Đa dạng sản phẩm, phát huy tiềm năng
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế. Thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa… phù hợp với các loại cây trồng vừa là đặc sản vừa là thế mạnh của địa phương. Nhờ vậy, các sản phẩm nông sản của Đắk Lắk mang đậm bản sắc địa phương mà không vùng miền nào có được.
Đắk Lắk hiện đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có với các sản phẩm chủ lực như: Cà phê, bơ, sầu riêng, ca cao, mắc ca... Đồng thời, tỉnh cũng hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng, phát huy nền tảng văn hóa truyền thống của các dân tộc. Việc xác định đúng thế mạnh, đặc trưng được coi là "nền móng" để triển khai thành công Chương trình OCOP.
Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 143 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao của 93 chủ thể sản phẩm. Trong đó có 19 sản phẩm đạt 4 sao, 123 sản phẩm đạt 3 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.
Các sản phẩm nông sản đặc sản có thể kể đến như: Macca Ea H'leo, Gạo ST25 Ea Kar, Yến sào Thành Dung, Trà mãng cầu Nguyễn Sơn, Nấm linh chi Thành Đồng, Cà phê đặc sản, Cfa phê Robusta chế biến ướt, Ca cao lên men, Sầu riêng cấp đông, Hạt điều rang muối, Trà đinh lăng tim sen, Mật ong lên men Bon Bon, Bột ca cao 3N1…
Với mẫu mã, bao bì đẹp, bắt mắt, chất lượng đảm bảo, các sản phẩm OCOP được người dân trong, ngoài tỉnh tin tưởng sử dụng và đang từng ngày khẳng định thương hiệu nông sản Đắk Lắk trên thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực thành sản phẩm OCOP, tỉnh đã, đang và sẽ ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất, phát triển thương mại, dịch vụ nông sản theo hướng bền vững; coi nhu cầu thị trường là mệnh lệnh cho sản xuất; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên 23-24%, ngành trồng trọt 70-72%, ngành dịch vụ 5-6%; tăng cường sản xuất sản phẩm hàng hóa xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, sắn, cây ăn trái (bơ, sầu riêng, cây có múi) mật ong theo chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung tiếp tục phát triển rừng, chăn nuôi bò thịt, lợn và cá nước lạnh trở thành ngành hàng có tính cạnh tranh cấp vùng; thu hút đầu tư và phát triển chế biến sâu nông lâm sản và dịch vụ thương mại; giúp nâng cao thu nhập người dân địa phương.
Ngoài ra, Đắk Lắk cũng đặt mục tiêu nâng cao diện tích và sản lượng sản phẩm chủ lực. Cụ thể, đến năm 2025 diện tích cà phê đạt 203.000 ha, sản lượng đạt 487,2 nghìn tấn, diện tích hồ tiêu đạt 35.000 ha, sản lượng đạt 77,0 nghìn tấn; diện tích cây ăn quả 28.000 ha, sản lượng 326,6 nghìn tấn/năm; đàn bò khoảng 310 nghìn con/năm, sản lượng thịt 17.160 tấn/năm.
Giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm được hướng đi riêng
Với mục tiêu hỗ trợ phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, thời gian qua, các cấp ngành ở Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các chủ thể làm OCOP trong phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh đang cơ cấu lại vùng sản xuất, đổi mới tổ chức, đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm OCOP, qua đó nâng cao chất lượng và giá trị cho các sản phẩm này. Ngoài ra, tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh xúc tiến thương mại và chuyển đổi số.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong xây dựng sản phẩm OCOP, đến nay Công ty Cổ phần Thực phẩm xanh Thành Đồng (thôn 6, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 3 sao là: Nấm linh chi, Nấm mèo, Nấm bào ngư, Nấm sò. Ông Đoàn Xuân Trường, Giám đốc công ty cho biết: "Tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng.
Hiện doanh nghiệp cũng tham gia các kênh xúc tiến thương mại, trang mạng xã hội, nên sản phẩm OCOP của đơn vị đã có thể tiếp cận được nhiều thị trường mới, góp phần thúc đẩy không ngừng nâng cao chất lượng, thương hiệu của sản phẩm nông sản".
Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được những vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống, hình thành nhiều sản phẩm thế mạnh.
Điển hình HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình (xã Cư Kty, huyện Krông Bông, Đắk Lắk). Từ mô hình cánh đồng mẫu lớn ban đầu quy mô 50 ha, đến nay cùng với sự đồng hành của HTX Thăng Bình, mô hình đã liên kết nông dân các xã Hòa Lễ, Hòa Tân, Yang Reh bắt tay cùng HTX sản xuất giống lúa ST24, ST25, Đài Thơm 8 trên 200 ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Võ Văn Sơn - Giám đốc HTX DVTH Nông nghiệp Thăng Bình cho biết: "Sản phẩm gạo sạch Thăng Bình HTB đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 4. Để nâng cao giá trị sản phẩm, chúng tôi đã hình thành chuỗi giá trị sản xuất khép kín với sự liên kết của "4 nhà", giúp nông dân ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, tạo được sản phẩm chất lượng và an toàn thực phẩm với chi phí sản xuất thấp".
Đến thời điểm hiện nay Gạo Sạch Thăng Bình HTB đã tiếp cận thị trường của 12 tỉnh thành trong nước, đã tiếp cận các sàn thương mại điện tử TIKI, FELIX, tổ chức kết nối kinh doanh BNI Việt Nam. HTX cũng đưa ra thị trường trên 500 tấn sản phẩm, với 3 loại ST24, ST25, ĐT8, tổng doanh thu trên 7 tỷ đồng.
Có thể nói rằng, Chương trình OCOP được tổ chức triển khai thực hiện tại Đắk Lắk đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Đồng thời cũng đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh.
Thông qua chương trình, nhiều tổ chức, cá nhân đã ký được hợp đồng phân phối với các siêu thị, đại lý. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đã nghiên cứu thị trường, sản phẩm của các tỉnh, tìm hiểu yêu cầu của các nhà phân phối để phát triển, hoàn thiện sản phẩm, tìm cho mình một hướng riêng để phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, ngoài nước.