phát triển kinh tế với nhiều chính sách đã được ban hành, điển hình là Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt với tầm nhìn, mục tiêu, giải pháp cụ thể.
Chủ trương phát triển nuôi biển đã được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 339/QĐ-TTg; Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 16/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do đó, việc chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam được xem là xu hướng tất yếu nhằm đạt mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8-1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8-2 tỷ USD.
Để góp phần tìm lời giải cho vấn đề trên, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển – Cơ hội và Thách thức.
Các khách mời tham gia tọa đàm:
- Ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam
- Ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT);
- Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT);
- Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group
- Ông Đỗ Văn Kiểm – Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển, Công ty TNHH De Heus Việt Nam
- Bà Nguyễn Thị Toàn Thư – Chuyên viên phụ trách lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa (kết nối qua Zoom).
- Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt.
- Tham dự Toạ đàm hôm nay còn có một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương
Buổi Toạ đàm đang được trực tuyến trên báo điện tử Dân Việt, ngay bây giờ, quý độc giả, bà con nông dân quan tâm đến vấn đề trên, có thể gửi câu hỏi đến các vị khách mời, chuyên gia qua số điện thoại: 0987.102984.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt khẳng định: Với đường bờ biển dài, nhiều eo vịnh, đảo, nước ta có tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển, nhưng thực tế cho thấy quy mô nghề nuôi biển ở nước ta phần lớn là manh mún nhỏ lẻ, rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi biển quy mô lớn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, thiếu con giống, thức ăn và công nghệ lồng nuôi lạc hậu.
Phần lớn vật liệu lồng nuôi được làm từ gỗ hoặc tre, quả phao xốp nổi và khối xốp. Lồng nuôi thô sơ nên không chịu được sóng gió, dễ bị sóng đánh hư hỏng, còn vật liệu xốp gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng sau thời gian bị thải bỏ.
Con giống, thức ăn phục vụ nuôi biển cũng còn hạn chế, việc xử lí chất thải từ nuôi biển chưa được quan tâm, nhiều vùng nuôi thường xuyên bị thiệt hại bởi dịch bệnh... Đặc biệt, nhiều nơi xảy ra xung đột giữa nuôi trồng thủy sản trên biển và du lịch, công nghiệp, do đó bà con ngư dân chưa thực sự yên tâm đầu tư lâu dài cho lĩnh vực này.
Trong khi đó, hải sản xuất khẩu của Việt Nam lại đang bị Ủy ban châu Âu áp thẻ vàng IUU về các vấn đề liên quan đến đánh bắt, khai thác bất hợp pháp. Việc gỡ thẻ vàng IUU đến nay đã 5 năm nhưng chưa thành công.
"Do vậy, câu chuyện nuôi hủy sản biển đặt ra ở thời điểm này rất thời sợ, đòi hỏi Việt Nam phải giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng và đây cũng là hướng đi chiến lược, được Bộ Nông nghiệp và PTNT coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững. Vì vậy, chuyển đổi sang nuôi hải sản xa bờ, phát triển quy mô công nghiệp, hướng tới xuất khẩu, nâng cao chất lượng và giá trị thủy sản Việt Nam sẽ là xu hướng tất yếu", ông Hoài nhấn mạnh.
Do đó, tại buổi Tọa đàm hôm nay, ông Nguyễn Văn Hoài hy vọng, các vị đại biểu cùng thảo luận, trao đổi về các giải pháp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên biển hiệu quả, bền vững.
Nói về tiềm năng nuôi biển của Việt Nam, những vùng nào có thể đẩy mạnh nghề nuôi biển, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết:
Việt Nam có 3.260km bờ biển và 1 triệu kiomet mặt biển, chúng tôi đánh giá có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi biển được, nghĩa là tiềm năng nuôi biển về mặt diện tích là rất lớn.
Trên thực tế có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển nuôi biển, nhưng chúng tôi tạm chia thành các vùng chính như sau: Thứ nhất vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác.
Vùng thứ 2 là Duyên hải Miền trung, ở vùng này có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam Bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam Bộ.
Về đối tượng nuôi cũng khá phong phú, đa dạng. Từ các loại cá đến các loại nhuyễn thể (ngao, sò, hàu…), giáp xác (tôm hùm…) đến nhóm thứ 4 là nhóm rong biển cũng đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển.
Bên cạnh đó, nuôi biển còn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua hàng loạt các chính sách, chủ trương.
Cụ thể, năm 2017 đã có Nghị quyết 09 về phát triển kinh tế biển rồi Luật Thủy sản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý rất lớn để phát triển kinh tế thủy sản. Đến năm 2018 chúng ta có Nghị quyết số 36 trong đó gạch đầu dòng thứ 4 là phát triển kinh tế thủy sản. Rồi năm 2021 Thủ tướng cũng đã phát hành Đề án nuôi biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, nghĩa là chúng ta đã có đầy đủ chủ trương, vấn đề hiện tại chỉ là thực hiện thế nào cho hiệu quả.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, chúng ta có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh đó, chúng ta có nhiều khó khăn, điều đầu tiên là quy mô sản xuất, 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá…
Việc đó khiến rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại thì các hộ bị thiệt hại nặng và phải lại làm lại.
Thứ 2 là phương thức, do quy mô hộ gia đình nên sức đầu tư vào trại nhỏ, mức độ cơ giới hóa, các tiến bộ kỹ thuật yếu, phần lớn các bè nuôi thủ công, tận dụng các vật liệu, trong đó có vật liệu có thể gây hại môi trường.
Thứ 3 là vấn đề hệ thống, các chuỗi nuôi biển đang manh nha nhưng nhỏ, chưa có sự kết nối hay việc cung cấp cá giống cho bà con không ai kiểm định, thức ăn công nghiệp cũng thế không ai kiểm định. Không ai kiểm định bè nuôi khiến rủi ro cho người nuôi phải chịu.
Thứ 4 mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá hàng tỷ để hàng chục tỷ nhưng đối với Nhà nước, ngân hàng không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá để các cơ quan đánh giá là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, các chính sách, hỗ trợ của nhà nước.
Mức độ tiếp cận chính sách, thực hiện chính sách khó. Luật thủy sản năm 2017, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân làm hoạt động nuôi trồng chưa được thực hiện hiệu quả. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chưa có cơ quan nào được giao biển và giao biển đủ dài để nuôi trồng lâu dài.
Hay là Nghị định 11 việc giao biển cho cá nhân đến nay việc thực thi vẫn chưa hiệu quả. Trong Nghị định 67 vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết.
Theo đó, từ sản xuất đến quản lý còn nhiều vướng mắc cần được các cơ quan chức năng, địa phương tháo gỡ.
Trao đổi về công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong nuôi trồng thủy sản trên biển, ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết:
Thời gian qua, thực hiện Quyết định 339 của Chính phủ và Đề án 1664 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Trung tâm khuyến nông thực hiện các giải pháp bền vững nghề nuôi biển.
Chúng tôi đã tập trung liên kết với các viện, trường có công nghệ tốt nhất chuyển giao kỹ thuật nuôi biển cho bà con như đã triển khai tại Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Kiên Giang, và đang tiếp tục triển khai hỗ trợ bà con tại Ninh Thuận, Bình Thuận.
Hiệu quả của các mô hình đã được truyền thông và được tổ chức tham quan chéo để bà con nông dân học tập. Các mô hình mà chúng tôi đã và đang triển khai thời gian qua đều hướng đến các sản phẩm nuôi có giá trị kinh tế cao, như cá song, cá giò, tôm hùm, giáp xác, nhuyễn thể… Nhờ các hoạt động khuyến nông đó, diện tích nuôi biển chuyển sang công nghệ mới đang ngày càng tăng.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Khó khăn thứ nhất là các công nghệ, từ doanh nghiệp, viện nghiên cứu về đến dân sao tốt cho nhất còn gặp nhiều trở ngại. Không phải công nghệ nào cũng phù hợp với điều kiện đầu tư của bà con, với từng vùng miền. Do vậy chúng tôi vẫn đang đặt hàng các viện nghiên cứu để hỗ trợ bà con.
Chính sách khuyến nông hiện hỗ trợ 50-70% cho bà con, còn lại là nguồn lực của nông dân, nhưng nhiều lúc các chính sách hỗ trợ khó đến với bà con vì năng lực đối ứng của nông dân còn khó.
Khó khăn nữa là dân nuôi theo truyền thống, thay đổi nhận thức còn khó khăn, vận động bà con chuyển từ nuôi lồng gỗ sang nhựa công nghệ mới chuyển việc sử dụng thức ăn từ cá tạp sang thức ăn công nghiệp còn khó, trung tâm dần đào tạo để làm sao tuyên truyền tới bà con tiếp cận được các công nghệ mới nhằn phát huy hiệu quả nuôi của chúng ta.
Cuối cùng là khó khăn trong liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất, làm sao kết nối nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông để giảm chi phí đầu vào cho bà con, giảm trung gian, tăng hiệu qủa cho bà con trong thời gian tới.
Về việc ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản trên biển, bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group cho rằng, hiện nay, nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên biển còn một số điểm hạn chế như: Suất đầu tư vật liệu nhựa xanh trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay “bị nhân” vài lần; Vấn đề nhận thức còn hạn chế, có những hộ gia đình 3-4 đời NTTS trên biển, sản xuất manh mún, vật liệu để NTTS thường được làm bằng tre, vật liệu chai, lọ… Đây là yếu tố đã gắn rất lâu đời, việc cải tiến, thay đổi gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn, thời gian qua đã, Chính phủ, các Bộ ngành đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nuôi biển như: Quyết định 1664/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị định số 11 năm 2021 của Bộ TNMT. Đây có có thể khẳng định là cơ hội để bà con ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững.
Hiện nay, để NTTS trên biển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, việc đầu tư lồng nhựa HDPE đang là hướng đi mới cho bà con ngư dân. Lồng nhựa HDPE được ví như “móng nhà” vững chắc trên biển và có thể xây lên 5-7 tầng.
Sử dụng lồng nhựa HDPE trong nuôi biển Na Uy đã đi trước Việt Nam 30 năm; Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia cũng đã sử dụng rất phổ biển, điều này góp phần bảo vệ môi trường và có thể “tuổi thọ” đến 50 năm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần quy hoạch NTTS trên biển gắn với du lịch. Đây là nét đẹp tự nhiên, gia tăng giá trị cho bà con ngư dân. Đơn cử như Hạ Long, đi qua làng chài, thực tế vẫn là các phao xốp, nếu kết hợp được có thể quảng bá du lịch Việt Nam.
Phát triển các mô hình nuôi biển
Nói về việc phát triển các mô hình nuôi biển cũng như vật tư đầu vào cho nuôi biển, ông Đỗ Văn Kiểm – Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển - Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết:
Tập đoàn De Heus có tham gia vào thị trường thức ăn nuôi biển, và theo đánh giá chủ quan của tôi thì hiện mảng thức ăn nuôi biển đang có những hạn chế sau đây:
Thứ nhất là về nghiên cứu. Việt Nam có đề tài nghiên cứu về thức ăn nuôi biển nhưng chủ yếu là cá biển chứ chưa có các loại thức ăn dành cho những vật nuôi khác. Cá biển hiện cũng chỉ có đề án thức ăn dành cho 3 loại các chính là: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá song (còn gọi là cá mú).
Thứ 2 là việc ứng dụng công nghệ đang thiếu và yếu, hiện chỉ có một số doanh nghiệp áp dụng được công nghệ vào kiểm soát thức ăn trong nuôi biển nhưng cũng chưa thực sự phát triển rộng rãi.
Thứ 3 là kiểm soát nguyên liệu để sản xuất thức ăn cá biển. Ví dụ tại De Heus chúng tôi thì nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cá biển là nguồn nhập khẩu 100% nhưng các loại cá khác thì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong nước, tuy nhiên De Heus cũng đã nhiều lần phải trả lại hàng do có chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Do đó, tôi đánh giá việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thức ăn có chất lượng cũng đang là hạn chế khá lớn trong ngành sản xuất thức ăn nuôi biển.
Thứ 4 là giá thức ăn, thời gian gần đây giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục trong khi giá thàng sản phẩm không tăng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thức ăn trong nuôi biển nói riêng.
Và cuối cùng là sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế trong việc tạo cơ chế phù hợp để phát triển ngành thức ăn chăn nuôi dành riêng cho nuôi biển.
Từ những hạn chế trên, tôi cho rằng cần phải có giải pháp phù hợp cho từng vấn đề.
Thứ nhất về vấn đề nghiên cứu, bản thân De Heus tuy mới tham gia thị trường thức ăn cá biển 6 năm nay nhưng đã có nhiều hợp tác với các Viện, các trường đại học cũng như các doanh nghiệp khác để có thể đưa ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với điều kiện vùng nuôi ở Việt Nam.
Về mặt công nghệ, hiện tại do những nhiều nguyên nhân khác nhau mà chúng ta chưa thể áp dụng công nghệ vào nuôi biển tuy nhiên trong tương lai chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi, đặc biệt khi đưa loại lồng tròn vào nuôi biển.
Về vấn đề kiểm soát, thì hiện tại các nhà máy của De Heus đều đáp ứng được tiêu chuẩn trong sản xuất thức ăn cho cá biển. Và vấn đề này cần được nhân rộng và áp dụng thống nhất một loại quy chuẩn phù hợp với yêu cầu quốc tế chứ không nên chỉ áp dụng quy chuẩn của Việt Nam.
Về vấn đề bình ổn giá, cách làm của De Heus là có thư bảo lãnh ngân hàng để bà con có thể thuận tiện trong vay vốn, đảm bảo giá thức ăn cho nuôi biển luôn được ổn định ở mức hợp lý nhất có thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu.
Tại De Heus, chúng tôi đang tiến hành xây dựng các vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên, về nguyên liệu nhập khẩu thì 100% nhập bột cá từ Nam Phi, và sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu có thể thay thế dần đạm động vật bằng thức ăn từ côn trùng để giảm giá thành sản phẩm mà vẫn đảm bảo chất lượng thức ăn.
Cuối cùng, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ và kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để phát triển mô hình nuôi biển đa dạng hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng theo đúng tiềm năng to lớn sẵn có.
Bà Nguyễn Thị Toàn Thư – Chuyên viên phụ trách lĩnh vực Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa có nhiều lợi thế trong nuôi biển, trong đó có 3 vịnh lớn rất thuận lợi để nuôi biển… Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều cơ sở nghiên cứu, viện nghiên cứu chủ động sản xuất được nhiều con giống mới chất lượng, năng suất cao. Nhờ thế mà nghề nuôi biển của tỉnh có nhiều phát triển.
Nghề nuôi biển của tỉnh chiếm trên 50% và đạt trên 20.000 tấn sản phẩm mỗi năm. Các đối tượng chủ yếu là tôm hùm, cá biển. Như tôm hùm, trong thời gian vừa qua, sản lượng tôm của Khánh Hòa chiếm trên 50% sản lượng cả nước, đạt gần 3.000 tấn.
Các đối tượng nuôi khác như cá biển như cá vây vàng, tỉnh có một số doanh nghiệp đầu tư nuôi lông bè HDPE công nghệ Na Uy, một số doanh nghiệp này đàu tư công nghệ cao nuôi nhiều. Một số đối tượng khác như cua biển, rong biển… cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trong thời gian qua, tỉnh xây dựng Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tỉnh đã đề xuất diện tích khoảng 3.300ha, từ ven bờ đến 3 hải lý, và đề xuất thêm vùng mới từ 3-6 hải lý.
Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tại các vùng biển kín, vùng biển hở. Các cơ quan chức năng đang xây dựng các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE.
Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè nuôi trồng thuỷ sản, hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thuỷ sản được thả nuôi.
“Đây là bước đi nhỏ để vươn ra biển lớn, càng vùng biển xa thì rủi ro, thách thức lớn trong quá trình nuôi. Qúa trình thí điểm này cũng là quá trình chúng ta hoàn thiện dần mô hình lồng bè, cách nuôi, phương thức nuôi để nuôi biển đạt được hiệu quả cao nhất. Đạt được điều này, chúng ta sẽ nuôi biển xa hơn theo quy mô công nghiệp, tạo ra hiệu quả lớn, thực sự trở thành ngành kinh tế lớn của Việt Nam. Hiện nay Đề án đã được tỉnh thông qua và sẽ trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới", bà Thư nhấn mạnh.
Đề xuất các giải pháp thúc đẩy nuôi biển bền vững
Nói về các giải pháp thúc đẩy nuôi biển bền vững, ông Trần Công Khôi – Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước thời gian qua rất quan tâm đến vấn đề nuôi biển, chủ trương là giảm khai thác tăng nuôi, nuôi biển chứ nuôi nội địa đã ở mức trần.
Về chế tài, nuôi biển đã được đưa vào Luật Thủy sản năm 2017, ở luật này nghề nuôi biển được thể hiện rất rõ, có hẳn quy định về giao khu vực biển và các vấn đề khác nữa. Có thể nói hành lang pháp lý đã rất rõ ràng, chúng tôi đang tiếp tục sửa Nghị định 26 về cấp phép nuôi trồng trên biển để có các chính sách đồng bộ cho người dân.
Về chuyển đổi nghề, Chính phủ cũng đã có Quyết định 339 về chiến lược thủy sản từ 2030-2045. Thủ tướng cũng phê duyệt quyết định 1664 về đề án phát triển thủy sản trên biển cùng với đó Chính phủ có Quyết định 208 về chuyển đổi nghề xâm hại môi trường biển sang nghề khác.
Chính sách cơ bản đã có rồi, thực tế là chúng ta đang tiến hành cùng các tổ chức đơn vị cá nhân chuyển đổi nghề cho bà con khai thác ven bờ. Hiện theo tính toán của chúng tôi, với tiềm năng khai thác biển từ 3,9-4 triệu tấn thì chúng ta đã khai thác đạt 3,6 triệu tấn rồi, đến sát ngưỡng rồi nền việc giảm khai thác ven bờ là tất yếu và không gì có thể thay thế nó bằng nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng.
Chúng tôi đang có những mô hình nuôi trồng thủy sản mang tính cộng đồng rất hiệu quả, phù hợp với các chính sách nêu trên. Các mô hình cộng đồng về trồng rong, rong câu, rong sụn đang phát triển rất tốt… Chúng tôi đang cùng 1 số công ty triển khai các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý vừa quản lý được khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, đồng thời giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.
Ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, hiên nay, quy hoạch không gian biển quốc gia đang bị chậm tiến độ, cho đến nay chúng ta chưa xây dựng xong và chưa ban hành được, sắp tới Quốc hội sẽ thảo luận về quy hoạch này. Sau khi Quốc hội thảo luận, thông qua thì chúng ta mới có thể có cơ sở để triển khai.
Thứ hai, sau khi có quy hoạch, phải tiến hành sớm giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân để NTTS trên biển. Chúng ta không thể kêu gọi ngư dân đầu tư vào công nghệ mới như lồng nhựa HDPE nếu như họ không có quyền sử dụng vùng biển đó lâu dài thì không thể đầu tư bài bản được.
Thứ ba, hiện nay tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam liên quan đến nuôi biển mới đang triển khai xây dựng, quá trình xây dựng và phê duyệt mất rất nhiều thời gian, kiến nghị các tỉnh làm các tiêu chuẩn cơ sở để ít nhất các địa phương có nghề nuôi biển ban hành sớm. Ví dụ như Quảng Ninh đi rất sớm trong việc phê duyệt vật tiêu trong NTTS mặn – lợ; ban hành thông tư hướng dẫn giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân. Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn thì không có sơ sở pháp lý để công nhận.
Thứ tư, việc đánh giá, công nhân các trại nuôi, bè nuôi kiến nghị Bộ NNPTNT chỉ định đơn vị cáp quốc gia, địa phương đánh giá công nhân tiêu chuẩn trại nuôi để đạt chuẩn. Chúng ta có công nhận cái đó, công với giao biển thì mới biến đầu tư của dân thành tài sản, lúc đó người dần dùng tài sản đó để tham gia vào việc thế chấp Ngân hành, đầu tư, thừa kế…
Thứ năm, chúng ta chưa có bảo hiểm cho ngành thủy sản (trừ đóng tàu cá theo Nghị địng 67). Hiện Hiệp hội đang làm việc với công ty của Úc để thí điểm ứng dụng việc này tại Việt Nam. Khi có bảo hiểm thì việc vay vốn Ngân hàng sẽ dễ dàng hơn.
Xây dựng chuỗi liên kết trong nuôi biển, kết hợp phát triển du lịch
Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group cho biết, bản thân người nông dân, chúng ta hướng họ làm chuỗi nhưng quản lý thói quen của bà con rất khó khăn. Chúng tôi biết trên thế giới đưa môn học vào quản lý chuỗi vào đào tạo, đây là mô hình rất hay Việt Nam chúng ta cần phải triển khai đào tạo lĩnh vực này.
Chuỗi của tôi kết hợp với 43 hộ nông dân, hiện chúng tôi vận động 7 hộ nuôi trồng rong kết hợp hàu. Trong đó chúng tôi cho bà con trả góp trong vòng 18 tháng, doanh nghiệp cung cấp giống và thu mua đầu ra bán cho Công ty rau câu Long Hải.
Khi khách du lịch đến trải nghiệm rất thích, các hộ đều có sự khác biệt nhưng cả vùng biển đều là màu xanh của rong, người nuôi biển này cũng thấy được lợi ích từ liên kết chuỗi đó. Sắp tới, chúng tôi cần phải đào tạo và sự chung tay của cả cộng đồng, bà con., đào tạo quản lý tài sản, chăm sóc giống nuôi.
Chúng tôi bắt đầu 2 năm nay nhưng giờ đã thấy bệnh trên rong và thấy rằng, doanh nghiệp đi tiên phong luôn dễ bị rủi ro. Hiện, chúng tôi kết hợp với các chuyên gia hải sản và bắt được bệnh và sẽ kết hợp cùng nhau để gỡ khó.
Đến nay, chúng tôi kết hợp với trại đầu tiên ở trại đảo Phất Cờ (Quảng Ninh) và đang nhân rộng ra. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã đưa ra chỉ tiêu và cấp mặt nước cho HTX để bà con yên tâm làm dài hơi hơn.
Về phát triển du lịch cộng đồng ở các vùng nuôi biển, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, 2 ngành này muốn đi với nhau thì cả 2 cùng phải nâng cấp thì chúng ta mới có thể cùng phát triển và khai thác tốt mặt nước biển. Với phương châm tích hợp nhiều ngành kinh tế biển khác nhau vào với nhau thì chắc chắn trong tương lai không xa chúng ta sẽ có ngành kinh tế biển phát triển bền vững và hiệu quả.
Ông Trần Công Khôi lại mong muốn Việt Nam có các “thành phố nuôi trên biển”, ở đó, các lồng bè xếp đều nhau như một thành phố trên biển.
"Nuôi trồng thủy sản biển như vậy mà kết hợp được với du lịch là điều tuyệt vời, các tỉnh cần sớm có giải pháp phát triển hài hòa du lịch và nuôi thủy sản biển", ông Khôi nhấn mạnh.
Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) cho biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai nhiều mô hình, đưa các đối tượng nuôi biển vào thực tế rất phong phú, từ nuôi xa bờ, ven bờ, bãi triều, hướng đến các sản phẩm nuôi giá trị như cá biển (cá giò, cá mú, chim vây vàng), tôm hùm, các loại nhuyễn thể như rong biển.
Tuy nhiên để phát huy hơn nữa nghề nuôi biển thời gian tới, chúng ta phải phối hợp các Viện để có con giống, hợp tác với doanh nghiệp để có thức ăn cùng đồng hành với khuyến nông và chuyển giao cho bà con.
Các mô hình khuyến nông sẽ hướng tới liên kết với các hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết, kỹ thuật đã có khuyến nông nhưng đầu ra rất quan trọng, đưa các mô hình gắn du lịch như ở Vân Phong ở Khánh Hòa, Phất Cờ ở Quảng Ninh gắn tiêu thụ sản phẩm để có hiệu quả nhất.
Thị trường cho các sản phẩm nuôi biển
Nói về đầu ra cho các sản phẩm nuôi biển, ông Trần Công Khôi cho biết: Đối với nuôi biển, thị trường bây giờ mới bắt đầu phát triển vì đây là ngành mới. Trước đây chúng ta thường tiêu thụ trong nước, nhưng chỉ có thị trường trong nước sẽ khó phát triển nên phải tính đến xuất khẩu. Hiện tôm hùm chúng ta đã xuất khẩu được 142 triệu USD, cá biển hơn 300 triệu USD, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn, bởi chúng ta có thị trường, nhưng tùy từng thị trường mà có tiêu chuẩn khác nhau, và chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu đó.
Muốn như vậy, chúng ta phải có vùng nuôi lớn đạt chuẩn, thứ 2 phải có nghiên cứu sâu, đủ về các thị trường tiềm năng và có cách tiếp cận phù hợp, làm theo đúng yêu cầu thị trường. Nếu chúng ta làm được vòng tròn như thế thì sản phẩm của chúng ta sẽ đi được khắp thế giới.
Ngoài việc làm của cơ quan quản lý nhà nước thì rất mong chờ các hiệp hội, các doanh nghiệp vào cuộc sâu hơn nữa để có thị trường tốt nhất cho ngành nuôi biển.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn STP Group mong muốn có một sự tổng hợp của cơ chế chính sách, kèm theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Hiện Nghị định số 11 năm 2021 của Bộ TNMT giao mặt nước 30 năm, trong điều kiện cấp bà con phải cam kết tham gia vào chuỗi của chính quyền, doanh nghiệp, đồng thời bà con cam kết quy trình nuôi khi tham gia.
Bảo vệ môi trường ở các vùng nuôi biển
Để bảo vệ môi trường ở các vùng nuôi biển, ông Dũng đề nghị Cục Thủy sản đưa ra những quy định mà người nuôi phải thực hiện, anh chỉ được giao diện tích biển khi anh đáp ứng được những quy định đã đề ra, đồng thời có chế tài xử phạt rõ ràng. Nếu vi phạm nhiều lần phải thu hồi giấy phép và xử lý hành chính thật thích đáng
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đánh giá sức tải môi trường vùng nuôi, ngày cả Australis là doanh nghiệp có sức nuôi lớn nhưng họ cũng không nuôi 2 vụ trong năm mà di chuyển lồng nuôi ra vùng biển khác, trong phạm vi được giao để đảm bảo vấn đề môi trường để phát triển bền vững. Gần đây tôi có đi thăm vịnh Xuân Đài – Vũng Rô (Phú Yên) thì thấy là vùng nuôi này ô nhiễm khủng khiếp, chính quyền và kể cả bản thân những hộ nuôi biển cũng hỏi về giải pháp để khắc phục, hạn chế vấn đề này nhưng tôi có nói là: lỗi lớn nhất do chính họ, nếu không đánh giá đúng mức hộ xâm hại tới môi trường thì không bao giờ phát triển được bền vững.
Và cuối cùng cần sự phối kết hợp chặt chẽ giữa người nuôi, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cả vai trò của Hiệp hội nuôi biển cũng đóng vai trò quan trọng trong mối liên kết này.
Ông Trần Công Khôi cho biết, các quy định đều đã có, muốn được cấp phép nuôi biển thì hồ sơ phải có đánh giá tác động môi tường. Tôi thấy buồn vì bà con kêu khó nên không làm, thực ra các cơ sở nộp hồ sơ đều được cấp phép. Các hồ sơ phải đảm bảo đủ các quy định. Nếu chưa có quy hoạch thì phải xin ý kiến của 4 bộ ngành. Hiện nay quy hoạch tổng thể chưa có nhưng quy hoạch nhỏ ở các tỉnh đã có như Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Thứ nhất là mô hình như Công Ty TNHH Thủy Sản Australis Việt Nam, hay các doanh nghiệp khác cũng đã xin diện tích nuôi biển và đã được cấp phép như Mavin xin ở Kiên Giang 1.800ha.
Có 2 giải pháp, một là quy hoạch, tất cả quy hoạch của các tỉnh đều được Bộ NNPTNT góp ý, các tỉnh đều tiếp thu như Thanh Hóa, Quảng Ninh tiếp thu rất tốt, chúng ta sẽ có được du địa phát triển nuôi biển.
Thứ 2 là chính sách, chúng tôi đã xây dựng nhiều chính sách để hỗ trợ các tỉnh phát triển nuôi biển. Khi đó chúng ta sẽ huy động được nguồn lực xã hội nhất là các doanh nghiệp lớn tham gia vào chuỗi nuôi biển và sẽ có nhiều mô hình như Australis xuất hiện.
Ông Đặng Xuân Trường cũng nhấn mạnh, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng không thể đứng ngoài cuộc mà sẽ tham gia vào để phát triển nghề nuôi biển một cách bền vững.
Theo đó, Trung tâm KNQG sẽ tập trung ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất; tìm ra các giải pháp về vốn, cụ thể như: ngoài ngân sách nhà nước hàng năm, Trung tâm sẽ dành nguồn vốn để phát triển nuôi biển cho tất cả các tỉnh có tiềm năng.
Ngoài ra, Trung tâm đã ký hợp tác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng song hành để hỗ trợ vay vốn cho tổ hợp tác, HTX và bà con ngư dân.
Đồng thời, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở sẽ cùng hỗ trợ, đồng hành, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX, bà con ngư dân. Hiện Trung tâm cũng đã ký kết hợp tác với Quỹ Thiện tâm, hỗ trợ cho HTX tối đa 1 tỷ đồng để phát huy nội lực của các HTX.