Anh Nguyễn Huy Sơn - Giám đốc Công ty CP Trà Việt Thái (TP Phổ Yên) giới thiệu về quy trình sản xuất, chế biến trà Thái Nguyên tại xưởng sản xuất của đơn vị. Clip: Hà Thanh
Tìm hướng đi cho đặc sản Thái Nguyên
Năm 1980, theo chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới của Nhà nước, cậu bé Nguyễn Huy Sơn 8 tuổi đã theo gia đình rời quê hương Hà Đông (Hà Tây) lên vùng đất Phúc Thuận (nay thuộc TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) và gắn bó với mảnh đất này từ đó đến nay.
Những ngày theo bố mẹ ra đồi, ra bãi trồng chè với bà con khiến tình yêu với loài cây này trong anh lớn dần lên hết sức tự nhiên. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, đầu ra cho sản phẩm trà vô cùng khó khăn nên bà con trong vùng không chú trọng phát triển cây chè.
Mãi đến những năm 90, nhờ cơ chế thị trường có sự đổi mới, người dân ở khu vực này mới có thể sản xuất và lưu thông các sản phẩm trà một cách dễ dàng. Mặc dù vậy, thị trường khi đó vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thương lái, bà con vẫn chủ yếu trồng chè theo hướng tự phát, nên chất lượng và giá trị sản phẩm trà không cao. Chính vì vậy, đời sống của bà con trồng và chế biến chè vẫn gặp nhiều khó khăn.
Do đó, khoảng những năm 1996 – 2000, anh Sơn quyết định tìm hướng đi mới cho cây chè tại địa phương. Thời điểm đó, anh đã mang sản phẩm trà từ Thái Nguyên về Hà Nội bán ở những khu chợ tạm tại Phùng Hưng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ sản phẩm trà vẫn không mấy cải thiện do phụ thuộc nhiều vào thương lái. Điều đó khiến anh Sơn trăn trở về việc phải làm sao để sản phẩm trà làm ra chủ động về thị trường thì mới có thể phát triển được.
Từ suy nghĩ đến hành động, năm 2009, anh Sơn đã thành lập Công ty CP Trà Việt Thái tại xóm Tân Ấp 1, xã Phúc Thuận, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
Anh Sơn cho biết, khi mới thành lập, số vốn ban đầu của anh rất ít ỏi, trong khi thị trường đầu ra lại không có, đây chính là một trong những khó khăn rất lớn của anh. Không vì thế mà nản lòng, anh tiếp tục tìm kiếm cơ hội, đồng thời tập trung hướng dẫn bà con thay đổi cách thức chăm sóc cây chè theo hướng an toàn để nâng cao chất lượng sản phẩm trà đưa ra thị trường.
Năm 2011, khi tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình Festival trà lần thứ nhất đã như một luồng sinh khí mới thổi vào ngành trà. Nhờ chương trình này đã giúp anh Sơn có cơ hội quảng bá sản phẩm trà của đơn vị rộng rãi trên thị trường, tiếp thêm sức mạnh giúp anh phát triển ngành sản xuất, chế biến trà tại địa phương.
Bắt đầu từ năm 2013, sản phẩm trà của Công ty Trà Việt Thái chính thức được đưa ra thị trường. Tuy nhiên, phải từ năm 2015 trở đi, sau khi Festival trà lần thứ 3 được tổ chức, sản phẩm trà của công ty mới chính thức phát triển mạnh và sản lượng bán ra thị trường ngày càng tăng.
Hiện nay, ngoài vùng nguyên liệu 21ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, công ty còn liên kết với hơn 100 hộ dân cùng sản xuất chè và nhận bao tiêu chè tươi cho bà con với sản lượng trên 270 tấn/năm.
Với diện tích nhà xưởng sản xuất khoảng 1.000m2, trong năm 2022, công ty đã sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 60 tấn chè búp khô các loại, mang về doanh thu trên 23 tỷ đồng.
Hiện tại, Công ty Trà Việt Thái đang sản xuất 3 dòng chè chính là chè đinh, chè tôm nõn và chè móc câu với các sản phẩm như: Lộc trà, Tâm trà, Lộc trà thượng hạng và Lộc trà đặc biệt.
Sản phẩm của công ty liên tiếp được công nhận các danh hiệu như: Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu qua các năm. Đặc biệt, anh Sơn chính là người đặt nền móng đầu tiên cho sản phẩm OCOP tại TP.Phổ Yên với 3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao.
Anh Sơn cho biết, hiện nay công ty đang thực hiện bán hàng theo hai hình thức truyền thống và thương mại điện tử, trong đó tập trung xây dựng các đại lý và nhà phân phối tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Đến nay, công ty đã có thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định từ Bắc vào Nam, trong đó phát triển mạnh nhất tại một số tỉnh, thành như: Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Khánh Hoà, Đồng Tháp…
Trong thời gian tới, đơn vị dự kiến sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng lên 1.500m2 và nâng diện tích vùng nguyên liệu lên 30ha để đáp ứng nhu cầu sản phẩm đưa ra thị trường.
Với quy mô sản xuất như hiện nay, công ty đang tạo công ăn việc cho khoảng 10 lao động thường xuyên và 5 lao động thời vụ với thu nhập trung bình từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Vĩnh Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Thuận đánh giá, anh Nguyễn Huy Sơn là một trong những hội viên nông dân luôn nỗ lực cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế. Sau khi thành lập doanh nghiệp chế biến, sản xuất chè, đơn vị của anh Sơn đã xây dựng thương hiệu sản phẩm trà tại địa phương vươn xa trên thị trường. Từ đó, giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều bà con tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Bên cạnh đó, anh Sơn còn tích cực tham gia đóng góp vào các phong trào, hoạt động xã hội của địa phương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nhờ vậy, anh Sơn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi qua nhiều giai đoạn.