Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản của Campuchia, trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu các loại của quốc gia này đạt 4.300 tấn, giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái, rrong ASEAN, Việt Nam là nước mua hồ tiêu lớn nhất của Campuchia.
Nguyên nhân xuất khẩu hồ tiêu của Campuchia sụt giảm chủ yếu là do suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến việc giảm các đơn đặt hàng đối với hàng hóa, bao gồm cả hồ tiêu. Sự bất định của thị trường, cộng thêm sự biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cây trồng.
Liên đoàn hạt tiêu và gia vị Campuchia (CPSF) cho biết, các thị trường mới rất quan trọng đối với hồ tiêu Campuchia vì điều này sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trồng và xuất khẩu tiêu sang các nước khác ngoài thị trường Việt Nam.
Là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhưng Việt Nam vẫn phải nhập một lượng hồ tiêu đáng kể. Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), Việt Nam đã nhập khẩu 2.198 tấn hồ tiêu trong tháng 7/2023, tính từ đầu năm đến hết tháng 7, Việt Nam đã nhập khẩu 17.281 tấn hồ tiêu các loại (trong đó tiêu đen đạt 16.225 tấn, tiêu trắng đạt 1.056 tấn). Brazil, Indonesia, Campuchia là những quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 7 đạt 15.275 tấn, trị giá 56,9 triệu USD, lũy kế khối lượng hồ tiêu xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm đạt 167.922 tấn, tăng 25.697 tấn, tức tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại giảm 15,4%, xuống còn 540,2 triệu USD.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong tháng 7 đạt 3.731 USD/tấn, tăng 3,2% so với tháng trước và là mức giá cao nhất trong 9 tháng trở lại đây. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu đạt 3.217 USD/tấn.
Trong tháng 7, xuất khẩu hồ tiêu sang các thị trường tiêu thụ chính như Trung Quốc, Mỹ, UAE… đều giảm so với tháng trước.
Với riêng thị trường Trung Quốc, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường này trong tháng 7 đạt 1.958 tấn, giảm 53,4% so với tháng trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 2 đến nay.
Mặc dù xuất khẩu 2 tháng gần đây sang thị trường Trung Quốc có giảm nhưng tính chung 7 tháng Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đạt 52.327 tấn, chiếm 31,1% thị phần xuất khẩu và tăng 665% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của VPSA, năm 2021-2022 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng nhập khẩu Hồ tiêu của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.
Sau khi mở cửa trở lại, Trung Quốc đã nhập khẩu kỷ lục hồ tiêu từ Việt Nam, chính yếu tố này đã đẩy giá tiêu đi lên trong những tháng đầu năm mặc dù nhu cầu tại các thị trường lớn khác như Mỹ và châu Âu vẫn yếu.
Hiện lượng hàng Trung Quốc mua có thể đã đủ dùng trong nước trong ngắn hạn nên việc mua hàng trong thời gian tới có thể sẽ bị giảm, làm cho giá hồ tiêu khó tăng trở lại, cộng thêm việc Indonesia và Brazil đang bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Với lượng xuất khẩu hồ tiêu 7 tháng vừa qua cho thấy lượng hàng năm nay không còn nhiều, dự kiến hết tháng 8 có thể sẽ xuất khẩu hết sản lượng năm 2023, vì vậy có thể hy vọng có tác động tích cực tới thị trường trong các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, dự báo của Ngân hàng Thế giới đối với một số nền kinh tế như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc có triển vọng tích cực vào cuối năm nên sức mua hồ tiêu và gia vị của các thị trường này sẽ khởi sắc trở lại. Điều này cũng có thể tác động đến giá cả từ đây đến cuối năm.
Trong xu thế lo ngại chung của tình hình lương thực thế giới nhiều khả năng sẽ thiếu, Ấn Độ đã đưa ra hạn chế cấm xuất khẩu gạo, Nga tuyên bố rút khỏi thoả thuận biển Đen cũng là tín hiệu hỗ trợ cho thị trường nông sản nói chung và gia vị thế giới nói riêng.
Các chuyên gia dự báo, thị trường sẽ không có biến động mạnh trong ngắn hạn do tồn kho còn lại ở các nước sản xuất, đặc biệt là ở Việt Nam cũng như ở các nước tiêu thụ, sẽ giúp ổn định giá cả thị trường. Dự kiến trong thời gian tới, nguồn nguyên liệu mới sẽ liên tục được đưa vào thị trường, với vụ thu hoạch ở miền nam Brazil và Indonesia.
Về dài hạn, giá tiêu nhiều khả năng sẽ tăng khi nguồn cung tại các nước tiêu thụ chính như Mỹ và EU cạn dần sau nhiều tháng nhập khẩu dưới mức trung bình. Lạm phát tại nhiều quốc gia đang có xu hướng hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng cũng bắt đầu tăng trở lại.
Về phía cung, sự phát triển của El Nino cùng với hoạt động đầu cơ của người trồng tiêu và các trung gian thị trường sẽ là những yếu tố quyết định ảnh hưởng đến cân đối cung cầu.