Thông tư số 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng vừa ra đời đã nhận được phản hồi từ phía doanh nghiệp và hiệp hội bất động sản cho rằng, thông tư này đang gây khó khăn cho thị trường bất động sản. Ngân hàng Nhà nước có ý kiến gì đối với vấn đề này?
- Thông tư 06 được ban hành sau khi NHNN đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các hiệp hội và các tổ chức tín dụng. Quá trình ban hành Thông tư 06 đã được NHNN thực hiện theo đúng trình tự văn bản quy phạm pháp luật. NHNN đã lấy ý kiến rộng rãi của các cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, các hiệp hội ngành nghề. Trong quá trình xây dựng thông tư, NHNN thấy rằng, không hề có nhận được bất cứ cái ý kiến phản hồi tiêu cực hay ý kiến không đồng thuận nào đối với dự thảo Thông tư 06 từ các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, vừa qua một số doanh nghiệp và hiệp hội trong lĩnh vực bất động sản qua rà soát Thông tư 06 có quan ngại về các hạn chế của Thông tư 06 đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Quả thật tại Thông tư 06 có một điều khoản quy định là tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, hợp tác kinh doanh khi thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật. Hiện, quy định của Luật Kinh doanh bất động sản mà cụ thể ở đây là Điều 9 và Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản có quy định rất rõ thế nào là các dự án không đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh. Đối với tất cả những nhu cầu khác của hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có những dự án đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh thì các tổ chức tín dụng hoàn toàn có thể xem xét để cho vay. Đây là điểm khá là mới so với Thông tư 39 trước đó.
Ông có thể nói rõ hơn về lý do NHNN đưa ra các quy định mới tại Thông tư 06 so với Thông tư 39 trước đó?
- NHNN đưa ra các cái điều kiện mới cấm cho vay đối với hành vi góp vốn hoặc là hợp tác kinh doanh để thực hiện các dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh, là đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Nhà nước về việc nâng cao lành mạnh, năng lực cạnh tranh của tổ chức tín dụng cũng như xử lý được những vấn đề tồn đọng của các tổ chức tín dụng thời gian qua, trong đó có vấn đề về sở hữu chéo, vấn đề doanh nghiệp sân sau và những vấn đề nhóm lợi ích trong hoạt động cho vay của tổ chức ứng dụng.
Thực tế, qua công tác thanh tra, giám sát thời gian qua NHNN thấy rằng, đối với hoạt động góp vốn và góp vốn để hợp tác kinh doanh đối với những dự án chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh có những rủi ro trọng yếu đã phát sinh. Cụ thể là, khách hàng khi vay để góp vốn trong trường hợp này dẫn đến việc, toàn bộ nguồn trả nợ của khách hàng phụ thuộc vào kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của chính bản thân dự án đó mà không có khả năng cân đối từ nguồn vốn của chính người đi vay.
Hơn nữa, hoạt động góp vốn đó có thời gian rất dài. Trong khi đó, khoản vay của ngân hàng có kỳ hạn xác định; đồng thời tổ chức tín dụng cũng không có khả năng kiểm soát được dòng tiền cũng như mục đích sử dụng vốn của người sử dụng vốn cuối cùng (trong trường hợp này là các dự án được góp vốn). Từ đó, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong việc thu hồi nợ trong tương lai của tổ chức tín dụng.
Đồng thời, quy định này cũng góp phần hỗ trợ cho chủ đầu tư dự án bất động sản nâng cao tính tuân thủ pháp luật, đảm bảo các dự án đủ điều kiện kinh doanh để tạo cơ sở cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững. Đồng thời cũng bảo vệ được các nhà đầu tư, cá nhân, những người vay vốn, những người mua nhà cuối cùng.
Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay khách hàng để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng kinh doanh để thực hiện các dự án đầu tư chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo Điều 9 và Điều 55 của Luật Kinh doanh bất động sản. Quy định này được thực hiện trên cơ sở kiến nghị của thanh tra trong quá trình thanh tra, giám sát với mục đích là nâng cao hiệu quả của hoạt động an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, hạn chế và tiến tới xóa bỏ tình trạng sở hữu chéo, hạn chế tập trung vốn cho vay đối với các dự án cùng hệ sinh thái, che giấu nợ xấu, tình trạng đảo nợ và qua đó góp phần đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ và an ninh kinh tế.
Ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN)
Như vậy, với những ý kiến phản hồi từ phía doanh nghiệp bất động sản, hiệp hội bất động sản, NHNN sẽ tiếp nhận phản hồi đó như thế nào?
- Thông tư 06 cũng như là các văn bản quy phạm pháp luật khác của NHNN đều được rà soát, chỉnh sửa để đảm bảo đáp ứng tối đa nhu cầu của thị trường.
Theo đó, sau khi Thông tư 06 được ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây, NHNN sẽ theo sát diễn biến của thị trường cũng như là phản hồi của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề để NHNN xem xét; cần thiết sẽ chỉnh sửa, bổ sung nhằm đảm bảo hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng luôn an toàn, lành mạnh và không có những cái rủi ro phát sinh; đảm bảo Thông tư 06 đi vào cuộc sống và vận hành tốt, đáp ứng tối đa các nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngoài quy định nêu trên, Thông tư 06 có những bước tiến lớn nào so với Thông tư 39 trước đó, thưa ông?
- Thông tư 06 đã loại bỏ một số rào cản hạn chế trước đây và mở ra rất nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho khách hàng tiếp cận vốn vay ngân hàng, trong đó có quy định về việc số hóa và trao thẩm quyền cho các tổ chức tín dụng cho vay thông qua kênh số. Đây được cho là một trong những quy định có tính rất là mới, bắt kịp cái xu thế số hóa trên phạm vi toàn cầu và qua đó giảm thiểu chi phí giao dịch cho tổ chức tín dụng cũng như là chi phí giao dịch cho nền kinh tế nói chung.
Đồng thời, tại Thông tư 06 này, NHNN cũng bổ sung thêm quy định về việc tổ chức tín dụng được cho khách hàng vay để trả nợ vay tại các tổ chức tín dụng khác áp dụng cho các hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó có nhu cầu mua nhà. Theo đánh giá của NHNN, điều này hỗ trợ rất tích cực cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. Với những thay đổi lớn như vậy, khách hàng vay vốn, trong đó có khách hàng tham gia hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản sẽ được hưởng lợi rất lớn từ Thông tư 06 mang lại.
Trước đó như Dân Việt đã đưa tin, góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, một số quy định của Thông tư 06 chưa sát với thực tế, chưa đồng bộ với các quy định của pháp luật đã "bít đường" vay tín dụng với các doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu vốn.
Trên thực tế, theo Chủ tịch HoREA, nếu dự án "đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh" thì chủ đầu tư "không dại gì" đi vay tín dụng ngân hàng với lãi suất cao. Bởi lẽ, tại thời điểm này, chủ đầu tư đã được phép mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, được huy động vốn từ khách hàng là nguồn vốn rẻ nhất, hiệu quả nhất do không bị áp lực phải trả lãi, trả vốn gốc, mà chỉ cần sớm hoàn thành dự án để bàn giao nhà cho khách hàng.
Cũng theo HoREA, quy định tổ chức tín dụng không được cho vay "để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh" là chưa phù hợp thực tế, chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.