Dân Việt

Quan chức NATO đề xuất sốc: Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi việc gia nhập NATO

V.N (Theo Kiev Independent, RT) 16/08/2023 09:07 GMT+7
Stian Jenssen, Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO, đề xuất Ukraine nhượng một phần lãnh thổ cho Nga để đổi lấy việc gia nhập NATO nhằm chấm dứt chiến tranh, báo VG của Na Uy ngày 15/8 đưa tin.

Phát biểu trong một cuộc tranh luận ở thành phố Arendal của Na Uy, ông “Jenssen nói: Tôi nghĩ rằng một giải pháp có thể là Ukraine từ bỏ lãnh thổ và đổi lại là thành viên NATO”. 

Tuy nhiên, "Ukraine phải quyết định khi nào và những điều khoản nào họ muốn đàm phán," ông nói.

Theo Jenssen, cuộc thảo luận về tình trạng của Ukraine sau chiến tranh đã được tiến hành và các quốc gia khác đã đặt vấn đề về việc Kiev nhượng lại lãnh thổ cho Nga.

Quan chức NATO đề xuất sốc: Ukraine nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi việc gia nhập NATO - Ảnh 1.

Stian Jenssen, Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO, đã đưa ra đề xuất gây tranh cãi. Ảnh: Unherd.

Phản ứng với phát biểu trên, Mykhailo Podolyak, cố vấn của chánh văn phòng tổng thống Ukraine, đã viết trên X, vốn là Twitter, rằng ý tưởng Ukraine nhượng lại lãnh thổ để đổi lấy việc gia nhập NATO là "lố bịch".

Trao đổi lãnh thổ để lấy tư cách thành viên có nghĩa là "lựa chọn thất bại của nền dân chủ, khuyến khích tội phạm toàn cầu, bảo vệ chế độ Nga, hủy hoại luật pháp quốc tế và chuyển giao chiến tranh cho các thế hệ khác", Podolyak nói.

Ukraine không nhận được lời mời gia nhập NATO tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius hồi tháng 7, song Nhóm các nước phát triển G7  đã chính thức nhất trí về các cam kết an ninh lâu dài cho Ukraine.

Trong bài phát biểu hàng đêm hôm 12/7, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng lần đầu tiên kể từ khi Ukraine giành được độc lập, nước này đã tạo nền tảng để mở đường gia nhập NATO với những đảm bảo an ninh cụ thể "được xác nhận bởi 7 nền dân chủ hàng đầu trên thế giới. "

Podolyak còn tuyên bố, giải pháp duy nhất là phương Tây “tăng tốc cung cấp vũ khí”.

Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky và các quan chức của ông khẳng định họ sẽ không tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Nga Putin, cũng như sẽ không ngừng chiến đấu để chiếm lại các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson hoặc Zaporozhye, những khu vực đã được sáp nhập vào Liên bang Nga sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 9/2022. Zelensky cũng đã thề sẽ chiếm Crimea, nơi đã tái gia nhập Liên bang Nga vào năm 2014.

Mặc dù thừa nhận rằng Ukraine khó có thể chiếm Crimea và cuộc phản công đang diễn ra của nước này chống lại các lực lượng Nga đang thất bại, các nhà lãnh đạo phương Tây – ít nhất là công khai – tỏ thái độ không mặn mà với ý tưởng tìm kiếm một lệnh ngừng bắn sẽ đóng băng các chiến tuyến hiện tại. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken năm ngoái nói rằng một thỏa thuận như vậy sẽ dẫn đến “hòa bình giả tạo;  đường lối chính thức của Nhà Trắng - rằng sẽ vũ trang cho Ukraine "chừng nào còn cần thiết" vẫn là chính sách của Washington.

“Những nỗ lực duy trì trật tự thế giới và thiết lập một nền hòa bình tồi tệ’… sẽ không mang lại hòa bình cho thế giới,” Podoliak tiếp tục. “Tại sao lại đề xuất kịch bản đóng băng, điều mà Nga rất mong muốn, thay vì đẩy nhanh việc cung cấp vũ khí?” ông nói thêm, kết luận “không nên khuyến khích những kẻ giết người bằng những thú vui kinh khủng.”

Phản ứng của Podoliak là điển hình cho các bài đăng trên mạng xã hội của ông này là thường kết hợp các tuyên bố tối đa về chiến tranh toàn diện với yêu cầu có thêm vũ khí của phương Tây.

Tuy nhiên, trên chiến trường, những nỗ lực của quân đội Ukraine nhằm chọc thủng phòng tuyến của Nga cho đến nay đều thất bại. Trong cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga kể từ tháng 6, quân đội Ukraine đã mất hơn 43.000 người và gần 5.000 thiết bị hạng nặng, theo số liệu mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga. Hàng chục xe tăng và phương tiện chiến đấu của phương Tây nằm trong số bị phá hủy.