Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Petroleum Trading Lao Public (PetroTrade) vừa đề xuất Bộ GTVT về việc lập dự án tuyến đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP.
Theo đó, liên danh này đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho liên danh là nhà đầu tư đề xuất dự án tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ theo phương thức PPP phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 điều 27 Luật PPP.
Để có thể thực hiện dự án, liên danh cam kết bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác lập hồ sơ đề xuất dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng trình tự, quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Đồng thời, Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Petroleum Trading Lao Public sẽ chịu mọi chi phí, rủi ro nếu hồ sơ đề xuất dự án không được chấp thuận.
Được biết, dự án đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ thuộc tuyến đường sắt Viên Chăn (Lào) – Vũng Áng nằm trong quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Đây là dự án quan trọng nằm trong tổng thể dự án đường sắt Việt Nam - Lào, là một trong những ưu tiên của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào được thể hiện trong quá trình triển khai các thoả thuận cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng.
Tuyến đường sắt Việt - Lào, đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ có tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.
Trước khi có đề xuất gửi tới Bộ GTVT, hai doanh nghiệp là Tập đoàn Đèo Cả và Petroleum Trading Lao đã ký kết thỏa thuận liên danh thực hiện dự án xây dựng tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Công ty Petroleum Trading Lao là một doanh nghiệp xăng dầu hàng đầu tại Lào và hiện là đối tác chiến lược của Chính phủ Lào trong việc đầu tư, phát triển, xây dựng và quản lý các dự án hạ tầng và hậu cần quan trọng tại Lào, trong đó có Dự án đường sắt Viêng Chăn (Lào) - Vũng Áng (Việt Nam).
Hiện nay, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa trình Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đến năm 2025.
Giai đoạn đến 2025, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn thành một. Như vậy, sau khi sáp nhập, 2 doanh nghiệp này sẽ bị "xoá sổ" không còn pháp nhân kinh doanh như cũ.
Việc hợp nhất này là tiếp tục thực hiện phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo Văn bản số 303 ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với phương án sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến tỷ lệ phần vốn Nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của công ty cổ phần vận tải đường sắt sau hợp nhất sẽ lớn hơn 80%.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giữ nguyên tỷ lệ phần vốn nhà nước nắm giữ trên vốn điều lệ của Công ty CP Xe lửa Dĩ An là 86,85% và Công ty CP Xe lửa Gia Lâm là 77,37%...