Hà Nam: 7 năm chưa lập khu bảo tồn voọc mông trắng vì "thiếu người quản lý"?

Tất Định - Phương Hồng Thứ tư, ngày 16/08/2023 15:36 PM (GMT+7)
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, khu bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới chưa thể thành lập do "khó khăn về nhân sự quản lý khu bảo tồn".
Bình luận 0

Từ năm 2016, Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI) đã ghi nhận quần thể voọc mông trắng ở Kim Bảng (Hà Nam) hơn 105 con, lớn thứ hai thế giới, sau khu bảo tồn thiên nhiên (Vân Long) Ninh Bình.

Lãnh đạo Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo giao UBND tỉnh Hà Nam áp dụng các biện pháp cấp bách bảo vệ quần thể voọc mông trắng. Những năm qua, hàng chục văn bản từ các Bộ ngành liên quan, tổ chức quốc tế đã được gửi đến chính quyền Hà Nam đề nghị thành lập khu bảo tồn và trợ giúp hướng dẫn địa phương.

Hà Nam: 7 năm chưa lập khu bảo tồn voọc mông trắng vì "thiếu người quản lý"? - Ảnh 1.

Các công trường khai thác đá sản xuất xi măng nằm ngay sát khu vực đàn voọc mông trắng sinh sống. Ảnh: Phương Hồng.

Nghị Quyết 30 của Bộ Chính trị tháng 11/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc thành lập, phát triển Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng nhằm tăng cường liên kết vùng trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên cấp quốc gia.  

Đến nay, sau 7 năm, khu bảo tồn voọc mông trắng vẫn nằm trên giấy. Quần thể loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ biến mất do tác động của các công trường thác đá làm vật liệu xây dựng, xi măng rộng hàng trăm ha.

"Hiện việc quy hoạch xác định ranh giới khu bảo tồn, các thủ tục đã hoàn thiện. Chúng tôi cũng mong muốn sớm thành lập khu bảo tồn nhưng đang vướng mắc về bố trí biên chế quản lý", một lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam thông tin.

Tháng 3/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam đã có văn bản gửi Cục Lâm nghiệp (Bộ NN & PTNT) xin ý kiến thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng.

Các sở ngành, đơn vị của tỉnh đã thống nhất phạm vi, ranh giới, tọa độ, diện tích thành lập khu bảo tồn. Dự kiến thành lập Khu bảo tồn đồng bộ với Quy hoạch khu du lịch Tam Chúc.

Tuy nhiên, Sở này nêu ra khó khăn về việc nhân sự Tổ chức quản lý khu bảo tồn: "Tỉnh chỉ đạo theo hướng sử dụng cán bộ hiện có, hạn chế tối đa phát sinh biên chế. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm Hà Nam rất mỏng, địa hình hiểm trở, tuần tra, bảo vệ rừng gặp khó khăn, trở ngại. Mặt khác từ trước đến nay, tỉnh Hà Nam chưa có ban quản lý rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ nên rừng chưa được giao cho các chủ rừng quản lý. Đây cũng là một trong những bất cập, đặc biệt là khi thành lập khu bảo tồn".

Hà Nam: 7 năm chưa lập khu bảo tồn voọc mông trắng vì "thiếu người quản lý"? - Ảnh 3.

Một đàn voọc mông trắng kiếm ăn gần khu khai thác đá ở Kim Bảng. Ảnh: Tất Định.

Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn Sở NN&PTNT Hà Nam. Theo đó, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam khi được thành lập sẽ thuộc loại hình Khu bảo tồn loài – sinh cảnh của hệ thống rừng đặc dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Lâm nghiệp.

Do vậy, việc tổ chức quản lý khu rừng đặc dụng này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về Lâm nghiệp. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam báo cáo cấp có thẩm quyền của tỉnh quyết định thành lập Ban quản lý để quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật Lâm nghiệp.

Về nhân sự Ban quản lý khu rừng đặc dụng, nhằm đáp ứng nhiệm vụ quản lý bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học của khu rừng đặc dụng, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, cân đối biên chế sự nghiệp trong tổng số biên chế sự nghiệp được giao của tỉnh để đảm bảo điều kiện thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng và đảm bảo đầy đủ điều kiện thực hiện quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý theo quy định tại Điều 75 Luật Lâm nghiệp.

Hà Nam: 7 năm chưa lập khu bảo tồn voọc mông trắng vì "thiếu người quản lý"? - Ảnh 4.

Các công trường khai thác đá (đường màu vàng) bao quanh khu vực quần thể voọc sinh sống (chấm trắng). Đồ họa: FFI.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, dự kiến ban đầu Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề xuất phương án nhân sự Ban quản lý khu bảo tồn 21 người, sau đó giảm xuống còn 12 người. Tuy nhiên, các phương án vẫn chưa được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, từ khi có Nghị định 120/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, yêu cầu muốn thành lập đơn vị mới thì phải tự chủ.

"Nếu thành lập ban quản lý Khu bảo tồn thì không thể tự chủ được do kinh phí không có, nhà nước lại không hỗ trợ. Bên cạnh đó, rừng Kim Bảng là rừng phòng hộ nếu nâng cấp lên rừng đặc dụng mà không may xảy ra cháy hay vấn đề gì đó thì quy trách nhiệm sẽ rất lớn. Do đó, chưa thể thành lập được Khu bảo tồn cho loài voọc mông trắng này", đại diện Sở Nông nghiệp nói.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin...

Đầu tháng 7/2023, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp bảo tồn voọc mông trắng ở khu vực rừng Hương Sơn (Mỹ Đức) – Dãy núi giáp ranh với quần thể voọc mông trắng ở Hà Nam.

Voọc mông trắng (Trachypithecus delacouri) hay còn gọi voọc quần đùi trắng là loài linh trưởng độc nhất vô nhị, chỉ có ở Việt Nam, với số lượng chỉ còn khoảng 250 cá thể. Hiện nay, loài này được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ của IUCN (2019); thuộc Nhóm IB, Nghị định 06/NĐCP, 2019.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem