Tình trạng tận diệt giun đất bằng kích điện vốn đã xuất hiện tại Phú Thọ vài năm nay. Tuy nhiên sau một thời gian tạm lắng do dịch Covid-19, vài tháng trở lại đây, tình trạng này lại tái diễn.
Theo ông Đinh Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Viên (huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ), tình trạng tận diệt giun đất bằng thiết bị kích điện xảy ra rải rác suốt thời gian qua. Chỉ trong vài tháng tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an xã Xuân Viên đã bắt quả tang, thu giữ 5 bộ kích điện đánh bắt giun đất của người dân.
Những bộ kích điện thu giữ có đủ chủng loại, từ đơn giản, rẻ tiền, cho đến hiện đại, công suất cao, có cả màn hình hiển thị thông số. Dù khác nhau về hình thức, nhưng tất cả đều có một đặc điểm chung là do nước ngoài sản xuất và áp dụng nguyên lý xung điện để nâng hiệu điện thế từ 12 vôn lên đến hàng nghìn vôn.
Bên cạnh đó, người dân xã Xuân Viên còn bức xúc về hoạt động sơ chế giun đất không được cấp phép của cơ sở ông Bùi Quốc Trung (trú tại khu 7, xã Xuân Viên) gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường.
Trong buổi làm việc mới đây nhất (ngày 16/8) với đoàn công tác của ngành nông nghiệp huyện Yên Lập và chính quyền xã Xuân Viên, ông Trung thừa nhận, hoạt động tận diệt giun đất bằng kích điện làm đất mất độ ẩm, tơi xốp; cơ sở sơ chế giun đất làm ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường xung quanh.
Do nhu cầu mua bán giun đất trên thị trường sôi động, mang lại thu nhập cao nên cơ sở thu mua, chế biến giun đất của hộ gia đình ông Trung vẫn hoạt động dù đã bị cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng.
Ông Trần Quang Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn thông tin, trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng xuất hiện hoạt động sử dụng kích điện để khai thác giun đất ở một số xã như Khả Cửu, Địch Quả, Thục Luyện, Thắng Sơn, Cự Thắng...
"Đây là hoạt động nguy hại, làm tận diệt giun đất và các vi sinh vật có ích khác trong đất, gây mất cân bằng hệ sinh thái, giảm chất lượng canh tác của tầng đất mặt, gây thoái hóa đất, làm ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển của cây trồng và môi trường. Mặt khác, việc sử dụng kích điện để khai thác giun đất là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của người sử dụng và động vật"- ông Trần Quang Thành nói.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn, để ngăn chặn hoạt động đánh bắt, tận diệt giun đất bằng công cụ kích điện, UBND huyện Thanh Sơn đã yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị tập trung tuyên truyền, làm cho người dân hiểu rõ tác hại và hậu quả nghiêm trọng của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đối với sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, UBND huyện Thanh Sơn đã yêu cầu các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị thu giữ dụng cụ kích điện sử dụng để đánh bắt giun đất; tịch thu giun đất đã đánh bắt trả lại môi trường đất…
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng NNPTNT, Phòng TNMT Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường phối hợp với Công an huyện, xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý triệt để hoạt động đánh bắt giun đất bằng kích điện.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 20 cơ sở thu mua, chế biến giun đất. Trong đó, riêng huyện Yên Lập hiện có tới gần 15 cơ sở. Không chỉ tại huyện Yên Lập mà tình trạng sử dụng kích điện để khai thác giun đất đang diễn ra nhiều tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Thủy...
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để tình trạng tận diệt giun đất bằng thiết bị kích điện trên địa bàn, Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ đã ra văn bản yêu cầu các huyện, thành, thị, cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất và đời sống người dân. Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát địa bàn, vận động người dân đấu tranh, ngăn chặn hành vi hủy diệt giun đất.
Sở NNPTNT tỉnh Phú Thọ cũng chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp tận diệt giun đất bằng kích điện, hóa chất và thu mua, sơ chế theo quy định.