Nạn "giun tặc" hoành hành ở Hòa Bình: Gặp chủ vườn cam 2 lần gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Lê Minh Hoan (Bài 1)

Tuệ Linh - Phạm Hoài Thứ hai, ngày 21/08/2023 18:00 PM (GMT+7)
Trước tình trạng, các đối tượng sử dụng biện pháp kích giun đất bằng điện ngày càng nhức nhối, mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản gửi các sở, ngành, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh về việc ngăn chặn, xử lý. Có một nông dân ở Hòa Bình đã hai lần gửi thư cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan.
Bình luận 0

Hai lần viết thư cầu cứu Bộ trưởng

Nạn "giun tặc" ở Hòa Bình (Bài 1): Chủ vườn cam Cao Phong gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Lê Minh Hoan  - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Anh Tuân – chủ vườn cam rộng hơn 3 ha ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nhiều lần gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Lê Minh Hoan vì nạn "giun tặc" hoành hành. Ảnh: NVCC.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, chúng tôi quay trở lại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để gặp anh Nguyễn Anh Tuân – chủ vườn cam rộng 3ha ở xã Thu Phong, người đã hai lần viết thư cầu cứu gửi Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan để có giải pháp, phối hợp ngăn chặn nạn kích giun đất đã diễn ra ngày càng nhức nhối này.

Tối muộn. Khoảng 21 giờ ngày 15/8, anh Tuân ngồi cạnh quán nước của người bạn ở ven Quốc lộ 6 đợi dẫn chúng tôi lên vườn. Anh Tuân chia sẻ: Giai đoạn gần đây, người dân trồng cam Cao Phong phát hiện vườn cây yếu, vàng lá thối rễ, bệnh greening (bệnh vàng lá gân xanh) chủ yếu là do việc sử dụng kích điện đánh bắt giun.

Bởi, nhiều chủ vườn sau khi xét nghiệm thì nhận thấy tuyến trùng trong đất có rất nhiều, mà tuyến trùng lại là nguồn thức ăn cho giun đất. Khi giun bị kích điện gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái trong đất, các vi sinh vật có hại phát triển làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cam.

Trao đổi với PV Dân Việt về lý do vì sao phải gửi thư cho Bộ trưởng vào lúc tối muộn tại vườn cam của mình, anh Nguyễn Anh Tuân bức xúc: "Nạn dùng máy kích điện đánh bắt giun trên địa bàn huyện Cao Phong đã diễn ra từ những năm 2019 – 2020. Mấy tháng gần đây, tình trạng này ngày càng phổ biến khiến người dân trồng cam điêu đứng và đứng trước nguy cơ mất trắng sau khi đã bỏ ra cả tỷ đồng để chăm sóc. Bất lực trước nạn kích giun này, tôi đã gửi thư tới Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan để có giải pháp, phối hợp ngăn chặn nạn kích giun này".

Nạn "giun tặc" ở Hòa Bình (Bài 1): Chủ vườn cam Cao Phong gửi thư cầu cứu Bộ trưởng Lê Minh Hoan  - Ảnh 2.

Theo anh Tuân, việc sử dụng kích điện đánh bắt giun gây chết vi sinh vật trong đất, tiêu diệt hết giun và hỏng hết rễ tơ, rễ tôm của cây. Ảnh: NVCC.

Anh Tuân cho biết: Ngày 22/7/2023, lần thứ nhất, anh đã gửi thư qua e-mail tới Bộ trưởng với nội dung như sau:

"Kính thưa Bộ Trưởng Lê Minh Hoan!

Cháu là Tuân, suốt 3 năm qua, cháu đồng hành cùng bà con trồng cam tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình để gìn giữ những trái cam ngon, giữ lấy thương hiệu cam Cao Phong.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tệ nạn kích giun đang quá phổ biến khiến người dân trồng cam Cao Phong điêu đứng và đứng trước nguy cơ mất trắng sau khi đã đầu tư rất nhiều tiền của và công sức.

Hậu quả nghiêm trọng của việc kích giun: Gây chết vi sinh vật trong đất, tiêu diệt hết giun và hỏng hết rễ tơ, rễ tôm của cây. Nghiêm trọng hơn, tình trạng này đang diễn ra phổ biến ở toàn miền Bắc.

Hiện, hành vi kích giun chưa có chế tài xử phạt, nếu tình trạng này tiếp diễn, toàn bộ đất đai canh tác sẽ hỏng và ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp. Mong Bộ trưởng sớm hỗ trợ người dân".

Tiếp đó, đến ngày 3/8/2023, chủ vườn cam Cao Phong Nguyễn Anh Tuân tiếp tục gửi thư lần 2 tới "tư lệnh" ngành nông nghiệp:

"Con và người dân trồng cam tại huyện Cao Phong cảm ơn sự quan tâm và chỉ đạo hỗ trợ người dân từ Bộ trưởng. Con đã thấy UBND một số tỉnh, trong đó có UBND tỉnh Hòa Bình có công văn chỉ đạo nạn kích giun. Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất cứ chế tài nào để xử phạt kích giun, đặc biệt mấy ngày mưa gần đây mặc dù đã có công văn từ UBND tỉnh nhưng nạn kích giun diễn biến mạnh hơn, mưa ẩm đất dẫn điện nên kích được nhiều hơn.

Hành vi kích cá, thì đã được quy định tại Luật Thủy sản với hình phạt từ 3 – 5 triệu đồng., còn kích chó đã có xử lý hình sự. Tuy nhiên, kích giun gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại tiền tỷ của người nông dân lại chưa thể xử phạt, dẫn đến tình trạng kích giun trên toàn quốc rồi.

Tất cả các tỉnh đều có người nông dân phản ánh bị kích giun. Người kích trộm giun bị bắt lại được thả ngay, máy kích cũng không tịch thu được mà phải vận động giao nộp, lò sấy giun hoạt động tràn lan. Thậm chí một số nơi, chính quyền làm ngơ hoặc biết nhưng vẫn tạo điều kiện hoạt động.

Hậu quả việc kích giun sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nông sản và sản lượng nông sản của nền nông nghiệp Việt Nam. Đây có thể là một chiêu trò của một số nước với ý đồ cạnh tranh nông sản và thương mại với Việt Nam.

Ngay vườn cam 3,5 ha của con cũng bị kích giun 2 năm trước khiến 1 nửa vườn bị khô hết cành, chết cây, rụng hết không còn quả. Những quả còn sót lại ăn đắng ngắt và không có chất lượng. Đầu tư 8 năm trời, thiệt hại số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trong khi đó, nửa diện tích vườn còn lại không bị kích giun chất lượng rất tốt. Còn đối tượng kích giun sau khi bị phát hiện khai trong 3 ngày kích được 4,5 tạ giun trong vườn…

Qua tìm hiểu của con, tại xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, có tới 24 lò sấy giun đang hoạt động. Các lò sấy giun cung cấp máy, thiết bị và người dân chỉ việc đi kích giun và trả lại tiền thuê máy bằng giun. Giá giun tươi khoảng từ 50.000 – 80.000 đồng/kg, tùy loại; giun khô giá 700.000 đến 1 triệu đồng/kg.

Người dùng xe máy chở giun tới các lò sấy liên tục. Mỗi lò sấy hàng ngày sẽ sấy tầm 2 tạ giun tươi. Đây mới chỉ là một xã nhỏ trong địa bàn mà đã khủng khiếp như vậy.

Nền nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ bị hủy hoại, nông dân sẽ vỡ nợ hàng loạt trên toàn quốc nếu nạn kích giun không được chấm dứt tuyệt đối.

Cần có chế tài phạt kích giun thật nặng và xóa sổ lò sấy giun trái phép để họ không thể hoạt động được. Biện pháp này sẽ triệt tiêu được nạn kích giun tràn lan khắp cả nước như hiện nay.

Con rất mong Bộ sớm có biện pháp chặn đứng càng sớm càng tốt. Những ngày qua, con và những người dân trồng cam Cao Phong không ngày nào ngủ yên giấc, phải thức trắng đêm trông giun tại vườn, ban ngày chăm sóc cam theo hướng hữu cơ để tạo được chất lượng trái cam tốt nhất cung cấp cho thị trường.

Con tha thiết khẩn cầu Bộ trưởng có biện pháp triệt để để cứu nền nông nghiệp đang bị ảnh hưởng vì nạn kích giun, đồng thời cứu người nông dân còn bám được vườn để thoát khỏi vỡ nợ".

Xuyên đêm "mật phục" nạn kích giun trộm

Theo anh Tuân, sau khi nhận được thư, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã có trả lời anh và bà con nông dân, đồng thời kịp thời chỉ đạo, sau đó nhiều tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo. Tuy nhiên, do chưa có chế tài xử lý nên tình trạng "giun tặc" hoạt động ngày càng tinh vi. Vì thế, bên cạnh giải pháp của chính quyền, ngành chức năng, một mặt chính những người nông dân như anh cũng phải trực tiếp "ra tay" để bảo vệ vườn tược của gia đình mình

Nạn "giun tặc" ở Hòa Bình (Bài 2): Thức trắng đêm cùng chủ vườn cam Cao Phong trông vườn - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Anh Tuân – chủ vườn cam ở xã Thu Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) dẫn PV đi tuần vườn và bắt các đối tượng kích giun trộm. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo anh Tuân, thời điểm này, mưa nhiều, đất ẩm, dẫn điện tốt nên khi kích điện giun sẽ lên rất nhiều. Vì vậy các đối tượng đi khắp nơi để thực hiện hành vi kích giun. Việc này khiến những người trồng cam rất vất vả. Ban ngày làm lụng rất mệt mỏi rồi, ban đêm lại phải thức trắng trông vườn.

"Các đối tượng kích giun chủ yếu hoạt động vào lúc nửa đêm, rạng sáng (khoảng 1 giờ sáng), thời điểm này, người dân đang mệt mỏi và nghỉ ngơi. Do vậy, người trồng cam phải đầu tư lắp thêm camera, nuôi thêm chó, chuẩn bị các loại phân bón kích rễ...", anh Tuân nói.

Nạn "giun tặc" ở Hòa Bình (Bài 2): Thức trắng đêm cùng chủ vườn cam Cao Phong trông vườn - Ảnh 2.

Những con giun đất tại vườn cam của anh Tuân. Ảnh: Tuệ Linh.

Theo anh Tuân, để bảo vệ diện tích 3,5ha cam của gia đình, anh phải đầu tư cột sắt và lắp gần 20 chiếc camera, với chi phí hơn 30 triệu đồng.

Gọi điện dễ bị lộ thông tin khiến các đối tượng bỏ trốn nên vào buổi tối các chủ vườn chỉ nhắn tin cho nhau thông qua nhóm Zalo để phân công nhiệm vụ, cắt cử người theo dõi đi tuần trong vườn và tại các ngã ba.

Nói xong, anh Tuân dẫn chúng tôi lên vườn cam hơn 3,5ha của mình. Di chuyển đến lán tại vườn, anh Tuân đi ủng, khoác lên mình bộ trang phục làm vườn, cùng với đèn pin đội đầu chiếu sáng và mang theo 1 tuýp sắt phòng thân.

Nạn "giun tặc" ở Hòa Bình (Bài 2): Thức trắng đêm cùng chủ vườn cam Cao Phong trông vườn - Ảnh 3.

Anh Tuân đầu đội đèn pin, đi ủng, tay cầm dụng cụ đi tuần vườn để chống nạn kích giun trộm trái phép. Ảnh: Tuệ Linh.

Anh Tuân chia sẻ thêm: Vào ban đêm, chúng tôi khi đi kiểm tra đều phải hết sức cảnh giác bởi những đối tượng kích giun đều mang theo vũ khí như dao, gậy,... để chống lại chủ vườn khi bị phát hiện. Đối diện với các đối tượng này rất nguy hiểm, nên mình cũng phải chuẩn bị các phương án phòng vệ để đảm bảo an toàn.

Bên ngoài, tiếng giun dế kêu nỉ non khắp vườn, cảm giác như chúng đang kêu cứu vì lòng tham của con người, khi mà tự dưng chúng bị dòng điện từ 4.000 – 5.000V phóng xuống đất tước đoạt đi sự sống của chúng.

Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, anh Tuân đưa chúng tôi đi tuần hết vườn cam của mình. Lúc sau có người bạn của anh Tuân phóng xe máy lên vườn. Hai anh em trao đổi thì thầm với nhau, rồi dẫn chúng tôi đi xuống các ngã ba cách vườn khoảng 2km.

Nạn "giun tặc" ở Hòa Bình (Bài 2): Thức trắng đêm cùng chủ vườn cam Cao Phong trông vườn - Ảnh 4.

Anh Tuân và bạn trao đổi với nhau trước khi phân công nhau đi tuần. Ảnh: Tuệ Linh.

Khi đến nơi, anh Tuân và người bạn của anh tắt đèn xe máy, đèn pin và ngồi im để nghe ngóng xem và quan sát xem có trường hợp người dân đi kích giun trộm không.

Trong cả quá trình ngồi "mật phục" tại khu vực ngã ba, anh Tuân ngồi nép vào cây cỏ bên đường để tránh người đi xe máy phát hiện ra mình. Đồng thời, sử dụng Zalo để liên hệ với các chủ vườn khác nắm bắt tình hình, nếu có người kích trộm giun thì bảo nhau đi bắt.

Theo ghi nhận của PV, khoảng 2 - 3 giờ sáng có rất nhiều chiếc xe máy di chuyển từ hướng huyện Kim Bôi về huyện Cao Phong. Theo anh Tuân, đây chính là các đối tượng đang di chuyển để kích trộm giun.

Đến khoảng gần 5 giờ sáng, anh Tuân bảo: Buổi sáng, ngời dân đi lại nhiều nên bọn kích giun không dám vào vườn trộm giun nữa. Sau đó, anh Tuân quay trở về lán nhỏ trên vườn cam nghỉ ngơi, còn chúng tôi di chuyển về thành phố Hòa Bình.

Thức trắng một đêm cùng người dân trồng cam Cao Phong canh giữ vườn và bắt "giun tặc" mới thấy được sự vất vả của người dân nơi đây. Ban ngày, người dân bỏ công sức chăm sóc cam; ban đêm, thời điểm để nghỉ ngơi lấy lại sức thì người dân lại phải thức trắng đêm trông vườn. Thậm chí, có người còn bị ốm do không được ngủ đủ giấc.

Trên đường trở về thành phố Hòa Bình, chúng tôi trăn trở câu nói của anh Tuân, "Tình trạng kích giun đã gây nên sự mâu thuẫn nội bộ tình làng nghĩa xóm. Vì lợi nhuận nên có nơi cả làng, cả xóm đi kích trộm giun. Việc làm bất chính này của một bộ phận người dân gây ảnh hưởng rất lớn đến những người dân trồng cam chân chính. Mặt khác, người dân bây giờ đổ xô đi kích giun nên các chủ vườn rất khó khăn trong việc thuê lao động làm vườn. Mà làm nông nghiệp không thuê được lao động thì vườn cam sẽ tự chết".

Tương tự vườn cam của anh Tuân, anh Nguyễn Thọ Thể - chủ vườn cam thị trấn Cao Phong cho biết: Trước tình trạng kích giun đang phức tạp, để bảo vệ vườn cam, gia đình cũng phải bỏ thêm chi phí đầu tư mua camera. Đồng thời, phân công anh em làm vườn gần nhau thức trắng để trông vườn và bắt các đối tượng kích giun.

Theo anh Thể, chiều ngày 19/8, một số trường hợp đã đóng giả người đi câu tại một hồ nước cạnh vườn. Những trường hợp này lấy danh nghĩa đào giun câu cá để thăm dò và sẽ hành động vào buổi tối.

Nắm bắt được ý đồ của những trường hợp này, anh Thể sử dụng Zalo liên hệ với những chủ vườn khác để mật phục. Đến khoảng 3 giờ sáng ngày 20/8, nhóm anh Thể phát hiện có ánh đèn lấp ló. Tuy nhiên, lúc này, trời bỗng đổ mưa lớn nên nhóm anh Thể phải về nhà trú mưa.

Không ngoài dự đoán, đến khi trời sáng anh Thể đi kiểm tra phát hiện nhiều dấu chân còn mới trong vườn. Nghĩa là các đối tượng này, kích giun ngay cả trong lúc trời mưa to.

Chế tài xử lý đối với hành vi dùng máy kích điện tận diệt giun đất

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, hành vi dùng kích điện để đánh bắt giun đất tự phát là hành vi vi phạm pháp luật, hủy hoại đất.

Bởi vậy, tùy vào mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà người dùng xung kích điện để đánh bắt giun tự phát có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông Cường phân tích, theo khoản 25, Điều 3, Luật đất đai năm 2013 quy định, hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định.

Hay nói cách khác, hủy hoại đất là hành vi làm mất đi giá trị ban đầu của đất, khiến đất không còn đảm bảo chất lượng như trước nữa. Hành vi hủy hoại đất là hành vi bị cấm theo quy định tại khoản 1, Điều 12, Luật đất đai năm 2013.

Hành vi hủy hoạt đất mang đến những hậu quả tiêu cực cho đất đai, ảnh hưởng tới môi trường sống của sinh vật và cây trồng.

Cụ thể như sau: Hủy hoại đất đai khiến cho đất đai mất đi giá trị ban đầu, giá trị về thổ nhưỡng cho sản xuất nông, lâm nghiệp không còn được đảm bảo; Hủy hoại đất đai khiến mục đích sử dụng của đất không còn được duy trì sử dụng theo trạng thái ban đầu.

Những khu đất rừng hoặc đất sản xuất nông nghiệp có thể không còn sử dụng để trồng trọt được nữa hoặc kém năng xuất, kém hiệu quả do bạc màu, phong hoá...; Hủy hoại đất đai khiến con người không khai thác được nguồn tài nguyên quý giá vốn có trong đất, có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là với người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp…

Từ phân tích trên, vị chuyên gia cho biết, hủy hoại đất đai là hành vi vi phạm pháp luật, mang đến những hậu quả nặng nề cho công tác quản lý đất đai của nước ta.

Do đó, tùy tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất có thể bị phạt tiền từ 2 đến 150 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính Phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Ngoài mức xử phạt nêu trên, người vi phạm còn bị buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành, Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định tại Luật đất đai nếu người vi phạm là chủ sử dụng đất.

Trong khi đó, đối với đơn vị bán kích điện cho người dân để bắt giun cũng có thể bị xem xét xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn lậu, mua bán hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, nhập khẩu trái phép hàng hóa qua biên giới... tuỳ thuộc từng hành vi cụ thể.

Ông Cường cho biết thên, các máy xung kích điện để bắt giun phần lớn có nguồn gốc sản xuất từ nước ngoài, bởi vậy cơ quan chức năng cần làm rõ đơn vị nhập khẩu, bán các loại máy này có thực hiện thủ tục nhập khẩu, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định pháp luật hay không.

Trường hợp có hành vi vi phạm quy định về nhập khẩu, kinh doanh trái phép, tùy vào tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự với chế tài nghiêm khắc.

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem