Bí ẩn tháp Chăm cổ nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận

Đức Cường Thứ năm, ngày 11/05/2023 13:00 PM (GMT+7)
Tháp Hòa Lai nằm bên cạnh QL1 thuộc địa phận xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc được xem là cụm tháp Chăm cổ nhất còn tồn tại ở Ninh Thuận. Tại đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hóa Chămpa. Trong đó có bia Hòa Lai đã được công nhận là bảo vật Quốc gia.
Bình luận 0

Tháp Chăm cổ xưa nhất ở Ninh Thuận

Một ngày cuối tháng 4/2023, chúng tôi có dịp theo chân đoàn du khách đến tham quan cụm tháp cổ Hòa Lai ở huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận. Đây là cụm Tháp có tuổi đời hàng nghìn năm lịch sử được công nhận là một trong hai dịch tích Quốc gia đặc biệt ở Ninh Thuận.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 1.

Di tích cụm tháp Hòa Lai hiện nay với 2 tháp Nam (trái) và tháp Bắc (phải). Ảnh: Đức Cường

Ông Lưu Hồng Nhơn (xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc), người dân địa phương và cũng là người có nhiều năm trông giữ di tích tháp Hòa Lai cho biết, nơi đây được người dân quen gọi là ba tháp vì trước đây có 3 tháp. Tháp giữa đã bị đổ sập từ lâu do mưa gió và tác động của thời gian.

Hiện nay, cụm tháp Hòa Lai chỉ còn lại 2 tháp được gọi là tháp Nam và tháp Bắc đứng sừng sừng bên Quốc lộ 1. Hai ngọn tháp đều có cửa chính hướng về phía đông. Riêng cụm tháp ở giữa đã bị đổ sập chỉ còn lại nền móng.

Theo hồ sơ di tích cục di sản văn hóa, tháp Hòa Lai (tiếng Chăm đọc là Yang Hakral) là cụm đền tháp có tuổi đời lâu nhất còn tồn tại đến ngày nay ở Ninh Thuận.

Cụ thể, cụm tháp Hòa Lai được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII – IX gồm 3 tháp chính, mỗi tháp được xây dựng vào mỗi thời điểm khác nhau. Trong đó, niên đại xây dựng tháp Nam (cụm phía Nam) thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn E1 với phong cách Hòa Lai, được xây dựng trong khoảng từ đầu đến giữa thế kỷ VIII.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 3.

Cả hai tháp đều có một cửa duy nhất hướng về phía Đông. (Ảnh: Đức Cường)

Tháp giữa (cụm giữa) mang phong cách Hòa Lai, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII dưới triều đại vua Satyavarman trị vì Vương quốc Chămpa từ năm 774 – 784. Riêng tháp Bắc (cụm phía Bắc) được xây dựng muộn hơn, vào khoảng đầu thế kỷ thứ IX.

Bên cạnh nét kiến trúc văn hóa Ấn Độ, nghệ thuật Khmer và Java, cụm tháp Hòa Lai còn cho thấy một số giá trị riêng, đặc trưng riêng đã được Chăm hóa từ các nền văn hóa nói trên để trở thành văn của người Chăm.

Các tháp Hòa Lai có vai trò quan trọng, làm nền tảng hình thành một số đặc điểm kiến trúc tháp Chăm giai đoạn sau Hòa Lai, ví dụ như việc kế thừa bố cục và trang trí vòm cửa, cột ốp Hòa Lai…

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 4.

Tháp giữa đã bị đổ sập chỉ còn lại nền móng, phía xa là tháp Bắc. (Ảnh; Đức Cường)

Qua quan sát của chúng tôi, hiện nay cả 2 cụm tháp phía Bắc và phía Nam đều giữ được nét cổ kính , liêng thiêng vốn có của một tháp Chăm. Cả 2 tháp đều có một cửa chính duy nhất nằm ở hướng Đông. Cửa hình vòm đỉnh nhọn hơn các tháp Chăm truyền thống, phần đỉnh là những nếp bậc thang xếp chồng lên nhau rồi nhỏ dần.

Trong đó, ở tháp Bắc có những hoa văn hình lá cuộn được thể hiện trên cột ốp và tượng chim thần Garuđa được khắc trên phần diềm tháp.

Tháp Nam cao hơn tháp Bắc và cũng được chạm khắc hoa văn trên tường nhưng chưa hoàn thiện. Toàn bộ thân tháp trông như một khối lập phương đồ sộ nhô lên từ một bệ vuông và nâng đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn.

Di tích Quốc gia đặc biệt tháp Hòa Lai ở Ninh Thuận. (T/h: Đức Cường)

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, tháp Hòa Lai có dáng vẻ khỏe mạnh và thanh thoát hơn so với nhiều di tích khác và cũng là minh chứng cho thấy kỹ thuật xây cất, kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm xa xưa.

Nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia ở Ninh Thuận

Để "giải mã" các bí ẩn về cụm tháp Hòa Lai, đặc biệt là cụm tháp giữa đã đổ sập từ lâu. Các nhà khoa học đã tiến hành khai quật di tích để tìm hiểu và nghiên cứu sâu rộng hơn.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 5.

Màu gạch cũ phía dưới đã nhuốm màu thời gian so với gạch mới phía đỉnh tháp được trùng tu. (Ảnh: Đức Cường)

Quá trình nghiên cứu tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện một bộ Linga - Yoni gắn với tháp Hòa Lai. Đây là bộ Linga – Yoni bằng đá liền khối thuộc loại cổ xưa, được chạm khắc chi tiết và sắc nét.

Ngoài ra, trong đợt khai quật di tích vào các năm 2005, 2012 - 2013, 2016, đã phát hiện thêm 405 hiện vật thuộc các loại hình tượng thờ, vật thờ, vật liệu kiến trúc có điêu khắc trang trí… 

Đặc biệt là phát hiện được bia ký gắn với tháp Hòa Lai mang giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa của Vương quốc Chămpa xưa.

Theo hồ sơ di tích cục di sản văn hóa, bia Hòa Lai chính được vua Satyavarman người Chăm cho lập vào khoảng cuối thế kỷ thứ VIII để ca tụng công đức của các thần và ghi lại hoạt động xây dựng, tu bổ nhóm tháp Hòa Lai.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 7.

Bia Hòa Lai, bảo vật Quốc gia được tìm thấy ở tháp Hòa Lai đang được trưng bày tại bảo tàng Ninh Thuận. (Ảnh; Đức Cường)

Nội dung trên bia Hòa Lai được hai hai nhà nghiên cứu (người Pháp) Arlo Griffiths và Wiliam Southworth dịch và công bố vào năm 2011. Trong đó, có đoạn được dịch như sau:

"Trong điện thờ của Sri Sankarsanadeva cũng lập một giáo đường… và tất cả của cải, vật chất, các hạng người, đồng ruộng, trâu bò… đều được vua Sri Satyavarman dâng cho Sri Adidevesvara… Đức vua cũng đã đặt cho Sri Vrddhesvara một hộp bao linga làm bằng bạc với khuôn mặt bằng vàng..."

Theo đó, Satyavarman là vị vua Champa thứ hai của vương triều Panduranga, trị vì từ năm 774 - 784, được nhắc tới trong các bia ký ở Hòa Lai, ở tháp Bà Po Nagar Nha Trang.

Adidevesvara là cách biểu thị thần Siva là "vị thần tối thượng", còn Vrddhesvara là một cách biểu thị khác của thần Siva với nghĩa là "vị thần tiếng nói".

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 8.

Bộ Linga – Yoni bằng đá liền khối được tìm thấy ở tháp Hòa Lai đang trưng bày ở bảo tàng Ninh Thuận. (Ảnh: Đức Cường)

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa to lớn thông qua các hiện vật khảo cổ, tháp Hòa Lai chính thức được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt vào năm 2016. Riêng bia Hòa Lai được công nhận là bảo vật Quốc gia vào năm 2020 theo quyết định 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020.

Hiện nay, các hiện vật nói trên đang được lưu giữ lại bảo tàng tỉnh Ninh Thuận để trưng bày phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa Chăm của người dân địa phương và du khách.

Qua các đợt trùng tu vào giai đoạn 2005 – 2006, cụm tháp Hòa Lai vẫn giữ được nét đặc sắc với những đường nét hoa văn vẫn còn lưu giữ hầu như nguyên vẹn. Mỗi công trình tháp mang trong mình một nét đẹp riêng nhưng lại được xây dựng vô cùng hòa hợp với nhau.

Những truyền thuyết xung quanh tháp Chăm cổ 

Thông qua những hiện vật và kết quả nghiên cứu của ngành chức năng, có thể xác định chủ nhân của cụm Tháp Hòa Lai chính là người Chăm. Tuy nhiên, người Chăm ở Ninh Thuận hàng trăm năm qua đều tin rằng tháp Hòa Lai (Yang Hakral) là ngôi tháp của người Khmer.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 9.

Nhiều hoa văn trang trí mang hình dáng văn hóa Chămpa xưa trên tháp Bắc. (Ảnh: Đức Cường)

Để dẫn chứng về việc tháp Hòa Lai là của người Khmer, người Chăm ở Ninh Thuận thường truyền tai nhau về truyền thuyết cuộc thi xây tháp để chấm dứt chiến tranh giữa vua Pô Klongarai của người Chăm và chúa lĩnh người Khmer (Kur – Cam Bốt) tên là Hakral.

Truyền thuyết kể rằng: Vào năm Sửu (lịch Chăm), vua Pô Klongarai vì muốn kỷ niệm thuở hàn vi của mình tại nơi mình sinh ra nên đã vào Panduranga (Phan Rang ngày nay) tìm địa thế để xây tháp.

Nhưng khi đến địa phận BalHuh (vùng Kú Hũ, Mỹ Tường) thì bị chúa lĩnh người Khmer(Kur – Cam Bốt) tên là Hakral ngăn cản nên đã xảy ra nhiều trận đánh giữa hai bên. Vua Pô Klongarai không muốn tiếp tục lâm vào trận chiến không cần thiết nên thách đố tướng Khmer thi tài xây tháp.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 11.

Cụm tháp giữa đã bị đổ sập chỉ còn lại phần nền móng. (Ảnh: Đức Cường)

Theo đó, Vua Pô Klongarai xây tháp trên đồi Bol Hala (đồi trầu), tướng Hakral xây trên vùng Balhuh (vùng đất Panduranga bị quân Khmer chiếm đóng). Trong thời gian 3 ngày ai xây xong trước và gắn cờ lên tháp trước là người thắng cuộc, ai thua thì rút quân về nước.

Tướng Hakral nghĩ mình có quân số đông có thể hoàn thành trước, đồng thời không chắc gì thắng được vua Pô Klongarai bằng quân sự nên chấp nhận cuộc thi và hai bên chấp nhận như lời cam kết.

Trong 3 ngày diễn ra cuộc thi xây tháp, tướng Hakral tập trung nhận lực để xây tháp. Trong khi đó, đã đến ngày thứ 2 nhưng vua Pô Klongarai vẫn chưa khởi công xây dựng mà tập trung làm một mô hình tháp bằng giấy để dựng lên trong rạng sáng ngày thứ 3 và đã dành chiến thắng. Lúc bấy giờ, tướng Hakral chưa kịp hoàn thiện tháp nên tuyên bố rút quân về nước.

Bí ẩn tháp Chăm cổ “bị bỏ rơi” lại là nơi lưu giữ bảo vật Quốc gia có một không hai ở Ninh Thuận - Ảnh 12.

Tháp Hòa Lai nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, thuận tiện cho du khách tham quan. (Ảnh: Đức Cường)

Với những câu chuyện truyền thuyết, huyền thoại như trên, hàng trăm năm qua, người Chăm ở Ninh Thuận không tổ chức các hoạt động tín ngưỡng thờ cúng ở cụm tháp này.

Theo hồ sơ di tích-Cục di sản văn hóa, Hòa Lai là một trong ba khu di tích Chămpa quan trọng ở Ninh Thuận, với hầu hết các kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn, được chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị.

Ba khu di tích đại diện cho ba giai đoạn phát triển gần như nối tiếp nhau, gồm: Khu di tích Hòa Lai có niên đại thế kỷ VIII – IX; Khu di tích Po Klong Garai có niên đại từ thế kỷ XIII – XIV; Khu di tích Po Rome có niên đại khoảng thế kỷ XV - XVII.

Hiện nay, tháp Hòa Lai có vị trí địa lý thuận lợi nhất, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, thuận tiện cho du khách tham quan, nghiên cứu, với mục đích và đối tượng quan tâm rất đa dạng. Đây là một trong những lợi thế mà tỉnh Ninh Thuận cần tích cực nghiên cứu, khai thác, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem