Dân Việt

Miễn thị thực: Tăng lượng tìm kiếm, đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến

Huy Hoàng 19/08/2023 07:00 GMT+7
Khi quy định miễn thị thực được nâng lên 45 ngày vừa có hiệu lực, nhiều chuyên gia nhận định đây là tin vui cho ngành du lịch, tuy nhiên chưa thể tăng mạnh, ùn ùn khách quốc tế đến Việt Nam.

Miễn thị thực: Tăng lượng tìm kiếm, đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến

Miễn thị thực: Tăng lượng tìm kiếm, đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài chèo thuyền kayak ở vịnh Lan Hạ, chiều ngày 18/8/2023. Ảnh: Huy Hoàng

Ngày 15/8 vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam chính thức có hiệu lực với các chính sách thị thực mới (nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, nâng thời hạn tạm trú đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày). 

Trong đó, miễn thị thực cho công dân một số nước bao gồm: Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngay khi luật sửa đổi, bổ sung miễn thị thực có hiệu lực, thị trường du lịch quốc tế đã có những tín hiệu rất tích cực, lượng khách tìm kiếm trên các nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, Booking… từ giữa tháng 7/2023 đã ghi nhận sự gia tăng hơn 30% về số lượt tìm kiếm từ những du khách quốc tế có kế hoạch cho kỳ nghỉ dài tại Việt Nam, so với hai tuần trước đó.

Miễn thị thực: Tăng lượng tìm kiếm, đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến - Ảnh 2.

Du khách nước ngoài thích thú với hoạt động thể thao ngoài trời. Ảnh: Huy Hoàng

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết: "Ngày 15/8, ngành du lịch Việt Nam đã được đón tin rất vui, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh, luật sửa đổi, bổ sung Luật xuất nhập cảnh và trên cơ sở đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và người nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là đối tượng khách du lịch.

Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết 127, 128, trong đó đã cụ thể hóa chính sách mới để làm thuận lợi hơn cho người nước ngoài đến Việt Nam. Đây là văn bản thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, thể hiện sự chặt chẽ của các Bộ, ban ngành trong việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch theo Nghị quyết số 82 của Chính phủ".

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để cụ thể hóa cơ chế chính sách mới, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị liên quan, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo Bộ VHTTDL ban hành văn bản mới, để triển khai cụ thể hóa những cơ chế chính sách này. Trong đó, Bộ VHTTDL đã ban hành chiến lược maketing du lịch Việt Nam đến năm 2030. Và ban hành đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở đó đã định hướng cho ngành du lịch Việt Nam, cho địa phương, các doanh nghiệp có thể bắt tay vào triển khai, xây dựng các sản phẩm để đáp ứng thỏa mãn được nhu cầu của khách du lịch sau khi có chính sách mới đó.

Còn ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hiên - Giám đốc kinh doanh BestPrice Travel chia sẻ với Dân Việt, chính sách visa mới chắc chắn có ảnh hưởng tích cực tới du lịch Việt Nam.

"Chúng tôi dự đoán thời gian tới lượng khách quốc tế đi du lịch dài ngày tới Việt Nam sẽ tăng lên. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp có thế mạnh ở dòng tour dài ngày (2 - 3 tuần) và kết hợp nhiều nước trong lịch trình. Nhờ chính sách này, các công ty du lịch có thể tạo ra sản phẩm tour phong phú, đa dạng hơn, hành trình kết hợp giữa các nước Đông Dương dễ dàng hơn, và có nhiều lựa chọn để thiết kế tour theo ý khách hàng.

Ông Nguyễn Xuân Hải, công ty TNHH tầm nhìn Viên đá, một trong những doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường Pháp cho rằng, ngày 15/8, luật sửa đổi bổ sung cấp thị thực được nâng từ 15 lên 45 ngày là tin vui nhưng cũng là áp lực cho doanh nghiệp lữ hành chúng tôi, bởi khi thị thực được nâng lên 45 ngày, đồng nghĩa chúng tôi phải làm thế nào để sản phẩm du lịch của mình được sinh động hơn, giữ khách được lâu hơn. Nếu như trước đó, chúng tôi chỉ bán những tour du lịch đi từ Nam ra Bắc và ngược lại với những địa danh nổi tiếng lâu nay như Sa Pa, Huế, Hội An, Hà Giang, Hạ Long… thì bây giờ chúng tôi tìm những tour hành trình nhỏ hơn, cho khách ở lại lâu hơn, đi lâu hơn.

Ông Lê Hồng Thái – Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) cho hay, các doanh nghiệp du lịch Hà Nội cũng như doanh nghiệp cả nước đều rất vui mừng với chính sách visa mới, đây cũng là mong muốn từ lâu của ngành du lịch. Từ trước đến nay, chúng ta mới chỉ quan tâm đến việc khách đến Việt Nam một lần nhưng chưa nghĩ đến việc Việt Nam sẽ là nơi chung chuyển, điểm dừng chân của khách khi du lịch các nước trong khu vực. 

Với chính sách visa mới, du khách của một số nước có thể đến Việt Nam và quay trở lại nhiều lần, điều này rất thuận lợi cho khách tổ chức các tour xuyên Đông Dương, Đông Nam Á. Họ có thể đến Việt Nam du lịch rồi đến các nước, sau đó quay trở lại Việt Nam để tiếp tục hành trình khác. 

Đó là cơ hội để chúng ta có thể khai thác hiệu quả các thị trường khách quốc tế, giống như cách mà Thái Lan, Singapore đang làm. Điều quan trọng lúc này là các đơn vị cần phải xây dựng các sản phẩm tour mới phù hợp với thị hiếu mới của khách. Hiện nay, Hanoitourist đã nhận được nhiều đơn đặt hàng của các công ty đối tác nước nước ngoài, nhiều nhất là các nước Anh, Pháp. Chúng tôi đang xây dựng sản phẩm trải nghiệm văn hóa cho khách từ Hà Nội đi các địa phương; một số sản phẩm đi xuyên 3 nước Đông Dương: Việt Nam – Lào – Campuchia.

Trên trang web và thông tin gửi cho các đối tác, chúng tôi tăng cường quảng bá nhiều sản phẩm du lịch mới của Hà Nội như: Tour đêm, các địa chỉ ẩm thực nổi tiếng; các điểm du lịch ngoại thành hấp dẫn và làng nghề truyền thống Hà Nội như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), khu danh thắng chùa Hương (huyện Mỹ Đức), làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm)..."

Cần mở mở rộng thị trường miễn thị thực và đẩy mạnh xúc tiến quảng bá trên kênh truyền thông quốc tế

Miễn thị thực: Tăng lượng tìm kiếm, đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài chèo thuyền kayak tại vịnh Lan Hạ (Cát Bà, Hải Phòng). Ảnh: Huy Hoàng

Tuy nhiên, mặc dù đây là tin vui, tín hiệu tích cực nhưng các chuyên gia du lịch cũng đánh giá, Luật sửa đổi, bổ sung visa mới chỉ có hiệu lực được vài ngày, chưa thể kỳ vọng lượt khách quốc tế đến Việt Nam sẽ ùn ùn, chen chúc. Đặc biệt, yếu tố hút khách du lịch quốc tế không chỉ có visa mà còn nhiều yếu tố khác nữa.

Nói về điều này, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay: "Để thu hút khách du lịch nước ngoài, cũng như nâng cao khả năng sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, từ việc chúng ta xây dựng các sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu nghỉ dưỡng dài ngày đối với khách có khả năng chi trả cao. Việc xúc tiến quảng bá ở những thị trường trọng điểm thì nhu cầu tìm kiếm Việt Nam đã tăng lên khi mà biết Việt Nam có những cơ chế, chính sách sửa đổi, bổ sung luật xuất nhập cảnh. Vì vậy mà nhu cầu tìm kiếm, đi du lịch Việt Nam đã tăng lên rõ rệt.

Chúng ta chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, nguồn nhân lực để đảm bảo chất lượng cung ứng, chất lượng dịch vụ, công tác quản lý điểm đến tại các địa phương, đặc biệt các trung tâm du lịch lớn, chúng ta cũng phải nâng cao, chặt chẽ để làm sao khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam được trải nghiệm đúng với kỳ vọng ban đầu của họ".

Miễn thị thực: Tăng lượng tìm kiếm, đặt phòng trên nền tảng đặt phòng trực tuyến - Ảnh 4.

Tour trải nghiệm. Ảnh: Huy Hoàng

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hiên cho biết, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ không chỉ phụ thuộc vào chính sách miễn thị thực hay tăng thời gian lưu trú của khách mà còn nhiều yếu tố khách như cần đẩy mạnh quảng bá, truyền thông du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông quốc tế. Cần quảng bá Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và đáng để trải nghiệm.

Ngoài ra, để giữ chân du khách và tăng tỷ lệ khách quay lại, chúng ta cần có dịch vụ du lịch thật phong phú, nhất là khi gần đây chúng ta đã biết đến một thực trạng du khách tới Việt Nam nhiều lúc không biết làm gì. Phần lớn hoạt động du lịch ở Việt Nam đều thiên về ngắm cảnh và nghỉ dưỡng, chúng ta không có những trung tâm mua sắm với quy mô cực lớn, cũng không có những khu phố đêm sầm uất tới sau 12 giờ… những điều này nên học hỏi các nước bạn cùng khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Ông Nguyễn Xuân Hải thì chỉ ra rằng: "Hiện tại chúng ta có 13 nước với 45 ngày miễn phí, thế nhưng, điều tôi thấy tiếc là trong số 13 nước được miễn phí không có những nước mà tôi thật sự mong muốn. Vì thế, để có thể khai thác tốt hơn thị trường khách quốc tế, trong đó có nhiều thị trường rất tiềm năng như Ấn Độ, Australia... tôi mong Chính phủ có thể nghiên cứu xem xét mở rộng chính sách visa cho nhiều thị trường khác nữa. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước như như Bộ VHTTDL, Sở Du lịch Hà Nội và các địa phương cần phối hợp với các ngành, lĩnh vực khác đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá chính sách mới của Việt Nam cũng như các sản phẩm và điểm đến mới, hấp dẫn trên nhiều nền tảng để thu hút du khách hơn".