Dân Việt

Làm trà sạch xuất khẩu ra nước ngoài, một giám đốc ở Thái Nguyên là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023

Hà Thanh - Kiều Hải 24/08/2023 13:00 GMT+7
Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, anh Tô Văn Khiêm, Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc, xã Tức Tranh, (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đã xuất khẩu trà Khe Cốc ra thị trường nước ngoài. Năm 2023, anh Khiêm được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc.

CLIP: Anh Tô Văn Khiêm - Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc (xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) giới thiệu về quy trình chế biến chè sạch của HTX. Hội đồng Chung khảo đã bình chọn anh Tô Văn Khiêm là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023". Clip: Hà Thanh

Tiên phong trồng chè sạch ở Phú Lương

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Phú Xuyên (Hà Nội), năm 1975, anh Tô Văn Khiêm theo bố mẹ lên vùng đất Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới. Thời điểm đó, anh Khiêm mới vừa tròn 5 tuổi.

Trước khi gắn bó với công việc sản xuất, chế biến trà như hiện nay, anh Khiêm cũng trải qua nhiều công việc khác nhau. 

Khoảng những năm 2011 - 2012, anh Khiêm có cơ hội tham quan một số vùng chè nổi tiếng của Nhật Bản và nhận thấy sản phẩm trà của nước bạn có giá trị kinh tế rất cao. Do đó khi quay trở về Việt Nam, anh Khiêm đã quyết định bỏ công việc kinh doanh nhà hàng để về phát triển vùng chè Khe Cốc tại địa phương. Đây chính là vùng chè an toàn VietGAP đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Lương lúc bấy giờ.

Đưa chè sạch xuất khẩu, ông nông dân Thái Nguyên được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc  - Ảnh 2.

Anh Tô Văn Khiêm là người phát triển vùng chè an toàn VietGAP đầu tiên trên địa bàn huyện Phú Lương. Ảnh: Kiều Hải

Năm 2018, anh Khiêm chính thức thành lập HTX Chè an toàn Khe Cốc tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với tất cả 15 thành viên. Đồng thời, HTX cũng chuyển từ sản xuất chè VietGAP sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ.

Hiện nay, vùng nguyên liệu chè của HTX có khoảng gần 100ha, trong đó HTX đang liên kết với 3 tổ hợp tác với 20ha đã được chứng nhận hữu cơ và 30ha đang được HTX tiếp tục chuyển đổi sang tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện, HTX đang bao tiêu khoảng 80% sản lượng chè tươi trong tổng diện tích 20ha chè hữu cơ hiện có.

Đưa chè sạch xuất khẩu, ông nông dân Thái Nguyên được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc  - Ảnh 3.

Sản phẩm của HTX Chè an toàn Khe Cốc có mẫu mã đa dạng, hình thức đẹp mắt. Ảnh: Kiều Hải

Anh Khiêm cho biết, HTX Chè an toàn Khe Cốc đang sản xuất và đưa ra thị trường khoảng 12 – 13 sản phẩm khác nhau với giá bán dao động từ 500.000 đồng – 1,2 triệu đồng/kg. Trong đó, tập trung vào 5 dòng sản phẩm chính như trà đinh, trà tôm nõn, trà móc câu, matcha trà xanh và trà túi lọc. Nhiều sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP và đạt nhiều danh hiệu như sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Đưa chè sạch xuất khẩu, ông nông dân Thái Nguyên được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc  - Ảnh 4.

Trung bình mỗi năm, HTX Chè an toàn Khe Cốc xuất bán ra thị trường trên 100 tấn trà búp khô, mang về doanh thu từ 4,5 – 5 tỷ đồng. Ảnh: Kiều Hải

Hiện, thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nam, Ninh Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng… Bên cạnh đó, HTX còn bán ra cả thị trường nước ngoài.

Đưa trà Khe Cốc xuất khẩu

Năm 2019, thông qua sự giới thiệu của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một đơn vị doanh nghiệp tại Ba Lan. Nhờ đó, HTX đã xuất khẩu 3 sản phẩm kẹo trà xanh, matcha trà xanh và trà túi lọc sang thị trường châu Âu. 

Năm 2022, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, HTX đã nối lại được thị trường với Cộng Hòa Séc và xuất khẩu hơn 10 tấn trà búp khô.

Năm 2023, HTX tiếp tục kết nối với thị trường Mỹ để chuẩn bị đàm phán và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, trong năm 2023 có một số đơn vị đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho HTX để đưa ra thị trường rộng lớn hơn.

Đưa chè sạch xuất khẩu, ông nông dân Thái Nguyên được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc  - Ảnh 5.

Đến nay, một số sản phẩm của HTX Chè an toàn Khe Cốc đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Kiều Hải

Theo anh Khiêm, trong thời gian tới, HTX sẽ giới thiệu và đưa ra thị trường thêm một số sản phẩm mới từ trà xanh để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng hơn.

Với quy mô sản xuất như hiện tại, HTX đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 6 lao động thường xuyên và 25 – 30 lao động thời vụ tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 6 – 9 triệu đồng/người/tháng.

Anh Khiêm chia sẻ, từ khi thành lập HTX Chè an toàn Khe Cốc đến nay, đời sống và thu nhập của bà con trồng và chế biến chè trong vùng có sự thay đổi và cải thiện rất lớn. Thay đổi lớn nhất là môi trường sống của bà con trở nên trong lành chuyển từ trồng chè theo phương thức truyền thống sang trồng chè theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Bên cạnh đó, từ khi tham gia HTX, bà con được chia sẻ và phổ biến kinh nghiệm trồng chè theo tiêu chuẩn hữu cơ nên giá trị và chất lượng của cây chè ngày càng được nâng lên. Giá sản phẩm trà búp khô trước đây chỉ 100.000 đồng/kg, nhưng đến nay đã tăng lên gấp 3 lần. Đặc biệt từ khi xóm Khe Cốc được công nhận là xóm NTM kiểu mẫu và NTM thông minh, thu nhập của bà trong vùng đã tăng từ 25 – 30 triệu đồng/người/năm lên hơn 100 triệu đồng/người/năm.

Đưa chè sạch xuất khẩu, ông nông dân Thái Nguyên được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc  - Ảnh 6.

Anh Khiêm chia sẻ, nhờ trồng chè an toàn, nhiều bà con trong vùng đã có thu nhập cao hơn trước gấp nhiều lần. Ảnh: Kiều Hải

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2025, vùng chè Khe Cốc sẽ được chuyển đổi hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Với những thuận lợi về điều kiện khí hậu và cảnh quan thiên nhiên sẵn có, hiện HTX Chè an toàn Khe Cốc đang dần định hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với trồng, chế biến chè. Chỉ tính riêng trong năm 2022, HTX đã tiếp đón khoảng 30 đoàn khách từ các tỉnh đến tham quan, trải nghiệm tại vùng chè của HTX cũng như học hỏi kinh nghiệm chế biến chè hữu cơ tại đây.

Ngoài đảm nhiệm chức danh Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc, anh Khiêm hiện còn là trưởng xóm Khe Cốc, luôn tích cực đi đầu trong các phong trào tại địa phương, giúp đỡ bà con trong vùng phát triển kinh tế từ cây chè.

Với những thành tích đạt được, anh Khiêm đã nhận được nhiều bằng khen từ các cấp, ngành địa phương. Năm 2020, anh Khiêm đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam.

Đưa chè sạch xuất khẩu, ông nông dân Thái Nguyên được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc  - Ảnh 7.

Năm 2023, anh Khiêm vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc. Ảnh: Kiều Hải

Bà Trịnh Ngọc Trà – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương đánh giá, anh Tô Văn Khiêm là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu tham gia Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện Phú Lương nhiệm kỳ 2023 – 2028. Với vai trò là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Chè an toàn Khe Cốc, trong thời gian vừa qua, anh Khiêm luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu HTX, có đóng góp lớn trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đặc biệt, anh Khiêm luôn tích cực chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân cho bà con trong vùng, giúp bà con phát triển kinh tế hiệu quả từ cây chè.

Với những thành tích đã đạt được, năm 2023, anh Tô Văn Khiêm vinh dự được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc.