Dân Việt

"Nỗi buồn" của CC1 dù "trúng" loạt gói thầu sân bay Long Thành

Khánh Ly 28/08/2023 10:02 GMT+7
Tuần trước, Liên danh Vietur chính thức trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành hơn 35.000 tỷ đồng đã giúp CC1 nâng tổng giá trị các gói thầu tham gia lên đến 104.000 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2023, ước tính giá trị các gói thầu CC1 đã trúng cùng các liên danh hơn 50.000 tỷ đồng.

CC1 liên tiếp trúng hàng loạt gói thầu trọng điểm quốc gia

Thống kê lịch sử đấu thầu từ năm 2013 cho thấy, Tổng công ty Xây dựng số 1 – CTCP (UPCoM: CC1) đã từng đã tham gia 61 gói thầu, trong đó trúng 46 gói, trượt 14 gói, 1 gói chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ. Đa phần, CC1 trúng thầu đóng vai trò doanh nghiệp liên danh với tổng giá trị gói thầu hơn 104.000 tỷ đồng. Tại Đồng Nai, doanh nghiệp trúng 12 gói thầu, chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Từ đầu năm 2023 đến nay, CC1 dự thầu 9 gói, trượt 1 gói, tổng trị giá hơn 53 nghìn tỷ đồng. Gần đây nhất, ngày 24/8, ACV vừa có thông báo liên danh Vietur (bao gồm CC1) trúng gói thầu 5.10 sân bay Long Thành giai đoạn 1 trị giá hơn 35.000 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, gói thầu 5.10 sân bay Long Thành là gói thầu có giá trị lớn nhất CC1 đã trúng.

Bên cạnh gói thầu 5.10 sân bay Long Thành, từ đầu năm 2023 đến nay, loạt dự án đầu tư công nổi bật CC1 đã trúng như: 4 Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 với tổng giá trị lên tới 19.430 tỷ đồng gồm liên danh triển khai Dự án cao tốc thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang Gói XL01; Dự án cao tốc thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau Gói XL03; Dự án cao tốc thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh Gói 11-XL…

Báo cáo tài chính quý II/2023 cũng hé lộ, CC1 đang triển khai Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng – Thái Bình (phương thức PPP với giá trị 1.810,8 tỷ đồng); Dự án nhà máy Điện Gió Hàm Kiệm – Bình Thuận (76,7 tỷ đồng); công trình Bệnh viện Đa khoa Bình Dương 1.500 giường (114,3 tỷ đồng),…

Vừa qua, CC1 đã cùng các đối tác trong liên danh trúng thầu 2 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm đoạn Cần Thơ – Hậu Giang với giá trị hơn 7.555 tỷ đồng và đoạn Vân Phong – Chí Thạnh với giá trị là 7.823 tỷ đồng. Đồng thời, trong cuối năm 2022, CC1 cũng liên tiếp trúng thầu 2 dự án trọng điểm tại tỉnh Đắk Nông là Dự án Quảng trường Trung tâm thành phố Gia Nghĩa với tổng mức đầu tư dự án là 400 tỷ đồng và Dự án nâng cấp Bệnh viện Đa khoa với giá trúng thầu là 712 tỷ đồng.

Đây được xem là cột mốc tăng trưởng đầy ngoạn mục của CC1 trước bối cảnh nền kinh tế thị trường và thủ tục cấp phép còn nhiều bất cập.

Nguyễn Văn Huấn, Chủ tịch CC1, Báo cáo thường niên năm 2022

Riêng trong quý III/2023, CC1 nằm trong liên danh trúng gói thầu số 12 thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 thuộc Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trị giá 9.034 tỷ đồng. Ngày 17/8, CC1 tiếp tục nằm trong liên danh trúng gói thầu số 21 trị giá hơn 1.400 tỷ đồng, thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1.

"Nỗi buồn" của CC1...

Báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, dù đã tiết giảm các chi phí nhưng CC1 báo lãi trước thuế 18,9 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 5,8 tỷ đồng, lần lượt giảm 49,7% và 80,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, dù nắm trong tay nhiều gói thầu lớn, trọng điểm của quốc gia nhưng dường như CC1 ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng không tương xứng.

Dữ liệu từ quý I/2021 tới nay cho thấy, doanh thu thuần của CC1 luôn duy trì trong khoảng từ 1.100 – 1.700 tỷ đồng/năm. Duy nhất có quý IV/2022, CC1 ghi nhận kết quả doanh thu khởi sắc nổi bật, đạt 2.604,8 tỷ đồng. Dù vậy, CC1 không giữ được đà tăng, ngay lập tức lao dốc còn 545,8 tỷ đồng tại quý I/2023 (giảm 80%) và phục hồi lên mức 1.236 tỷ đồng vào quý II/2023 (tăng 126,5% so với quý liền kề).

Trong 10 quý gần nhất, CC1 ghi nhận lợi nhuận biến động mạnh. Nếu tính tăng trưởng so với quý liền kề, CC chỉ tăng ở quý IV/2021 và quý IV/2022, lần lượt đạt 487,6 tỷ đồng và 189,5 tỷ đồng; những quý còn lại đều ghi nhận lợi nhuận đi lùi. Biên lợi nhuận gộp các quý này đều từ 4 - 10%, ngoại trừ quý IV/2021.

"Nắm" loạt gói thầu trọng điểm quốc gia, liệu bức tranh lợi nhuận CC1 có tương xứng với doanh thu? - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh từ năm 2021- nay (chỉ tiêu quý, tỷ đồng). Nguồn: Tổng hợp BCTC.

CC1 giải trình kết quả kinh doanh "kém sắc" do ghi nhận khó khăn chung của toàn ngành xây dựng, bên cạnh đó do giá vốn, cụ thể là giá vật liệu xây dựng thời gian qua liên tục tăng cao.

Thực tế, từ đầu năm 2021, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn khi lạm phát tăng cao, giá vật liệu thành phẩm nhảy vọt so với giai đoạn trước. Theo công bố Chỉ số giá xây dựng quốc gia của Bộ Xây dựng, chỉ số giá xây dựng tăng 5,4% so với năm 2020 và nguyên nhân chủ yếu do tác động của giá thép xây dựng nhảy vọt. Sang năm 2022, chỉ số này ở mức tăng 4,9% so với năm 2021 và tăng 11,1% so với năm 2020.

Giá thép đã tăng vọt trong năm 2021 trong đó giá thép cán nóng tăng hơn 4 lần, và giá thép tăng gần 100%. Không chỉ giá thép tăng, giá mỏ đất, cát cũng tăng vọt.

"Nỗi buồn" của CC1 dù "trúng" loạt gói thầu sân bay Long Thành - Ảnh 3.

Nguồn: tradingeconomics.com

Ở thời điểm kết thúc quý II/2023, CC1 ghi nhận tổng cộng tài sản ở mức 14.415,4 tỷ đồng, giảm 7,5% so với số tại ngày đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 12,4% còn 9.190 tỷ đồng. Tài sản dài hạn tăng 2,6% lên 5.225,3 tỷ đồng.

Tính tới cuối quý II/2023, vay và nợ thuê tài chính của CC1 ở mức 6.628 tỷ đồng, chiếm tới 64% nguốn vốn. Trong đó, tổng dư nợ trái phiếu của CC1 là 2.650 tỷ đồng. Đây là khoản nợ từ 3 mã trái phiếu phát hành cuối năm 2021 với kỳ hạn 3 năm, sẽ đáo hạn vào cuối năm 2024. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, lãi suất phát hành là 10%/năm.

Kể từ giữa tháng 7/2023, trong khi chờ đợi ACV công bố trúng thầu chính thức, cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng này đã có nhiều biến động mạnh, nhiều phiên tăng kịch trần. Chốt phiên giao dịch ngày 25/8, cổ phiếu CC1 ở mức 23.100 đồng/cổ phiếu, tăng 33,5% trong tháng và 108,1% xét trong quý.