Dân Việt

Vùng đất này của tỉnh Thái Bình, nông dân trồng những loại cây có mùi thơm, cứ 1 sào thu 7 triệu

Nguyễn Triệu 20/08/2023 18:39 GMT+7
Những năm qua, nhiều nông dân ở Thái Bình đã lựa chọn trồng các loại rau gia vị để phát triển kinh tế. Từ vườn nhà ra ngoài đồng, rau gia vị đang giúp các nông hộ nâng cao thu nhập nhờ chi phí đầu tư thấp, thu hoạch được quanh năm.

Xã Quỳnh Hải được coi là vựa rau màu lớn nhất huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), trong đó có hơn 2.000 hộ sản xuất rau gia vị trên diện tích khoảng 170ha. Tại đây trồng nhiều loại rau như hành lá, cần tây, tỏi tây..., mang lại thu nhập chính cho các hộ dân.

Ông Nguyễn Xuân Khoát, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Quỳnh Hải cho biết: Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương, người dân có nhiều kinh nghiệm trong gieo trồng, chăm bón. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, HTX chú trọng làm tốt công tác thủy lợi nội đồng, chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, làm tốt công tác điều tiết nước. 

Bên cạnh đó, xã khuyến khích bà con mở rộng diện tích gieo trồng, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Xã đang hướng đến mở rộng quy mô sản xuất lên 200ha để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Phát triển kinh tế từ rau gia vị - Ảnh 1.

Các hộ dân thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) thu hoạch rau mùi tàu.

Mặc dù diện tích sản xuất không quá lớn nhưng anh Nguyễn Văn Dương, thôn An Phú 2 cùng nhiều hộ dân vẫn mạnh dạn đầu tư lắp đặt khung vòm che phủ cho rau.

“Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp hạn chế côn trùng gây hại cho rau, giảm công chăm sóc và nâng cao sản lượng. Mỗi năm, ruộng rau cho thu hoạch khoảng 6 lứa. Trung bình mỗi lần thu khoảng 6 - 7 tạ rau và cho thu nhập khoảng 7 triệu đồng/sào” - anh Dương chia sẻ.

Trên những ruộng rau xanh mướt tại xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình), chúng tôi có dịp trò chuyện cùng những nông dân đang thu hoạch rau mùi tàu. Việc trồng rau không cho thu nhập quá cao vào một thời điểm nhưng là nguồn thu nhập hàng ngày duy trì cuộc sống của các hộ dân.

Chị Phạm Thị Thìn, thôn Tống Thỏ Nam, xã Đông Mỹ chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3 sào rau gia vị và trồng kết hợp nhiều loại rau trên cùng diện tích đất. Giá bán khá ổn định, không chênh lệch quá cao như các loại rau màu khác. Sau khi thu hoạch sẽ có thương lái đến tận nhà thu mua nên rất thuận tiện.

Không thể tiếp tục làm công việc nặng nhọc vì tuổi cao, vợ chồng bà Phạm Thị Tâm, 68 tuổi, thôn Tống Thỏ Nam đã chuyển đổi 4 sào ruộng để trồng các loại rau như mùi tàu, kinh giới, tía tô... 

Phát triển kinh tế từ rau gia vị - Ảnh 2.

Người dân xã Quỳnh Hải (Quỳnh Phụ, Thái Bình) chăm sóc diện tích trồng cây hành lá.

Theo bà Tâm, công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe và cho thu nhập khá ổn. Vừa thu hoạch rau, bà Tâm vừa hào hứng chia sẻ: So với cấy lúa, cây rau gia vị dễ trồng, dễ chăm sóc, hiệu quả thì cao hơn nhiều. Trong năm chúng tôi chỉ cần gieo trồng một lần nhưng thu hoạch trong 8 - 9 tháng, mỗi lần thu cách nhau khoảng 20 ngày. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi cung cấp cho thương lái 50 - 60kg rau. Sau khi trừ các khoản chi phí cho thu lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng/sào/năm.

Ông Phạm Văn Đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Mỹ cho biết: Toàn xã có 30ha cây rau gia vị, chủ yếu ở hai thôn Tống Thỏ Nam và Tống Thỏ Trung. Người dân có nhiều kinh nghiệm trong việc căn thời gian trồng rau và biết cách áp dụng kỹ thuật che chắn cho cây rau gia vị sinh trưởng tốt. 

Hội Nông dân xã đã phối hợp với 4 đơn vị hỗ trợ thu mua, bao tiêu sản phẩm giúp bà con yên tâm sản xuất. Chúng tôi hy vọng có thể hình thành các vùng sản xuất an toàn có diện tích lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, từ đó tăng thu nhập cho các gia đình đồng thời giúp nghề trồng rau gia vị phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân vẫn gặp khó khăn trong mở rộng quy mô, diện tích trồng rau gia vị. Việc sản xuất tại các địa phương còn nhỏ lẻ, mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn chưa chặt chẽ. 

Hy vọng thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan sẽ quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp nông dân xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị cây rau gia vị, góp phần phát triển kinh tế địa phương.