Chị Lê Thị Ngân (35 tuổi, TP.Thủ Đức) cho biết trung bình mỗi ngày chị nhận không dưới 5 cuộc gọi từ nhiều đầu số khác nhau hỏi xem có nhu cầu bán hoặc cho thuê căn hộ mà mình đang ở hay không.
Theo chị Ngân, chị mua căn hộ từ năm 2021 và công trình đã có sổ hồng. Với mục đích sống lâu dài tại đây, chị chưa từng đăng thông tin chào bán hay cho thuê căn hộ nhưng không hiểu sao các môi giới lại có thông tin số điện thoại của mình.
"Các bạn môi giới bất động sản gọi cho tôi bất kể thời điểm nào, kể cả vào giờ nghỉ trưa và buổi tối. Có những lúc tôi đang họp hoặc cho con ngủ cũng bị gọi nên cảm thấy rất phiền hà. Thời gian đầu, tôi còn lịch sự nghe máy và trả lời là không có nhu cầu bán nhà nhưng sau quá nhiều lần như vậy, thấy số lạ gọi đến là không nghe vì sợ bị làm phiền. Tuy nhiên, điều này cũng gây ảnh hưởng đến tôi vì tôi không nghe cuộc gọi từ các số lạ, trong đó lại có một số trường hợp cuộc gọi bị bỏ lỡ là của đối tác hoặc người thân...", chị Ngân cho hay.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh Dũng (kinh doanh điện máy tại quận Gò Vấp) cho biết mình đang cảm thấy rất "stress" vì suốt ngày bốc máy lên để từ chối các cuộc gọi chào mời mua bất động sản.
Anh Dũng cho hay, năm 2018 anh có mua 1 căn hộ tại TP.Thủ Đức và bán liền sau đó 6 tháng để lướt sóng. Tuy nhiên từ đó đến nay, các môi giới liên tục gọi cho anh để giới thiệu các dự án căn hộ lân cận dự án anh đã từng đầu tư.
"Kinh tế khó khăn, tôi không có tiền mua bất động sản nữa nên đã rất nhiều lần từ chối các lời mời mua nhà, đất nền, shophouse... của các môi giới. Tuy nhiên, tôi từ chối người này thì đến người khác gọi điện và giới thiệu lại y chang dự án mà tôi vừa mới từ chối. Riết rồi tôi cảm thấy rất bực mình vì bị làm phiền khi suốt ngày chỉ nhấc điện thoại lên và trả lời mình không có nhu cầu mua nhà", anh Dũng chia sẻ.
Trong khi đó, bà Trần Thu (50 tuổi) cho biết hễ có số lạ gọi tới mà bà nghe máy là y như rằng đầu dây bên kia mời mua nhà đất. Bà Thu cho biết mình trả lời là có nhà ở rồi, không có nhu cầu mua thêm thì phía bên kia lại giới thiệu các sản phẩm đất nền ở Bảo Lộc, Long Thành... khuyến khích bà mua để đầu tư.
"Tôi cảm thấy mệt mỏi, cứ thấy số lạ là không dám nghe. Mỗi lần nghe đầu dây bên kia gửi lời chào rồi giới thiệu đất, nhà là tôi cảm thấy nhức đầu", bà Thu nói.
Thực tế hiện nay, việc tiếp thị, giới thiệu sản phẩm bất động sản qua hình thức gọi điện được rất nhiều môi giới áp dụng. Với khách hàng có nhu cầu, môi giới sau cuộc nói chuyện qua điện thoại sẽ hẹn gặp trực tiếp để tư vấn kỹ hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn khiến áp lực doanh số tăng lên, nhiều môi giới "bất chấp" gọi cho khách vào mọi khung giờ. Cá biệt, một số đơn vị còn dùng hình thức gọi điện bằng tổng đài tự động cho khách hàng.
Theo thống kê của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện nay có khoảng 200 nghìn người hoạt động môi giới bất động sản. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40 nghìn người có chứng chỉ môi giới bất động sản, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản.
Do đó, để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, để người dân thật sự thấy yên tâm khi lựa chọn giao dịch qua môi giới, sàn giao dịch bất động sản thì cần quản lý chặt chẽ hơn nữa những cá nhân hành nghề môi giới bất động sản chính thức tại các sàn giao dịch bất động sản.
Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Lâm - Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, một môi giới bất động sản chuyên nghiệp cần phải được đào tạo bài bản, có định hướng rõ ràng về nghề nghiệp và có kiến thức chuyên môn sâu. Môi giới là nghề cần hội tụ nhiều kỹ năng và phải liên tục học hỏi.
Trong khi đó, cơ chế quản lý chưa chặt chẽ đã khiến những môi giới chuyên nghiệp thêm chông chênh trong nghề còn những môi giới tự phát lại ngày càng nhiều. Nhiều môi giới chỉ vào nghề khi thấy thị trường nóng sốt, khi thị trường lắng xuống thì nghỉ.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho hay hoạt động của sàn giao dịch bất động sản và môi giới phải đảm bảo chuyên nghiệp, kỹ năng hành nghề cao, năng lực hỗ trợ công việc phải đạt chuẩn, văn hóa đạo đức phải thành nguyên tắc không thể vi phạm...
Để những nội dung trên thực sự đi vào cuộc sống, rất cần luật hóa với những quy định ràng buộc chặt chẽ hơn, mạnh hơn về hoạt động của sàn giao dịch và môi giới bất động sản.
Đặc biệt là quy định về vai trò, trách nhiệm của sàn giao dịch trong việc cung cấp thông tin, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư hoặc người mua nhà khi tham gia giao dịch.
Tất cả những người hành nghề tư vấn môi giới cho khách hàng phải hoàn thành đúng, đủ các quy định trước khi hoạt động, trong đó bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề môi giới.
Chứng chỉ này sẽ được mã hóa, số hóa dưới hình thức thẻ hành nghề, hình thành hệ thống thông tin dữ liệu để cơ quan nhà nước quản lý. Người có thẻ sẽ là người giao dịch cuối cùng, xác nhận thông tin cần thiết tư vấn cho khách hàng; mã thẻ sử dụng khi ký hợp đồng sẽ là căn cứ để đánh giá trách nhiệm liên đới khi giao dịch xảy ra vấn đề và như vậy người hành nghề bắt buộc hoạt động nghiêm túc, có uy tín.