Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2022, chị Đặng Thị Cuối vinh dự được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú. Cũng trong năm 2022, chị Đặng Thị Cuối vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2023, HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý do chị Đặng Thị Cuối làm Giám đốc đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 HTX tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động và hướng dẫn thành lập.
Chúng tôi hẹn gặp chị Đặng Thị Cuối vào một buổi sáng mùa hè nắng chói chang. Sáng sớm, chị Cuối đã lái xe đi giao rau khắp các địa điểm ở khu vực Hà Nội. Công việc xong xuôi, trở về vườn rau lúc hơn 9h sáng, lưng áo chị Cuối ướt đẫm mồ hôi vì nắng nóng oi bức. Uống nhanh cốc nước, chị Cuối với mái tóc ngắn hiện đại, chân bước đi thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng rau hữu cơ.
Trước mắt chúng tôi hiện ra hàng chục nhà màng san sát cạnh nhau được đánh số thứ tự từ 1 đến 80. Bên trong nhà màng là những luống rau xanh non mơn mởn. Những đường ống tưới nước tự động chạy dọc khắp vườn rau. Hai bên đường, những khóm hoa hồng, hoa mười giờ đang trổ hoa thơm ngát, khoe sắc rực rỡ.
Qua khu trồng rau là đến những vườn nho Hạ đen sai trĩu những chùm quả chín tím lịm và căng mọng, nhìn vô cùng hấp dẫn. Phấn khởi khoe với chúng tôi, chị Đặng Thị Cuối – Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý cho biết: Hiện nay, HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đang có quy mô sản xuất 5,5 ha. Những năm gần đây, cùng với trồng rau hữu cơ, HTX tích cực đưa những cây trồng mới như nho Hạ đen, nho Hàn Quốc vào sản xuất. Hiện HTX đang trồng 0,5ha nho Hạ đen và 0,5ha nho Hàn Quốc.
Chị Cuối phấn khởi khoe: "Nho của HTX trồng theo hướng hữu cơ nên cho quả nho ngọt, giòn, thơm và rất được khách hàng ưa chuộng. Khách đến tham quan tại vườn rồi các khách hàng online, các cửa hàng thực phẩm sạch đặt mua nho rất nhiều, HTX có bao nhiêu nho khách cũng đặt mua hết".
Vụ nho Hạ đen vừa qua, HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đã xuất bán ra thị trường hơn 3 tấn nho Hạ đen. Với giá bán nho Hạ đen là 150.000 đồng/kg, HTX đã thu về hơn 450 triệu đồng/vụ.
Theo Giám đốc HTX Đặng Thị Cuối, giá nho Hạ đen của HTX bán ra thị trường cao hơn mặt bằng chung song sản phẩm của HTX vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng. "Đó là nhờ bí quyết trồng nho sạch theo hướng hữu cơ của HTX" - chị Đặng Thị Cuối nói.
Để trồng nho theo hướng hữu cơ, chị Cuối cho biết: HTX tuyệt đối không sử dụng thuốc diệt cỏ, các loại thuốc BVTV, phân bón hóa học. Thay vào đó, HTX tăng cường chất dinh dưỡng cho vườn nho bằng việc sử dụng phân hữu cơ, các chế phẩm sinh học khác làm phân bón.
Để tạo độ ngọt sắc cho nho, chị Cuối dùng dịch chuối, tro bếp ủ để bón thêm cho cây. Nhờ chăm sóc nho theo cách đặc biệt như trên mà vườn nho của HTX phát triển rất tốt. Khi thu hoạch vườn nho cho quả chín có vị ngọt sắc, vỏ tím căng bóng, thịt quả dày, không có hạt và mùi thơm dễ chịu. Đặc biệt, để hạn chế côn trùng gây hại sâu bệnh cho cây nho, chị Cuối đã "sáng tạo" trồng cây bông hẹ dưới gốc cây nho.
Chị Cuối nói: "Trong quá trình trồng cây bông hẹ, tôi phát hiện ra các loại côn trùng rất sợ mùi cây bông hẹ nên tôi đã trồng cây hẹ dưới thân gốc cây nho. Cả vụ nho vừa rồi, vườn nho của HTX không hề bị sâu bệnh. Từ lúc vườn nho ra hoa đến lúc kết trái và thu hoạch, HTX chỉ phải phun thuốc BVTV sinh học duy nhất một lần để kháng nấm cho cây".
Hiện nay, HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý đang có quy mô sản xuất 5,5 ha. HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới với số lượng 80 cái, tổng diện tích 1.600m2.
Theo chị Đặng Thị Cuối, nhờ đầu tư hệ thống nhà lưới, hoạt động sản xuất của HTX thuận lợi hơn rất nhiều do không còn quá phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Để thuận tiện trong trồng rau, HTX cũng đã đầu tư hệ thống nước tưới phun, tưới nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước và điều tiết nhiệt độ.
Trang trại trồng rau hữu cơ của HTX Cuối Quý áp dụng nghiêm ngặt hình thức canh tác "5 không", đó là: Không phun thuốc diệt cỏ; không phân bón hóa học; không thuốc BVTV; không kích thích tăng trưởng; không giống biến đổi gen nhằm bảo vệ môi trường và "giữ chân" thiên địch.
Gọi chị Đặng Thị Cuối – Giám đốc HTX Cuối Quý là "nông dân mới, nông dân văn minh" quả không sai vì không chỉ canh tác hữu cơ bảo vệ môi trường mà chị còn "rành rọt" về khoa học kỹ thuật, công nghệ giúp sản xuất hiệu quả và cách "chào hàng" độc đáo khiến khách nườm nượp tới mua.
Đặc biệt hiện nay, HTX đang sử dụng tối đa các nền tảng mạng xã hội để tiêu thụ và giới thiệu sản phẩm. Đây được xem là một trong những thành công của HTX. Khoảng 2-3 năm gần đây HTX Cuối Quý đã quảng cáo các sản phẩm của mình thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo... và sự giới thiệu, quảng bá của các cấp Hội Nông dân.
"Trên mỗi bó rau, mỗi sản phẩm của HTX được đóng gói, khách hàng chỉ cần cầm điện thoại thông minh quét mã vạch là có thể biết được địa chỉ, quy trình sản xuất..." – chị Cuối phấn khởi cho biết.
Đến nay, ngoài canh tác các loại rau theo mùa, HTX rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý còn trồng đa dạng các loại rau củ trái mùa, có giá trị kinh tế cao như su hào, măng tây, bông hẹ, cải bắp tí hon… Bình quân, HTX xuất bán ra thị trường 4-5 tấn rau sạch/tháng, giá bán bình quân 25.000 đồng/kg. Hiện, đầu ra của HTX Cuối Quý là 16 trường mẫu giáo trong huyện Đan Phượng và "đầu vào" cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, 6 chợ đầu mối trong vùng.
Ít ai biết được để có được những thành quả ngọt ngào với cây rau hữu cơ, vợ chồng chị Đặng Thị Cuối từng có 16 năm bôn ba đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan làm việc cho các trang trại trồng rau công nghệ cao.
"Khoảng đầu năm 2001 tôi sang Đài Loan đi xuất khẩu lao động. Từ bé đã là nông dân nhưng tôi không khỏi ngạc nhiên trước cách thức làm nông nghiệp ở Đài Loan. Trồng rau ở đó cho năng suất cao gấp hai, gấp ba lần ở quê, trong khi sản phẩm làm ra lại sạch. Ngay từ khi đó, tôi đã ấp ủ suy nghĩ phải cố gắng học hỏi thật nhiều kinh nghiệm để có thể trở về áp dụng tại quê hương" - chị Cuối kể lại.
Năm 2017, chị Cuối trở về Việt Nam mang trong mình ý định khởi nghiệp với vốn liếng và kiến thức đã tích lũy được sau 16 năm bên xứ người. "Đi làm về được bao nhiêu vốn liếng, tôi đầu tư vào trồng rau hết. Lúc đó gia đình đã tích góp được 500 triệu đồng nhưng vẫn thiếu vốn để đầu tư công nghệ cao trồng rau hữu cơ. Khi ấy thấy được quyết tâm và khát khao làm nông nghiệp hữu cơ của tôi, anh Nguyễn Hữu Hoàng – lúc đó là Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng (nay là Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội) đã cho tôi mượn sổ đỏ của gia đình anh ấy để vay thêm ngân hàng 300 triệu đồng đầu tư xây dựng khu nhà lưới trồng rau công nghệ cao. Đến nay, HTX chúng tôi đã đầu tư tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng để trồng rau, trồng nho áp dụng công nghệ cao"- chị Cuối kể lại.
Từ những trải nghiệm đầy gian khó trên con đường lập nghiệp, chị Đặng Thị Cuối cũng đã tích cực phối hợp với các cấp Hội Nông dân hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho hàng trăm hội viên nông dân. Bên cạnh đó, HTX của chị Đặng Thị Cuối đã chuyển giao kỹ thuật công nghệ cho hơn 30 farm từ miền Bắc vào đến cả miền Nam có nhu cầu sản xuất rau hữu cơ để cùng nhau phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp.
"Có những bạn muốn làm nông nghiệp công nghệ cao nhưng không biết bắt đầu từ đâu, tôi sẵn sàng hướng dẫn, giới thiệu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật để các bạn làm. Ban đầu, nếu các bạn gặp khó khăn về đầu ra thì tôi lại tiêu thụ hộ. Nhiều bạn trong số này đến nay đã thành công. Tôi luôn mong muốn hỗ trợ để mọi người cùng đi lên"-chị Cuối kể.
Thời gian tới, chị Đặng Thị Cuối cho biết, HTX sẽ thuê thêm đất để trồng dâu tây, cà chua bi đỏ, cà chua bi vàng; đồng thời xây dựng mô hình nông trại kết hợp du lịch sinh thái cho các gia đình và trẻ nhỏ.
Mời bạn tham gia Giải báo chí toàn quốc viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam"
- Tác phẩm dự thi phải viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam", ưu tiên cho chủ đề về "Nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn với chuyển đổi số", là những tác phẩm phản ánh đúng sự thực khách quan. Ban Tổ chức Giải báo chí không nhận các tác phẩm hư cấu, tác phẩm văn học.
- Thể loại của các phẩm dự thi là ký sự, phóng sự, bút ký, bài phản ánh, bài phản biện viết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
- Bài gửi dự thi trên báo in (đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay): Bài viết có dung lượng 1.000-1.500 chữ + 2-3 ảnh, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Bài dự thi trên báo điện tử (đăng trên Báo điện tử Dân Việt- Danviet.vn): Bài viết có dung lượng tối đa không quá 2.500 từ + 3-4 ảnh + clip, không vi phạm bản quyền hình ảnh.
- Đối với các tác phẩm từ các cơ quan báo chí khác, bài dự thi là một tác phẩm hoặc một chùm bài được đăng tải trên báo, tạp chí in hoặc báo, tạp chí điện tử.
- Mỗi cơ quan báo chí được gửi tối đa 05 tác phẩm về Ban Tổ chức Giải báo chí viết về "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam" để chấm giải (với báo, tạp chí in, phải gửi tác phẩm, kèm số báo đăng tác phẩm, có xác nhận của cơ quan; bài đăng trên báo, tạp chí điện tử phải in tác phẩm ra và gửi kèm đường link, có xác nhận của cơ quan).
- Thời gian: Từ tháng 4 đến tháng 12/2023. (Trong đó, thời gian nhận bài bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc ngày 15/11/2023 để Ban Tổ chức tổng hợp, chấm Giải).
Địa chỉ nhận tác phẩm:
Các tác phẩm gửi về để đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt gửi về hòm thư điện tử nhận bài dự thi: buihongliendv@gmail.com.
Điện thoại: 0902026692 (Nhà báo Bùi Hồng Liên- Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt, thư ký Giải).