Dân Việt

Chuyển thủy lợi phí sang giá ở Bình Dương, các công trình thủy lợi... xuống cấp

Nguyên Vy 04/09/2023 06:31 GMT+7
Sau hơn 5 năm, việc chuyển từ thủy lợi phí sang giá còn bất cập ở nhiều địa phương, trong đó có Bình Dương. Hiệu quả từ các công trình thủy lợi phục vụ nông nghiệp đang giảm sút.

Công trình thủy lợi xuống cấp

Bắc Tân Uyên là một trong những địa phương dẫn đầu về năng suất, chất lượng cây ăn quả có múi của tỉnh. Với diện tích cây có múi gần 2.000ha, nhiều diện tích trồng cây có múi cho thu nhập cao từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Đặng Văn Lượng - Trưởng trạm Thủy nông huyện cho biết, hệ thống công trình thủy lợi, trạm bơm là một trong những thế mạnh giúp nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên phát triển. Trên địa bàn huyện có 8 công trình thủy lợi, gồm 2 hồ chứa (Đá Bàn - Suối Sâu, Dốc Nhàn) và 6 trạm bơm, cùng hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71km, với tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789ha.

Chuyển thủy lợi phí sang giá: Cản trở hiệu quả các công trình thủy lợi - Ảnh 1.

Công trình hồ thủy lợi Đá Bàn là một trong những công trình trọng điểm của huyện Bắc Tân Uyên. Ảnh: Nguyễn Vy

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh Bình Dương hiện có 38 công trình thủy lợi, đê điều, hạ tầng kỹ thuật thoát nước với tổng năng lực thiết kế tưới cho 3.891ha, tiêu thoát nước cho 21.338ha.

Theo ông Lượng, những năm qua, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện được UBND huyện quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp; đảm bảo đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho dân cư nông thôn. Tuy nhiên, hiệu quả phát huy từ các công trình thủy lợi còn nhiều bất cập. Nhiều công trình xây dựng lâu năm, xuống cấp. Máy móc thiết bị các trạm bơm đã quá niên hạn sử dụng, chưa được đầu tư sửa chữa dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp.

Đơn cử như công trình hồ Dốc Nhàn hiện đã giảm 50% năng lực tưới thiết kế ban đầu, từ 100ha hiện xuống còn 40ha. Công trình hồ Đá Bàn kết hợp dòng Suối Sâu và đập dâng, hiện chỉ đáp ứng 420/600ha; các công trình trạm bơm cũng giảm từ 10-30% so với năng lực thiết kế.

Ông Nguyễn Khánh Trường - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Bình Dương cho biết, ngành thủy lợi địa phương đang đối mặc nhiều khó khăn. Nhiều công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng khá lâu (20-45 năm) nên một số hạng mục, hệ thống kênh mương đã xuống cấp, chi phí sửa chữa lớn, hiệu quả công trình không cao. Do xuống cấp, quá trình vận hành trạm bơm tiêu hao nhiều nguyên nhiên liệu, áp lực nước lên mặt trên không đảm bảo như ban đầu. "Đối với công trình thủy lợi, nhất là hệ thống kênh mương, tình trạng xuống cấp ảnh hưởng đến tốc độ dòng chảy, giảm lưu lượng và gây thất thoát nguồn nước" - ông Trường cho hay.

Chủ trương chuyển đổi từ thủy lợi phí sang giá còn bất cập

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ thủy lợi, chuyển từ phục vụ sang dịch vụ, Chính phủ đã có chủ trương chuyển từ cơ chế thủy lợi phí sang cơ chế giá. Cụ thể, năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định 96 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Thế nhưng, sau hơn 5 năm, việc chuyển từ phí sang giá gần như không thực hiện được ở nhiều địa phương, trong đó có Bình Dương, chủ yếu do còn nhiều vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Ông Trường chia sẻ, từ năm 2018 - 2021, Bộ Tài chính quy định giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi bằng mức giá quy định tại Nghị định số 67/2012, mức giá cách đây 11 năm. Trong khi nếu tính đúng, tính đủ các chi phí cơ bản thì kết quả xây dựng phương án giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi giai đoạn 2018 - 2021 trên địa bàn tỉnh đối với tưới tiêu cao gấp 3-4 lần so với giá tối đa do Bộ Tài chính quy định. Do đó, tiền hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi là quá thấp, không đủ để duy tu, sửa chữa. Hàng năm, ngân sách địa phương phải cấp bù với tỷ lệ rất lớn cho việc chi hoạt động quản lý khai thác các công trình.

Ngoài ra, quy trình xây dựng và ban hành giá cụ thể sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi còn phức tạp. Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ, làm cho thời gian thực hiện các thủ tục thẩm định kéo dài.

Theo ông Trường, việc thực hiện cơ chế giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi sẽ tạo sân chơi mới cho các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi, thu hút khu vực tư nhân tham gia theo cơ chế thị trường. "Tuy nhiên, quá trình triển khai đang gặp nhiều vướng mắc. Các cơ quan chức năng cần kịp thời hoàn thiện các văn bản dưới luật, để các chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả" - ông Trường nói.