Ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn) nói về vai trò của chuyển đổi số đối với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo về thông tin trên địa bàn của huyện. Clip: Chiến Hoàng
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn, hiện nay tất cả các xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông và internet; các dịch vụ đảm bảo chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.
Toàn bộ số xã trên địa bàn tỉnh cũng đã được cài đặt, sử dụng phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với ứng dụng chữ ký số và phần mềm "Một cửa điện tử" gắn với dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.
Năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ phần mềm đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện, xã (DTI) trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách/phụ trách công nghệ thông tin; tham mưu về chuyển đổi số ở các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường thị trấn.
Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023 và Kế hoạch kiểm tra hoạt động chuyển đổi số tại các đơn vị, địa phương năm 2023.
Đặc biệt, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030 với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và thỏa thuận hợp tác đồng hành, hỗ trợ, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025 với Công ty cổ phần FPT.
Cũng trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn triển khai thực hiện thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã/phường với mục tiêu từng bước thu hẹp khoảng cách, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của chính quyền cấp xã; đồng thời hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho người dân, từng bước xây dựng nền kinh tế số ở các địa phương.
Để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các xã/phường thí điểm chuyển đổi số, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phân công 8 sở, ngành cấp tỉnh thực hiện theo dõi, phụ trách, hỗ trợ các địa phương.
Cùng với đó, đầu tháng 8, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phát động chương trình phổ cập điện thoại thông minh tại 8 xã/phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Thông qua hình thức trao tặng trực tiếp điện thoại thông minh hoặc hỗ trợ kinh phí mua điện thoại, chương trình đã thu hút được được nhiều tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đồng hành, ủng hộ với số tiền gần 750 triệu đồng, tương đương với gần 400 máy điện thoại thông minh.
Ông Đặng Đình Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết, theo kế hoạch, dự kiến huyện sẽ về đích nông thôn mới vào năm 2025. Theo đó, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, mỗi năm, huyện sẽ phấn đấu đưa 4 xã về đích nông thôn mới và 1 xã về đích nông thôn mới nâng cao.
"Đến thời điểm hiện nay, huyện và xã đã chỉ đạo tất cả các thôn thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng, lấy Đoàn Thanh niên làm trung tâm để thực hiện chuyển đổi số. Trên cơ sở các tổ chuyển đổi số, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách, Pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với đó tuyên truyền cho nhân dân về cải cách thủ tục hành chính" - Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn cho biết thêm.
Theo ông Phong, việc chuyển đổi số đã góp phần tích cực đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tuy nhiên quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn nhất định, nhất là về thiết bị đầu cuối. Người dân nhiều nơi còn khó khăn, không có máy tính hay điện thoại thông minh để thực hiện chuyển đổi số.
"Việc tỉnh Bắc Kạn vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quyên góp, ủng hộ điện thoại thông minh đối với 8 xã, phường thực hiện thí điểm chuyển đổi số là một việc làm rất có ý nghĩa. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình tương tự để hỗ trợ những người dân còn khó khăn có thể tiếp cận được với chuyển đổi sổ" - ông Phong bày tỏ.
Nỗ lực giảm nghèo thông tin gắn với chuyển đổi số
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, chuyển đổi số có vai trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo. Việc chuyển đổi số tốt sẽ có dữ liệu số tốt, dữ liệu hộ nghèo tốt, từ đó phân tích được nguyên nhân hộ nghèo và đưa ra được những giải pháp thoát nghèo phù hợp nhất, nhanh nhất.
"Trong thời gian qua, chúng tôi đang tập trung số hóa dữ liệu hộ nghèo, thông tin thị trường lao động trên các trang thông tin điện tử, trang mạng để người dân biết, tìm hiểu và lựa chọn công việc cho mình.
Thông tin từ Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Bắc Kạn, năm 2022 kết quả giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh Bắc Kạn là 2,66%, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 2,5%.
Theo kế hoạch, năm 2023 tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2 - 2,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm bình quân từ 4- 5% trở lên. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 22,31%.
Cùng với đó tích cực, chủ động hướng dẫn người dân trong việc đăng tải sản phẩm lên các sản thương mại điện tử.
Có nền tảng số, chuyển đổi số sẽ giúp người dân quảng bá sản phẩm trên các sản thương mại điện tử một cách đơn giản và thuận tiện, giúp bà con tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, cho giá trị sản phẩm cao hơn" - ông Hưng cho biết thêm.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, việc thực hiện giảm nghèo về tiếp cận thông tin trong những năm qua đã được tỉnh Bắc Kạn tích cực, chủ động thực hiện như: Đầu tư hạ tầng về thông tin; đưa các trạm phủ sóng 3G, 4G về đến tận vùng sâu, vùng xa; đầu tư các trạm truyền thanh xã, cụm truyền thanh xã để cung cấp thông tin cần thiết đến bà con.
"Tỉnh Bắc Kạn đã chủ động, tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp các thông tin cần thiết phục vụ công tác phát triển kinh tế xã hội và công tác giảm nghèo nhanh, hiệu quả nhất đến với người dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện giảm nghèo thông tin, tỉnh Bắc Kạn cũng gặp một số khó khăn về nguồn lực, hạ tầng. Để khắc phục, tỉnh Bắc Kạn đã tận dụng các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, từ các tập đoàn kinh tế, hỗ trợ nhân đạo từ thiện… để đầu tư vào hạ tầng thông tin cho bà con vùng sâu vùng xa" - ông Hưng chia sẻ.