LTS: Voọc mông trắng (Voọc quần đùi trắng) Trachypithecus delacouri là loài đặc hữu, quý hiếm đang bị đe dọa toàn cầu ở cấp CR (Rất nguy cấp) trong Danh lục Đỏ IUCN 2021. Năm 2016, Năm Tổ chức Fauna and Flora (FFI) đã phát hiện ở khu rừng phòng hộ Kim Bảng, Hà Nam có 80 cá thể Vooc mông trắng, là quần thể lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Khu bảo tồn ngập nước Vân Long.
7 năm qua, hàng chục văn bản từ các Bộ ngành liên quan, tổ chức quốc tế đã được gửi đến chính quyền Hà Nam đề nghị thành lập khu bảo tồn và trợ giúp hướng dẫn địa phương. Tuy nhiên, đến nay khu bảo tồn voọc mông trắng vẫn nằm trên giấy. Quần thể loài linh trưởng đang đứng trước nguy cơ biến mất do tác động của các công trường thác đá làm vật liệu xây dựng, xi măng rộng hàng trăm ha.
Từ cuối năm 2020 đến nay, phóng viên Báo điện tử Dân Việt, đã thực hiện nhiều chuyến khảo sát, tuyến bài về bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm.
Để làm rõ hơn tính cấp thiết của việc thành lập khu bảo tồn voọc mông trắng, Báo tử Dân Việt khởi đăng bài phỏng vấn TS. Phạm Quang Tùng - Quản lý Dự án Kim Bảng, Hà Nam, Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI).
-Thưa ông, xin ông cho biết giá trị, ý nghĩa của việc bảo tồn loài voọc này ở Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung?
Trước hết tôi xin được cảm ơn các cơ quan truyền thông, báo chí đồng hành cùng chúng tôi trong suốt 7 năm qua, đặc biệt là Báo điện tử Dân Việt đã thường xuyên cập nhật, thông tin đến với độc giả về loài Vooc đặc hữu, quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu này.
Năm 2016 tổ chức Fauna and Flora (FFI) tái phát hiện ở khu rừng phòng hộ Kim Bảng, Hà Nam có 80 cá thể Vooc mông trắng, là quần thể lớn thứ 2 trên thế giới chỉ sau Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, từ đó đến nay FFI hỗ trợ chính quyền địa phương thực hiện một số hoạt động của Dự án nhằm bảo tồn, bảo vệ loài Vooc quý hiếm này.
Việc bảo tồn loài Voọc bị đe dọa trên toàn cầu không những bảo vệ cho người dân Việt Nam giữ lại loài đặc hữu chỉ có ở Việt Nam mà còn giữ cho cả thế giới nguồn gen vô cùng quý hiếm cho thế hệ mai sau. Việc bảo tồn loài này tạo nên sự cân bằng sinh thái, đa dạng sinh học cho cả khu vực, bảo đảm môi trường sống bền vững cho các loài sinh vật bao gồm cả con người.
Tổ chức Bảo tồn Động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI) là tổ chức phi chính phủ của Anh, làm việc trong lĩnh vực bảo tồn động thực vật hoang dã. Được thành lập vào năm 1903, FFI là một trong những tổ chức bảo tồn lâu đời nhất trên thế giới, hoạt động tập trung vào bảo tồn các loài bị đe dọa tuyệt chủng và hệ sinh thái trên toàn cầu dựa trên các giải pháp bền vững, có cơ sở khoa học và tính đến nhu cầu của con người.
FFI đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1997, tập trung chủ yếu vào bảo tồn các loài linh trưởng bản địa của Việt Nam thông qua quan hệ đối tác với các cơ quan chính phủ và cộng đồng địa phương.
- Ông đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn quần thể voọc mông trắng ở rừng Kim Bảng trong những năm qua?
Kể từ khi tái phát hiện quần thể Vooc lớn thứ 2 thế giới tại Kim Bảng, FFI đã thực hiện 2 giai đoạn của dự án, Giai đoạn 1 từ 2016-2021, và giai đoạn 2 là từ 2021- 2024 với mục đích là Bảo tồn lâu dài và bền vững quần thể Voọc mông trắng và đa dạng sinh học tại khu rừng phòng hộ Kim Bảng, Hà Nam. Qua 7 năm thực hiện dự án chúng tôi cũng đã đạt một số kết quả tích cực nhằm bảo vệ loài voọc này.
Thứ nhất quần thể voọc mông trắng tại Kim Bảng phát triển tốt và số lượng cá thể đã tăng lên đáng kể so với năm 2016, từ 80 cá thể lên tới 118 cá thể năm 2022. Các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm và các loài thức ăn của voọc được bảo vệ và phát triển tốt. Cộng đồng xung quanh khu rừng phòng hộ Kim Bảng nhận thức được giá trị của loài Vooc này và ra sức, quyết tâm bảo vệ chúng bằng các buổi tuyên truyền tại các thôn xóm.
Năng lực của cán bộ thực thi pháp luật về bảo tồn, bảo vệ các loài hoang dã được tăng lên. Dự án đã đào tạo nâng cao năng lực cho nhóm tuần tra người địa phương (4 người), biết sử dụng thiết bị SMART trong tuần tra giám sát loài Vooc.
Chúng tôi đã tìm được nguồn vốn bền vững cho công tác bảo tồn trong 7 năm qua tại Kim Bảng. Nếu Khu bảo tồn được thành lập sớm thì FFI sẽ đồng hành, hỗ trợ Sở Nông nghiệp, Chính quyền địa phương và các cộng đồng thôn bản xung quanh.
Hạn chế lớn nhất là mặc dù chúng tôi đã thực hiện nhiều đợt khảo sát và đề xuất tính cấp thiết để thành lập khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng nhưng đến nay vì vướng một số quy định nên UBND tỉnh Hà Nam chưa thể thành lập khu bảo tồn. Tôi được biết UBND tỉnh đã có một số phương án và đang chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, rà soát các quy định của nhà nước trình UBND tỉnh phương án tối ưu nhất.
- Có ý kiến cho rằng, việc thành lập khu bảo tồn sẽ phát sinh thêm biên chế, kinh phí duy trì cho địa phương và nó chưa thật sự cần thiết. Ông nghĩ sao về điều này?
Quan ngại lớn nhất của chúng tôi cho đàn voọc hiện nay là sinh cảnh của chúng đang bị thu hẹp dần, diện tích rừng đang bị đe dọa để phát triển kinh tế. Theo thống kê có hơn 10 nhà máy, xí nghiệp, công ty khai thác đá và sản xuất xi măng hoạt động ngày đêm. Sinh cảnh của loài linh trưởng này đang bị đe dọa từng ngày, những quả núi, khu rừng bị phá đi sẽ không thể hồi phục được.
Việc thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng ở Hà Nam là hết sức cấp bách và thiết thực hiện nay nhằm bảo tồn nguồn gen, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong khu vực và toàn cầu. Nó cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Có một thực tế đang tồn tại tại Hà Nam khi thành lập Khu bảo tồn và ban quản lý sẽ phát sinh biên chế. Theo Nghị định 120/2020, quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, yêu cầu muốn thành lập đơn vị mới thì phải tự chủ.
Tuy nhiên, cần căn cứ vận dụng vào thực tế, với sự Chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Hướng dẫn của các bộ có liên quan và Nghị quyết Đảng Bộ tỉnh Hà Nam để bố trí, quy hoạch và sắp xếp cán bộ cho phù hợp cho từng lĩnh vực khác nhau.
Phát triển kinh tế trước mắt rất cần thiết nhưng bảo vệ môi trường, bảo tồn động thực vật hoang dã nhằm phát triển bền vững cần thiết hơn nhiều trong bối cảnh hiện nay. Hy vọng rằng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam sẽ có phương án phù hợp để kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế địa phương và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững trong thời gian sớm nhất.
Khu rừng nguyên sinh duy nhất của Hà Nam không chỉ có voọc mông trắng quý hiếm. Qua điều tra đã thống kê được ở đây có tới 562 loài thực vật bậc cao có mạch trong đó có 48 loài thực vật đặc hữu, 41 loài thực vật đang bị đe dọa tuyệt chủng, 21 loài thực vật được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 27 loài được xếp trong Nghị định 84/2021/NĐ-CP, 7 loài được đánh giá theo Danh lục Đỏ IUCN (2021).
Khu vực cũng đã ghi nhận có tới 129 loài động vật có xương sống trên cạn trong dó có 15 loài thú thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm cần ưu tiên bảo tồn, 14 loài thuộc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), có 14 loài được đưa vào Danh lục đỏ IUCN về các loài bị đe dọa, có 13 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Khai thác đá vôi "bóp nghẹt" môi trường sống voọc mông trắng ở Kim Bảng, Hà Nam. Video: Phương Hồng.
Trong bối cảnh, biến đổi khí hậu ngày càng nhanh gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, thiệt hại kinh tế, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng ở Hà Nam dự kiến là vùng đầu nguồn phòng hộ quan trọng nhất của khu vực huyện Kim Bảng. Bảo tồn được hệ sinh thái đầu nguồn này có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng hộ cho các khu vực hạ lưu; hạn chế lũ lụt và cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho hàng ngàn hecta đất nông nghiệp và hàng ngàn người dân sinh sống ở Thị trấn Ba Sao, xã Liên Sơn, Khả Phong, Thanh Sơn và vùng phụ cận.
Việc thành lập sớm Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng đóng vai trò cần thiết đối với phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội nơi đây, khu vực dự kiến thành lập khu bảo tồn còn nằm trong khu vực đã được Chính phủ phê duyệt để phát triển khu du lịch cấp Quốc gia Tam Chúc.
Điều này tạo điều kiện rất lớn để phát triển kinh tế xã hội huyện Kim Bảng một cách bền vừng, là trung tâm thương mại, du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, bảo vệ môi trường và cảnh quan.
- Ông nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển sau khi Hà Nam thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng ?
Hiện nay chúng tôi đang trông chờ quyết định thành lập khu bảo tồn loài Vooc mông trắng tại Kim Bảng, sau khi được thành lập tôi cho rằng sẽ tạo được hành lang xanh bền vững cho đàn voọc là sự kết nối giữa 3 khu rừng đặc dụng với nhau (Khu bảo tồn Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương và Khu bảo tồn loài sinh cảnh voọc mông trắng).
Khi được thành lập Khu bảo tồn loài sinh cảnh Vooc mông trắng kết nối với Chùa Tam Chúc, chùa Bái Đính (Ninh Bình) và chùa Hương (Hà Nội) tạo nên tứ giác "trục du lịch sinh thái- tâm linh" lớn nhất nước, thuận lợi về mặt địa lý, giao thông đi lại, có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch.
Có thể nhận thấy khu vực dự kiến quy hoạch Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng gắn liền với các cảnh quan, khu di tích trọng điểm, nổi tiếng của khu vực như: Khu di tích Tam Chúc (TT. Ba Sao), Quần thể di tích và danh thắng thờ nữ tướng Lê Chân (xã Thanh Sơn), tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân, đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.