Dân Việt

Cho loại mực nhảy đẻ nhân tạo trong lồng ở Ninh Thuận, nhiều người tò mò đến xem

Với suy nghĩ hàng năm thị trường Việt Nam tiêu thụ hàng nghìn tấn mực, nếu không tái tạo nguồn lợi hải sản thì nguồn lợi sẽ dần cạn kiệt, chàng trai 8X Nguyễn Bá Ngọc mạnh dạn đầu tư lồng nuôi mực bán tự nhiên với diện tích 2.304 m2 tại vùng C3 thuộc xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Anh Ngọc kêu gọi một số ngư dân hợp tác, tự thiết kế và đầu tư hộp thông thủy từ đáy thuyền xuống biển để lắp vào thuyền đánh cá cho ngư dân. 

Năm 2023 anh Ngọc đã thành công trong việc nuôi sinh sản nhân tạo bằng cách, mực sau khi đánh bắt được đưa vào hộp thông thủy và vận chuyển về lồng để nuôi vỗ, rồi cho giao phối đẻ để thu trứng. Sau đó đem trứng về trại ấp để ấp nở ra con non. Khi con non được 25 - 30 ngày tuổi sẽ được đưa trở lại biển nuôi thành mực thương phẩm.

Với cách làm này mỗi tháng, mô hình cung ứng ra thị trường 300 - 500 kg mực nhảy, những lúc cao điểm có thể hơn 1-2 tấn. 

Với giá mực nhảy bán dao động 250.000-350.000 đồng/kg, doanh thu từ 100-500 triệu. Nếu mực nhảy không được giá thì có thể giữ lại chờ tăng giá vì nuôi mực bán tự nhiên không tốn nhiều chi phí thức ăn, thậm chí không cần cho ăn trong thời gian ngắn mực vẫn tìm được nguồn thức ăn từ tự nhiên.

Thời gian tới anh Ngọc sẽ nhân rộng lồng nuôi mực nhảy bán tự nhiên với diện tích 40.000 m2 và thu hút thêm nhiều ngư dân vào làm việc để ổn định thu nhập, tạo sinh kế và đảm bảo cuộc sống cho ngư dân ở Ninh Thuận.

Cho loại mực nhảy đẻ nhân tạo trong lồng ở Ninh Thuận, nhiều người tò mò đến xem - Ảnh 1.

Anh Bá Ngọc thu trứng mực tại lồng nuôi mực nhảy ở biển Ninh Thuận. Khu vực nuôi mực nhảy, cho mực nhảy đẻ nhân tạo của anh Ngọc ở vùng C3 thuộc xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Cho loại mực nhảy đẻ nhân tạo trong lồng ở Ninh Thuận, nhiều người tò mò đến xem - Ảnh 2.

Trại ấp trứng mực và chăm sóc mực non trong cơ sở nuôi mực nhảy của anh Ngọc ở vùng C3 thuộc xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.