Trồng cây xạ đen, cô gái Nùng bắt đồi hoang "nhả" vàng

Nguyễn Văn Công Thứ hai, ngày 31/07/2023 08:45 AM (GMT+7)
Từ bỏ nhiều công việc ổn định, cô gái người dân tộc Nùng Nông Thị Huệ, sinh năm 1992 ở bản Trại Nhì (xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đã mạnh dạn về quê trồng xạ đen và sản xuất các sản phẩm từ loại dược liệu quý này.
Bình luận 0

 Sau hơn 3 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú, đến nay Huệ đã có 2 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và doanh thu hàng năm lên tới 1,5 tỷ đồng.

Bắt đồi hoang "đơm hoa" nhờ trồng xạ đen

Về thăm vùng nguyên liệu của HTX Thiên Phú, ít người ngờ được rằng những đồi xạ đen xanh tốt cho doanh thu hàng tỷ đồng này mới chỉ được trồng ở đây vài năm. Trước đó, những quả đồi này chỉ để hoang hoặc người dân trồng một số loại cây ít giá trị kinh tế.

Tiếp chúng tôi, chị Nông Thị Huệ - Giám đốc HTX Thiên Phú cho biết: HTX được thành lập năm 2019 và đến nay đã có 15 thành viên với vùng nguyên liệu gần 20ha. HTX đã đầu tư cơ sở vật chất nhà xưởng với diện tích 450m2, trang thiết bị, dây chuyền phục vụ sản xuất hiện đại, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trên thị trường. Tổng nguồn vốn đầu tư của HTX là 5,2 tỷ đồng được huy động từ vốn góp của các xã viên và kêu gọi đầu tư.

Cô gái Nùng biến đồi hoang thành vườn thuốc quý - Ảnh 1.

Chị Huệ (ngoài cùng bên trái) tại gian trưng bày sản phẩm OCOP của huyện Yên Thế. Ảnh: V.C

Một số giải thưởng của chị Nông Thị Huệ: Giải thưởng Lương Định Của năm 2021 do Trung ương Đoàn tặng; bằng khen của UBND tỉnh Bắc Giang tặng vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021; danh hiệu Gia đình trẻ tiêu biểu toàn quốc 2022 do Trung ương Đoàn trao tặng; bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc năm 2021.

Vừa kể chuyện, chị Huệ vừa khoe 2 sản phẩm của HTX đạt chứng nhận OCOP 3 sao là trà xạ đen và rượu gạo men lá truyền thống Diệp Nhật. Trong đó, trà xạ đen Diệp Nhật còn được UBND tỉnh Bắc Giang cấp giấy Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.

Chị Huệ cho biết thêm: Dự án liên kết sản xuất trà xạ đen Diệp Nhật hiện đang sản xuất và tiêu thụ 2 tấn xạ đen khô/năm, còn dự án sản xuất rượu gạo men lá truyền thống rượu Diệp Nhật sản xuất 25.000 lít rượu/năm. Tổng doanh thu của HTX đạt khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, lợi nhuận thu được khoảng 600 triệu đồng/năm.

Câu chuyện chị Huệ "bỏ phố về quê" lập nghiệp từng khiến gia đình chị khá "đau đầu", bởi chị Huệ không có chuyên môn về nông nghiệp, vốn liếng cũng chẳng có, khởi nghiệp liệu thành công hay thất bại?.

"Tôi từng tốt nghiệp cử nhân ngành điều dưỡng nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải gác lại đam mê theo đuổi nghề y. Sau đó, tôi đi làm trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh vài năm, cảnh xa nhà, đồng lương bập bõm khiến tôi luôn mong muốn sẽ về quê làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thời gian đó, bố tôi mắc bệnh gan nên tôi đã tìm hiểu về cây xạ đen để chữa bệnh cho bố. Tôi nhận ra rằng, cây xạ đen rất có giá trị kinh tế và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở quê nhà. Vậy là tôi quyết định bỏ việc về quê và tìm mua 2.000 cây giống xạ đen ở Hòa Bình để khởi nghiệp" - chị Huệ tâm sự.

Chạy đôn đáo vay vốn cả trăm triệu, hơn một năm trời không thu về được đồng nào, chị Huệ khá lo lắng, thấp thỏm nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ bỏ cuộc. Rồi thấy cây xạ đen phát triển tốt trên mảnh đất đồi cằn cỗi ngày nào, chị Huệ đã vận động bà con trong bản cùng nhau nhân rộng mô hình trồng xạ đen theo hướng hữu cơ. Sau đó, chị Huệ đã dày công nghiên cứu để "khai sinh" ra 2 sản phẩm trà xạ đen và rượu men lá trong gần một năm.

Cô gái Nùng biến đồi hoang thành vườn thuốc quý - Ảnh 3.

HTX Thiên Phú hiện nay đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Ảnh: V.C

"Sản phẩm ra đời được khách hàng đánh giá cao, đặc biệt là trà xạ đen có tác dụng bảo vệ sức khỏe, phòng chống một số bệnh nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ những đơn hàng nhỏ lẻ rồi đến những đơn hàng lớn trong và ngoài tỉnh liên tiếp đổ về. Đến nay, các sản phẩm của HTX đã xuất hiện tại hơn 100 nhà hàng, 220 đại lý, một số phòng khám Đông y trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và một số tỉnh lân cận" - chị Huệ cho biết.

Để sản phẩm OCOP "sống khỏe"

Trước khi bắt tay vào sản xuất, chị Huệ đã nghiên cứu rất kỹ thị trường và vạch sẵn các chiến lược kinh doanh ngắn hạn và trung hạn. Sau đó, khi sản phẩm ra đời, chị đã tích cực làm thương hiệu bằng cách tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển đa dạng các kênh đầu ra cho sản phẩm từ trực tiếp lẫn trực tuyến.

Vận hành sản xuất theo chuỗi liên kết nên dù bị ảnh hưởng kinh doanh không nhỏ từ đại dịch Covid-19, HTX Thiên Phú vẫn duy trì sản xuất và đảm bảo việc làm cho xã viên. Đồng thời, đối với các hộ sản xuất vùng nguyên liệu, HTX đảm bảo cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, bao tiêu sản phẩm... để người dân yên tâm sản xuất.

Cô gái Nùng biến đồi hoang thành vườn thuốc quý - Ảnh 4.

Chị Huệ vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021. Ảnh: N.V

Từ khi thành lập, HTX Thiên Phú đã giải quyết việc làm cho gần 20 lao động địa phương với mức lương tối thiểu 6 triệu đồng/tháng và hàng trăm lao động thời vụ. 

"Mục tiêu của tôi là tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và phát triển bền vững các mô hình sản xuất dựa trên nền tảng đang có. Tiếp tục tham gia chương trình OCOP để "nâng sao" và tăng giá trị cho 2 sản phẩm; đồng thời mở rộng thị trường trên cả nước, phát triển xanh, bền vững vùng nguyên liệu. Tôi quyết tâm góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển trên chính mảnh đất quê hương" - chị Huệ tâm sự.

Năm 2019, ngoài nhiệm vụ giám đốc của HTX, chị Huệ còn nhận chức vụ Bí thư Chi đoàn bản Trại Nhì. Chị đã khởi xướng và tổ chức nhiều hoạt động tình nguyện cho cộng đồng, đặc biệt chị thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế với các đoàn viên, thanh niên, truyền cảm hứng để họ vươn lên làm giàu trên quê hương.

Chị Lê Thị Hảo - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hồng Kỳ nhận xét: Nông Thị Huệ là một tấm gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu ở tỉnh Bắc Giang, chị đã biến những quả đồi cằn cỗi ngày nào thành vùng nguyên liệu trồng xạ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Ngoài ra, với vai trò Bí thư Chi đoàn bản Trại Nhì, chị Huệ luôn khởi xướng và đi đầu trong các hoạt động của thanh niên và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế với đoàn viên, thanh niên trong xã.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem