Tỉnh Ninh Bình vẫn được biết đến là một điểm đến du lịch nổi tiếng của cả nước, bởi nơi đây sở hữu những khu du lịch có cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy, hữu tình như Vân Long – Kênh Gà, Cúc Phương, Tam Cốc – Bích Động, chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư, Tràng An, nhà thờ Phát Diệm – khu dự trữ sinh quyển thế giới biển bãi ngang cồn nổi Kim Sơn…
Bên cạnh tài nguyên đó là những giá trị nhân văn của vùng đất sinh Vua – sinh Thánh – sinh Thần như lễ hội, ca trù, xẩm chợ Rồng, hát chèo…, các sản phẩm làng nghề như cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc, đá Ninh Vân, thêu Văn Lâm, hoa Ninh Phúc, rau Ninh Sơn, đào phai Tam Điệp…
Điểm thu hút du khách nữa cần được nhắc đến đó là ẩm thực. Ninh Bình là một trong những điểm đến sở hữu nhiều đặc sản ngon, độc lạ như dê núi, cơm cháy Ninh Bình, rượu Kim Sơn, nem Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, miến lươn Phát Diệm, dứa Đồng Giao và đặc biệt là cá tràu tiến Vua – cá rô Tổng Trường…
Cá tràu chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc xã Ninh Hải và Tổng Trường, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Chúng rất khỏe, có khả năng trườn trên đá để trèo lên những điểm cao hơn như khe nước ven lưng chừng đồi, hồ trên núi, thậm chí là những nguồn nước ven các khe đá cheo leo.
Theo người dân địa phương ở đây, cá tràu còn có hai tên gọi khác đó là cá cửng, hay cá trèo đồi. Loài cá này cóc mình tròn, thuộc họ cá quả (cá chuối), sinh sống chủ yếu trong các khe đá. Loài này có tập tính khá đặc biệt. Vào mùa đông, dù nước cạn đến mấy thì chúng cũng gắng đào hang sâu để sinh sống và ăn đất sét vàng có trong hang. Cá tràu ngủ một mạch suốt 3 tháng liền, đợi đến mùa mưa mới bắt đầu xuất hiện.
Tương truyền, khi người dân bắt những loài cá này nấu ăn thấy thịt ngon, ngọt, thơm một cách lạ thường, hơn nữa bắt loài cá này không dễ, chính vì vậy mà người dân ở đây đã tiến Vua và từ đó loài cá này được dành để dâng lên Hoàng cung, nếu tự ăn sẽ bị coi là phạm thượng.
Với tập tính đặc biệt của cá cửng này mà loài cá này đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, năm 2007, Viện Nghiên cứu NTTS 1 phối hợp với Chi cục Thuỷ sản Ninh Bình đã chuyển hơn 1.000 cá tràu giống (120 - 200g/con) cho các hộ nuôi bổ sung, đồng thời thả 3.000 cá tràu, 500 cá rô Tổng Trường vào các đầm tự nhiên trong tỉnh. Sau một năm kiểm tra, cá tràu sinh trưởng và phát triển tốt, đạt trung bình 325g/con.
Theo Th.S Ngô Sỹ Vân, cá tràu bố mẹ thành thục vào đầu tháng 4, mùa vụ sinh sản tập trung từ tháng 5, 6 và tái phát dục vào tháng 7,8. Chi cục Thuỷ sản đã tiếp nhận 120 con cá tràu tiến vua bố mẹ cỡ 0,3 - 0,5 kg/con.
Theo dự án, năm 2009 cá tràu và cá rô Tổng Trường đã được đưa về một số hộ dân đủ tiêu chuẩn cơ sở vật chất, mô hình để nuôi hai loài cá quý hiếm này.
Ngày nay, cá cửng hay còn gọi cá tràu mặc dù chưa có nhiều, nhưng một vài nhà hàng ở xã Ninh Hải, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động vẫn phục vụ du khách món đặc sản này, tuy nhiên không phải mùa nào cũng có.
Cá tràu hay còn gọi cá cửng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như nướng, nấu cháo nhưng đặc sắc và hấp dẫn nhất là đem nấu canh cùng với rau sắng.
Rau sắng hay còn gọi là rau ngót rừng, có lá xanh thẫm, bóng mỡ có vị thơm và ngọt rất đặc biệt, người dân địa phương thường hay nấu rau sắng nấu với cá tràu tạo nên vị thơm, săn chắc của thịt cá. Khi nấu canh, không cần dùng đến gia vị, bởi chỉ riêng vị ngọt của sắng cũng đủ khiến món ăn vương vấn nơi đầu lưỡi.