Chiều 17/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề giám sát của Quốc hội về "Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội (kinh tế xã hội) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (dân tộc thiểu số) và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Trình bày báo cáo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, việc triển khai các Chương trình MTQG đã nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo ở vùng nông thôn, miền núi khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Kết quả giảm nghèo đa chiều theo báo cáo của Chính phủ và các địa phương năm 2022 đạt trung bình gần 2%, hoàn thành và vượt kế hoạch, chỉ tiêu đề ra; hoàn thành các chỉ tiêu về nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại thiếu thống nhất trong chỉ đạo, điều hành; năng lực một số cán bộ theo dõi các Chương trình MTQG còn nhiều hạn chế.
"Còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh. Số lượng văn bản quá nhiều, nhiều nội dung hướng dẫn chưa rõ ràng, khó thực hiện. Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm...", theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định dẫn ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 26 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 16/8, giao Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo đổi mới công tác giám sát của Quốc hội và HĐND; đồng thời, qua giám sát của Quốc hội, HĐND cần làm rõ những sơ hở, bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn của các văn bản và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
"Tình trạng ban hành văn bản quá nhiều, ban hành văn bản chậm. Ba chương trình có gần 300 văn bản, trong đó, Chính phủ và các bộ 73 văn bản, còn các địa phương hàng trăm văn bản. Tại sao phải nhiều văn bản như vậy trong khi 1 chương trình mới, 2 chương trình cũ, từ mấy nhiệm kỳ rồi?", ông nói. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng yêu cầu qua giám sát làm rõ tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, để chậm công việc, cản trở việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
"Đề nghị chuyên đề này và tất cả chuyên đề giám sát sắp tới phải có nội dung này", Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng "giám sát phải trả lời được câu hỏi vì sao lại chậm, vì sao vướng mắc, các điểm nghẽn là ở đâu, việc tháo gỡ như thế nào? Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tồn đọng mấy nội dung, trách nhiệm của các bộ, ngành như thế nào?"
Theo ông, Quốc hội rất lo ngại vì có thể giai đoạn này có nhiều tác động, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phải chỉ rõ quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo những chương trình này có suy giảm so với giai đoạn trước hay không.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý và đề nghị báo cáo bớt tính chất kỹ thuật mà đi sâu những vấn đề chính trị, kinh tế xã hội, gắn với những quan điểm, chính sách của Đảng, nêu rõ tồn tại, vướng mắc, hạn chế... Vì sao giải ngân chậm, làm rõ còn để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, để xảy ra trục lợi chính sách hay không? Chính sách nào duy trì được giảm nghèo bền vững, cần đánh giá sâu.
"Giám sát là phải xác định trách nhiệm cho rõ, không thể nói chung chung 3 chương trình MTQG được triển khai rất chậm mà không có trách nhiệm gì", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh