Dân Việt

Cạn vũ khí, Nga, Ukraine đều phải bất đắc dĩ dùng 'cỗ máy' này để tấn công trên bộ

Phương Đăng (theo BI) 23/08/2023 17:45 GMT+7
Tên lửa đất đối không (SAM) vốn là vũ khí phòng thủ quan trọng nhưng các báo cáo cho thấy cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng SAM để tấn công các mục tiêu trên bộ.
Cạn vũ khí, Nga, Ukraine đều phải bất đắc dĩ dùng 'cỗ máy' này để tấn công trên bộ - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine bắn về phía quân Nga. Ảnh iT

Theo Business Insider, tên lửa đất đối không đã được sử dụng rộng rãi trong suốt cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, tấn công máy bay và bảo vệ các thành phố khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa nguy hiểm.

Nhưng dù tên lửa đất đối không hay SAM đã đóng vai trò quan trọng trong các nhiệm vụ phòng thủ, cả Nga và Ukraine đều đang sử dụng SAM cho mục đích sử dụng ngoài ý muốn: tấn công các mục tiêu trên bộ.

Kể từ khi xung đột với Nga nổ ra, các tên lửa SAM thời Liên Xô của Ukraine, như hệ thống Buk và S-300, đã phải chống lại không chỉ máy bay Nga mà còn cả các máy bay không người lái và tên lửa thông thường, và việc phòng thủ này đã phải trả giá.

Các lực lượng Ukraine ngày càng cạn kiệt phần lớn kho tên lửa SAM từ thời Liên Xô và hiện đang phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ cũng như các đối tác NATO khác về khả năng phòng không, như NASAMS, Patriot...

Mặt khác, Nga đã trang bị không chỉ hệ thống phòng không S-300 mà còn cả phiên bản nâng cấp S-400 Triumf mới hơn, đắt tiền hơn và ấn tượng hơn - một hệ thống SAM di động tầm xa. Là bản nâng cấp so với S-300 trước đó, S-400 được đánh giá cao khi có khả năng nhắm mục tiêu và tiêu diệt nhiều máy bay cũng như máy bay không người lái khác nhau, tên lửa hành trình và đạn đạo.

Các báo cáo chỉ ra rằng trong suốt cuộc chiến, cả hai bên tham chiến đều buộc phải áp dụng cách sử dụng mới cho SAM. Mới đây, một bản cập nhật tình báo của Anh cho biết ngày càng có nhiều báo cáo về tên lửa đất đối không của Ukraine tham gia tấn công các mục tiêu trên bộ bên trong lãnh thổ do Nga kiểm soát. Ukraine được cho là đang sử dụng hệ thống phòng không S-200 SAM cũ "như một tên lửa đạn đạo tấn công mặt đất".

Hãng tin TASS mới đây đưa tin, lực lượng phòng không Nga vừa ngăn chặn cuộc tấn công bằng hệ thống S-200 nhằm vào Crimea.

Vài tuần trước vụ việc trên, vào tháng 7, một đoạn video xuất hiện trên mạng cho thấy Ukraine được cho là đã sử dụng S-200 để tấn công một mục tiêu là một nhà máy ở Nga. Không rõ tên lửa đã tấn công mục tiêu có chủ đích hay là độ chính xác kém đã dẫn đến việc nhà máy vô tình bị bắn trúng.

Được phát triển vào những năm 1960, S-200 được trang bị hệ thống radar tìm kiếm thụ động tích hợp, yêu cầu hướng dẫn từ một radar riêng biệt để tấn công chính xác mục tiêu. Về mặt lý thuyết, cũng có thể điều chỉnh tốc độ và hướng theo dõi mục tiêu của hệ thống bên trong tên lửa bằng GPS.

S-300 thì có hệ thống nhắm mục tiêu hợp lý hơn trong khi S-400 có khả năng cao hơn và chính xác hơn. Nhưng S-200 vẫn có thể hữu ích trong tấn công.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga trong những tháng gần đây khi Nga cũng liên tục tấn công Kiev và các thành phố khác của Ukraine hàng ngày. Cả 2 bên tham chiến đều sử dụng số lượng vũ khí cực lớn để cố giành ưu thế trên chiến trường. Khi Kiev ngày càng phục thuộc vào kho vũ khí phương Tây, thì với S-200, Ukraine được cho là có thể tấn công vào bên trong lãnh thổ Nga mà không ngại vi phạm bất kỳ cam kết nào với các đồng minh của họ.