Một xã biên giới ở Kon Tum, nhiều hộ dân đang vận dụng cách làm ăn, có nếp sinh hoạt văn minh

Hoàng Lộc Thứ năm, ngày 10/08/2023 07:01 AM (GMT+7)
Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đã tuyên truyền nhiều cách thức về chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế. Tain đây, nhiều hộ đang chịu khó mạnh dạn vận dụng cách làm ăn, nếp sinh hoạt ngày càng văn minh...
Bình luận 0

Đa dạng hoá hình thức truyền thông giảm nghèo

Sa Loong là xã biên giới thuộc huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum). Địa phương này hiện có 1.496 hộ với 6.229 nhân khẩu. Hơn 85% dân tộc ở đây là người đồng bào dân tộc thiểu số như Xơ Đăng, Mường, Thái... Đời sống của bà con dựa vào canh tác nông nghiệp là chính nên còn gặp nhiều khó khăn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, UBND xã Sa Loong đã đa dạng hóa hình thức truyền thông nhằm giúp người dân tiếp cận các đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách giảm nghèo và những thông tin hữu ích về phát triển kinh tế, gia tăng thu nhập để từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Các hình thức tuyên truyền mà địa phương này triển khai gồm tuyên truyền miệng; phát tờ rơi và đặc biệt là thông báo trên các cụm loa truyền thanh.

Xã biên giới ở Kon Tum đa dạng hoá truyền thông giảm nghèo - Ảnh 1.

Loa truyền thanh được UBND xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) lắp đặt tại các thôn làng để tuyên truyền về chính sách giảm nghèo, mô hình phát triển kinh tế đến bà con

Cụ thể, hệ thống truyền thanh của xã Sa Loong có 1 đài với 10 cụm loa lắp đặt ở 6 thôn. Đều đặn mỗi ngày, công chức Văn hóa - Xã hội của UBND xã sẽ mở máy móc thiết bị tiếp sóng chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Văn hoá Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện Ngọc Hồi đến 10 cụm loa truyền thanh ở thôn để người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất. 

Đặc biệt, xã thường xuyên lựa chọn, chắt lọc đưa những thông tin, văn bản mới nhất của Đảng ủy, UBND xã về chính sách giảm nghèo bền vững đến bà con.

Theo chân cán bộ UBND xã Sa Loong, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lương Văn Ót (43 tuổi, dân tộc Thái, trú tại thôn Đăk Vang, xã Sa Loong). 

Nhiều năm qua, gia đình thuộc diện hộ nghèo của thôn. Nhà chỉ vài sào đất để canh tác. Ngặt nỗi, đất đai thì cằn cỗi khiến thu nhập của gia đình anh bất bênh. Hàng ngày, hai vợ chồng phải đi làm thuê để nuôi 3 người con đang tuổi ăn học.

Năm 2022, qua tuyên truyền và vận động, gia đình anh đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với 20 triệu đồng từ UBND xã Sa Loong hỗ trợ và một ít vốn dành dụm nên gia đình đã xây dựng được căn nhà mới.

"Có chỗ ở ổn định, chắc chắn, gia đình sẽ phấn đấu làm ăn, chi tiêu tiết kiệm, dành tiền để mở rộng sản xuất và chăm lo con cái học hành đến nơi đến chốn", anh Ót bộc bạch.

Lên một xã biên giới ở Kon Tum theo xem người dân vận dụng cách làm ăn, hình thành nếp sinh hoạt văn minh - Ảnh 2.

Gia đình anh Lương Văn Ót vui mừng bên căn nhà mới được xây dựng

Bà Y Deng, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk Vang cho biết, để giúp người dân tiếp cận những thông tin mới, ngoài hệ thống loa truyền thanh của xã thì Trưởng thôn, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn sẽ đến từng hộ dân gặp gỡ, truyên truyền, trao đổi cụ thể; thường xuyên nhắc nhở các hộ dân trong quá trình lao động phải biết tiết kiệm, tích lũy vốn để đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập

Từ đó, trong năm 2022, thôn đã có 9 hộ thoát nghèo và 7 hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Hiện tại, thôn chỉ còn 16 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo. Năm 2023, thôn tiếp tục phấn đấu giúp 2-3 hộ thoát nghèo.

36 hộ của xã Sa Loong thoát nghèo trong năm 2022

Theo ông Nguyễn Thành Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Loong, triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xã xác định một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo là tập trung thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức.

Ngoài tuyên truyền về chương trình giảm nghèo bừng vững trên hệ thống loa truyền thanh, UBND xã còn lồng ghép trong các cuộc họp của xã và họp dân ở các thôn để người dân biết, chủ động tiếp cận, học tập những mô hình hay, gương điển hình trong trồng trọt, chăn nuôi, từ đó áp dụng vào thực tế gia đình.

Lên một xã biên giới ở Kon Tum theo xem người dân vận dụng cách làm ăn, hình thành nếp sinh hoạt văn minh - Ảnh 3.

Qua sự vận động, tuyên truyền của UBND xã Sa Loong, người dân đã biết chăm lo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống

Đồng thời, UBND xã còn phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể thành lập Tổ tuyên truyền. Mỗi quý, tổ này sẽ về các thôn gặp gỡ người dân, hộ nghèo, cận nghèo để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, cùng phối hợp, tuyên truyền và chung tay hỗ trợ các hộ dân tiếp cận các chính sách phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Nhờ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về giảm nghèo bền vững mà cuối năm 2022, xã Sa Loong có 36 hộ thoát nghèo. Đến nay, xã còn 72 hộ nghèo, chiếm 4,81% và 38 hộ cận nghèo, chiếm 2,54%. Điều đáng mừng là ý thức người dân đã được nâng lên rõ rệt khi có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước.

Lên một xã biên giới ở Kon Tum theo xem người dân vận dụng cách làm ăn, hình thành nếp sinh hoạt văn minh - Ảnh 4.

Trong năm 2022, đã có 36 hộ dân tại xã Sa Loong thoát nghèo

Ông Lương chia sẻ, trong năm 2023, địa phương phấn đấu có thêm 1-2 hộ thoát nghèo; 100% hộ nghèo và cận nghèo được tiếp cận, hưởng đầy đủ chính sách trợ giúp của Nhà nước.

"Để hoàn thành mục tiêu này, UBND xã sẽ huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đạt kế hoạch đề ra", ông Lương nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem