Nông dân ĐBSCL bán lúa non trước "bão" giá gạo tăng: Lúa mới cấy được 1 tháng, đã có "cò" đến cọc tiền cả ruộng
Nông dân ĐBSCL bán lúa non trước "bão" giá gạo tăng: Lúa mới cấy được 1 tháng, đã có "cò" đến cọc tiền cả ruộng
Huỳnh Xây
Thứ hai, ngày 14/08/2023 06:15 AM (GMT+7)
Trước việc giá lúa và giá gạo liên tục tăng trong thời gian qua, ghi nhận của Dân Việt cho thấy, tình trạng thu mua "lúa non" đúng nghĩa ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất sôi động. Có những hộ, mới cấy lúa được 1 tháng, đã có "cò lúa" đến cọc tiền cả ruộng. Chưa bao giờ cây lúa có giá như bây giờ...
Mới nhận tiền cọc được 1 tuần, giá lúa đã tăng 700 đồng/kg, nông dân "lỗ" 700 đồng
"Tôi vừa bán lúa non và đã lỗ 700 đồng/kg" - ông Nguyễn Văn Như (66 tuổi) ở ấp 4A, thị Trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang trao đổi với phóng viên Dân Việt.
Nông dân thông tin về việc bán lúa non. Video: Huỳnh Xây
Ông Như kể, vụ lúa thu đông 2023 này, ông gieo sạ lúa OM 5451. Khi cây lúa được 1 tháng tuổi, ông đã bán lúa non khi "cò lúa" đến nhà đề nghị mua. Hiện nay, lúa thu đông của ông đã được 40 ngày tuổi.
Lúc bán lúa non, ông Như được "cò lúa" để cọc 300.000 đồng/1.000m2 (công). Hơn 2ha lúa của gia đình, ông nhận cọc 7,5 triệu đồng.
Để nhận được tiền cọc, ông Như được cò lúa thoả thuận mua với giá 6.700 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường, giá lúa tăng đến 7.400 đồng/kg. Vì vậy, ông Như vô cùng tiếc nuối. Theo ông, như vậy mỗi kg ông bị "lỗ", thực chất là thiệt mất 700 đồng.
Rời khỏi ruộng lúa của ông Như, phóng viên Dân Việt tiếp tục tìm đến đến ruộng lúa ông Ngô Văn Giỏi (người dân địa phương gọi là Tám Giỏi; 68 tuổi) ở cùng ấp 4A, thị Trấn Bảy Ngàn, huyện châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thì được biết, cách nay 10 ngày, ông đã nhận cọc của "cò lúa" với giá 7.000 đồng/kg.
Ông Giỏi bán "lúa non" khi cây lúa được 1 tháng tuổi. Lúc này, ông Giỏi không nghĩ, giá lúa tăng tiếp tục. Tuy nhiên, chỉ sau khi bán 10 ngày, giá lúa đã vượt khỏi con số 7.000 đồng/kg.
Hiện ượng "cò lúa" đến mua lúa của bà con nông dân khi mới được 1 tháng không còn phải là hiếm, thậm chí có nhiều người còn nói, với tình hình này, khéo mới... sạ đã có người đến đặt cọc mua. Đơn cử như nhà chị Nguyễn Thị Mỹ Linh ở ấp 6B, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có 1ha lúa OM 5451 được gieo sạ cách nay 1,5 tháng của cũng đã được bán lúa cho thương lái cách nay 2 tuần.
Chị Linh bán "lúa non" vì thương lái đặt tiền cọc với mức giá 6.800 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các vụ lúa trước đó. Cũng như ông Như và ông Giỏi, chị Linh tiếc nuối vì hộ dân khác mới nhận cọc cách nay vài ngày với mức giá 7.400 đồng/kg.
Thỏa thuận luôn bất lợi cho nông dân: Giá giảm phải giảm, giá tăng không được tăng
Ông Như cho biết, hợp đồng miệng mua bán lúa non giữa ông và "cò lúa" thực chất không bền vững, ông biết rõ điều này nhưng vì ruộng kế bên của ông đã bán, ông đành bán theo. Khi thu hoạch, không cần phải đi tìm "cò lúa" hay thương lái.
"Nếu không bán cho "cò lúa" này cũng rất khó để bán cho "cò lúa" khác. Bởi các doanh nghiệp hoặc thương lái ở nơi khác đến địa phương mua lúa đều mua thông qua "cò lúa" này" - ông Như nói.
Ông Như dự định, đến khi thu hoạch lúa thu đông, nếu mức giá vẫn ở mức hiện tại hoặc cao hơn, ông sẽ xin "cò lúa" tăng thêm giá mua "được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nếu không được cũng đành chịu". Trong khi đó, ông biết rõ, nếu giá lúa giảm, ông phải chịu thiệt, bằng cách hạ giá bán dưới 6.700 đồng từ hợp đồng miệng đã thoả thuận.
"Nếu giá giảm xuống thấp, người bán lúa như tôi phải hạ giá bán, nếu không hạ, "cò lúa" sẽ bỏ cọc, rất khó kiếm người khác để bán" - ông Như thông tin.
Về lý do tại sao bán lúa non, ông Giỏi cho hay, vụ thu đông 2023, ông gieo sạ 1ha lúa, do nhiều hộ dân có diện tích lúa nhiều ở cạnh ruộng ông đã bán nên ông phỉa bán theo, bởi cuối vụ sẽ không có thuơng lái khác đến thu mua.
Hơn nữa, ở địa phương ông đang trồng lúa, đa số nông dân bán lúa qua "cò lúa". Những người này sẽ ăn tiền chênh lệch ở "đầu công (1 công lúa sẽ được thương lái chia lại lợi nhuận bao nhiêu tiền - PV)" hoặc theo "đầu tấn". Do vậy, đầu ra của việc trồng lúa phải luôn phụ thuộc vào các "cò lúa" như thế.
Ông Giỏi cũng cho biết, sẽ xin "cò lúa" cho thêm 100 đồng/kg nếu giá lúa tăng thêm 200 đồng/kg so với mức giá thoả thuận khi bán lúa non.
Tương tự ông Như và ông Giỏi, chị Linh cho biết, ở ấp 6B - nơi chị sinh sống và trồng lúa chỉ có 2 thương lái thu mua lúa cho bà con nông dân. Vì thế, nếu không nhận cọc trước thì lúc lúa thu hoạch không biết bán cho ai.
Theo chị Linh, đa số bà con nông dân ở xã Tân Hòa đều bán lúa non cho thương lái, khi nhận tiền cọc đồng nghĩa tới khi thu hoạch, giá lúa lên cao hay xuống thấp, nông dân đều bán đúng theo mức giá đã thỏa thuận ban đầu.
VÌ SAO "SỐT" GIÁ LÚA GẠO?
Hiện tượng giá lúa gạo liên tục tăng giá trong thời gian qua là do tác động từ việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, trong khi đây là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo là do hiện tượng Elnino đã tác động tiêu cực đến sản xuất lúa gạo của nước đông dân nhất thế giới này. Trước tình hình đó, Thủ tướng đã có chỉ thị về việc tăng cường xuất khẩu gạo, giữ vững đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Hiện cả Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương đều khẳng định Việt Nam có đủ gạo để xuất khẩu với mức từ 7,5-8 triệu tấn trong năm 2023 này, trong khi vẫn đảm bảo nhu cầu gạo trong nước. Bộ NNPTNT cũng có kế hoạch tăng thêm 50.000ha lúa thu đông ở ĐBSCL để tranh thủ thời cơ, nhằm tạo điều kiện cho người nông dân có thu nhập tốt vào thời điểm này. Giá gạo trong nước thời gian qua cũng tăng từ 1.000 đồng/kg trở lên, song chưa tác động đến nhiều các mặt hàng tiêu dùng chế biến từ gạo, cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.