Xã Pả Vị (huyện Mèo Vạc, Hà Giang) xác định xây dựng nông thôn mới phải có bản sắc riêng, nên thời gian qua đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Pả Vi đã thực hiện thành công đề án sáng - xanh - sạch - đẹp với nhiều nét kiến trúc độc đáo của đồng bào dân tộc Mông nơi đây.
Ông Lê Văn Quý – Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Pả Vi cho biết: Xã Pả Vi vinh dự là xã đầu tiên của huyện Mèo Vạc về đích NTM năm 2020, đây là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức lớn đối với xã Pả Vi, nhất là trong việc tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt.
Cùng với phát triển chăn nuôi, xã Pả Vi cũng đẩy mạnh phát triển du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ hội tụ nhiều phong cảnh đẹp, kỳ vĩ cùng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông đã trở thành điểm mạnh để xã phát triển du lịch. Trong đó, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ là điểm nhấn du lịch quan trọng của xã; hiện tại, xã có 26 hộ đang kinh doanh dịch vụ homestay.
Ngoài ra, nhận thấy là xã NTM nhưng bộ mặt nông thôn của xã chưa được khang trang và với đặc điểm dân số trên địa bàn xã chủ yếu đồng bào dân tộc Mông nên năm 2022, xã Pả Vi đã triển khai đề án sáng – xanh – sạch – đẹp với đặc trưng là những bức tường rào đá bao quanh nhà. Đây cũng là công trình chào mừng 60 năm thành lập huyện.
Được sự đầu tư của UBND huyện Mèo Vạc, xã Pả Vi đã lát vỉa hè hai bên đường với chiều dài 1.991m; lắp điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, xây dựng 480m tường rào đá kết hợp cổng nhà theo nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông tại thôn Pả Vi Hạ với tổng kinh phí đầu tư là 8,3 tỷ đồng.
Cùng với đó, để tạo dấu ấn và cảnh quan đẹp thu hút du khách đến với Mèo Vạc nói chung và Pả Vi nói riêng, UBND xã cũng đã vận động nhân dân mỗi gia đình sẽ trồng cây đào, cây lê trong sân và ngoài vỉa hè dọc tuyến để giữ gìn bản sặc văn hóa nhằm phát triển du lịch của địa phương.
Ông Lê Văn Quý cho biết thêm: điểm nhấn của công trình là xây dựng tường rào đá kết hợp cổng gỗ nhà kiểu dân tộc Mông lợp ngói âm dương cho 49 hộ dân, 2 trường học và trụ sở UBND xã với mục tiêu bảo tồn văn hóa và thu hút du khách, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch tạo kế sinh nhai cho bà con.
"Đặc biệt, khi triển khai chương trình đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất cao của nhân dân trong xã, các hộ dân dọc hai bên đường đã tự nguyện hiến đất, tạo mặt bằng để làm. Để tiếp tục nâng cao các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, gắn với giữ không gian, nếp sống, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc, trong thời gian tới xã Pả Vi sẽ nhận rộng mô hình ra toàn xã", ông Quý nhấn mạnh.
Bên cạnh phát huy và bảo tồn nét đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi biên cương của Tổ quốc, thì việc duy trì, nâng cao các tiêu chí và thu nhập cho người dân cũng được xã Pả Vi trú trọng đặc biệt quan tâm.
Tiêu chí thu nhập được xem là một trong các tiêu chí khó thực hiện, dễ bị biến động của xã Pả Vi. Trước thực tế này, xã Pả Vi đang tập trung vào một số giải pháp, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, có giá trị cao của địa phương như chăn nuôi bò, lợn đen, ong; đồng thời chú trọng công tác xuất khẩu lao động, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch...
Trưởng thôn Pả Vi Thượng, Sùng Mí Chá cho biết: Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền thôn đã tăng cường vận động người dân phát triển đàn gia súc hàng hóa, chuyển diện tích đất kém hiệu quả sang trồng rau; đồng thời đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi.
Điển hình trong phát triển kinh tế của xã Pả Vi phải kể đến gia đình bà Sùng Thị Già (thôn Pả Vi Thượng). Bà Già chia sẻ: Từ năm 2022, được hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình bà đã mạnh dạn chuyển sang đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, nhờ đó thu nhập của gia đình tăng lên rất nhiều trung bình 6-7 triệu đồng/tháng.
Còn gia đình bà Sùng Thị Dúa cùng thôn lại chọn phát triển kinh tế gia đình bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu hồi trước diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình bà Dúa chủ yếu trồng ngô và dong riềng để làm nguyên liệu cho trâu bò, thu nhập gần như không. Thì nay bà đã cải tạo toàn bộ diện tích vườn tạp của gia đình chuyển sang trồng rau. "Từ khi chuyển sang trồng rau, ngày nào tôi cũng có rau bán, đều đặn ngày hai buổi đi nhờ đó thu nhập của gia đình cao hơn rất nhiều, cuộc sống khấm khá, no đủ hơn" Bà Sùng Thị Dúa cười chia sẻ.
Cũng theo ông Chủ tịch HĐND xã Pả Vi, từ một xã khó khăn, thuần nông, đến nay kinh tế, văn hoá - xã hội của xã Pả Vi đã đạt được những kết quả nổi bật. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 36 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 6%. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 100% so với nghị quyết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước đạt trên 7 tỷ đồng, doanh thu và dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt trên 22 tỷ đồng…
Từ những thành quả đã đạt được, năm 2023, Đảng bộ xã Pả Vi tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường lãnh đạo phát triển kinh tế, chăm lo công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.