Thị trường gạo thế giới tiếp tục đón thêm một tin gây sốc khi Chính phủ Ấn Độ quyết định áp đặt mức thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu. Mức thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài đến ngày 16/10 tới.
Quyết định trên được Bộ Tài chính Ấn Độ thông báo tối 25/8 nhằm kiểm soát tình trạng giá gạo tăng trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước.
Với biện pháp mới này, Ấn Độ hiện đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo không phải là basmati, vốn chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này.
Việc áp đặt thuế suất 20% đối với gạo đồ xuất khẩu có thể sẽ đẩy giá loại gạo này lên cao hơn nữa trên thị trường thế giới.
Với mức thuế mới nhất, gạo đồ Ấn Độ sẽ trở nên đắt đỏ tương tự gạo từ Thái Lan và Pakistan. Người mua hiện nay hầu như không có lựa chọn nào khác.
Đại lý có trụ sở tại Mumbai chỉ ra, giá gạo toàn cầu đã bắt đầu bình ổn hơn trong vài ngày qua sau khi đã tăng hơn 25% do các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ vào tháng trước. Tuy nhiên, giá dự kiến sẽ tăng trở lại sau động thái này.
Trước đó, có thông tin cho rằng, Myanmar cũng tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày, kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng cao. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Myanmar là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với hơn 2 triệu tấn mỗi năm.
Hồi tháng 7/2023, chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm. Diễn biến này là vì giá ở các nước xuất khẩu gạo chủ chốt tăng vọt do nhu cầu mạnh mẽ sau khi Ấn Độ áp đặt các hạn chế xuất khẩu.
Hiện, giá gạo Việt Nam vẫn giữ ở mức cao nhất thế giới. Theo đó, gạo 5% tấm đạt 638 USD/tấn, trong khi gạo 5% tấm của Thái Lan là 628 USD/tấn.
Những động thái mới trên thị trường thế giới đã khiến giá lúa gạo trong nước có chiều hướng tăng. Theo đó, giá lúa gạo hôm nay 28/8 tại An Giang đã tăng 200 đồng/kg.
Cụ thể, lúa Đài thơm 8 có giá trong khoảng 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Giá lúa OM 18 trong khoảng 8.000 - 8.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Lúa Nàng Hoa 9 có giá trong khoảng 8.000 - 8.400 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg.
Trong khi đó, lúa IR 50404, OM 5451 được thương lái thu mua với giá trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg. Lúa Nhật có giá 7.800 - 8.000 đồng/kg.
Còn trên địa bàn tỉnh Long An, theo chia sẻ của nông dân, giá lúa liên tục phá vỡ “kỷ lục” trong hơn 10 năm trở lại đây, thương lái đến tận ruộng đặt cọc mua lúa với giá tăng cao từ 1.000-2.000 đồng/kg so cùng kỳ làm nông dân phấn khởi.
Tại Cần Thơ, mặc dù chưa bước vào thu hoạch nhưng hầu hết diện tích lúa thu đông của thành phố hiện nay đã được thương lái hoặc doanh nghiệp đặt cọc mua trước.
Hiện giá lúa tươi được thương lái và các doanh nghiệp đặt mua từ 7.500 - 8.000 đồng/kg, tùy từng loại giống, cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 1.700 đến 2.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay trong vụ lúa thu đông tại thành phố Cần Thơ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, động thái mới của Ấn Độ và thông tin Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ ảnh hưởng tới giá loại lương thực này trên thị trường thế giới nhưng giá gạo Việt Nam khó có thể tăng thêm vì hiện tại giá gạo của Việt Nam đang ở mức rất cao so với ngưỡng người tiêu dùng thế giới có thể chấp nhận.
Ở tình thế hiện tại, các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng.