Tỉnh Bình Dương được coi là "thủ phủ" của một ngành, chiếm tới 40 - 45% doanh số cả nước
Tỉnh Bình Dương được coi là "thủ phủ" của một ngành, chiếm tới 40 - 45% doanh số cả nước
Trần Khánh
Chủ nhật, ngày 03/09/2023 17:32 PM (GMT+7)
Thị trường thế giới đang đòi hỏi cấp thiết tính bền vững trong từng sản phẩm gỗ. Trong bối cảnh chung, ngành gỗ Bình Dương cũng đang nỗ lực khắc phục những hạn chế, đồng hành cùng ngành gỗ Việt hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Liêm – Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm Việt (TP.Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có gần 30 năm gắn bó với ngành gỗ. Ông Liêm kể, cách đây khoảng 30 năm, không ít người thiếu thiện cảm khi nhắc đến ngành chế biến gỗ. Vì trước kia, tài nguyên thiên nhiên còn nhiều, chưa có quy định về việc khai thác, người làm nghề tự do tìm nguyên liệu…
Nhưng khoảng 20 năm trở lại đây, ngành chế biến gỗ đã trở thành ngành được nhiều cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng quan tâm và ủng hộ. Sự chuyển biến này bắt nguồn từ chính sách thay đổi nguyên liệu dùng cho chế biến gỗ. Từ cuối năm 2014, Chính phủ quyết định đóng cửa rừng. Với tốc độ phát triển nhanh, nhu cầu cấp bách đã buộc ngành gỗ phải dùng hai giải pháp song song, đó là nhập khẩu nguyên liệu và trồng rừng để khai thác. Với lợi thế của một đất nước nông nghiệp, đến nay ngành gỗ đã và đang thực hiện chiến lược bài bản về trồng rừng bền vững để chủ động nguyên liệu. Do đó sản lượng gỗ phải nhập khẩu cũng giảm đáng kể.
Ngành gỗ Bình Dương sẽ tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin sẵn có trong truy xuất nguồn gốc gỗ, chứng minh tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu được sử dụng để tạo nên các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu.
Ông Liêm cho biết, thập niên 90 của thế kỷ trước, ngành gỗ sử dụng nguyên liệu đầu vào thường là gỗ từ rừng thiên nhiên để sản xuất với máy móc, thiết bị bán tự động, hoặc là thủ công.
Tuy nhiên, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, hầu như nguyên liệu đầu vào cho chế biến gỗ đều là gỗ rừng trồng, gỗ có nguồn gốc hợp pháp và đặc biệt là gỗ công nghiệp.
"Trong tương lai gần, người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ cũng sẽ quan tâm đến nguyên liệu của sản phẩm làm từ gỗ hợp pháp, gỗ có chứng chỉ và có thiết kế thẩm mỹ và hiệu quả ứng dụng cao" - ông Liêm chia sẻ.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà – Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, nếu như trước đây, người dân ưa chuộng sản phẩm gỗ nhập khẩu thì những năm gần đây, người dân đã tin tưởng và đánh giá cao sản phẩm gỗ thương hiệu Việt. Không chỉ được yêu mến tại thị trường trong nước, mà với thị trường xuất khẩu, sản phẩm gỗ Việt Nam đã nằm trong top 5 nước có kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất thế giới.
Bình Dương hiện là "thủ phủ" ngành chế biến gỗ với doanh số đạt 40-45% doanh số cả nước. "Các thị trường khó tính như Mỹ, EU rất ưa chuộng sản phẩm của ngành gỗ Việt Nam, trong đó có ngành gỗ Bình Dương" - bà Hà chia sẻ.
Tháo gỡ khó để phát triển bền vững
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đang làm theo yêu cầu của thị trường thế giới, tức phải truy xuất nguồn gốc và phải là gỗ rừng trồng. Nhiều thị trường nhập khẩu đều đặt ra điều kiện sản phẩm phải được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC).
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi. Dự báo khả năng xuất khẩu các mặt hàng này sẽ tăng trở lại.
Để nắm bắt thời cơ các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định tại các thị trường nhập khẩu. Ngay cả những thách thức mới về thị trường liên quan đến quy định về gỗ của Liên minh châu Âu (EUTR) hay mục tiêu Net Zero (đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050) sẽ giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản phát triển theo chiều hướng tích cực hơn.
Để ngành gỗ phát triển bền vững, ông Lập kiến nghị, Chính phủ cần đàm phán để thống nhất quy định về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp của các thị trường nhập khẩu. "Đây là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng bền vững; thí điểm mô hình phát triển doanh nghiệp theo hướng kinh tế xanh, trong đó, hướng tới cam kết Net Zero trong ngành gỗ" - ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Trên cương vị là Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), ông Nguyễn Liêm cho biết, các hiệp hội chế biến gỗ trong nước đang triển khai hoạt động khảo sát công tác hỗ trợ hội viên thực hiện chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp. Hoạt động này nhằm nhận diện thực tế việc thực hiện quy định về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, đồng thời xác định bất cập và tìm giải pháp hỗ trợ hiệu quả.
Bởi thực tế, quá trình thực thi các quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ, lâm sản ở các doanh nghiệp, hộ kinh doanh còn gặp nhiều vướng mắc. Việc thực thi cần sự hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức vì đây là việc quan trọng và cần thiết nhằm nâng cao giá trị của ngành.
Một khó khăn nữa là giá mủ cao su sụt giảm trong một thời gian dài dẫn đến tình trạng chặt cây cao su với quy mô lớn để trồng các loại cây khác. Ông Nguyễn Thanh Được - Giám đốc Công ty CP Gỗ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) cho biết nhiều địa phương trong vùng Đông Nam Bộ chuyển từ đất trồng cao su sang đất khu công nghiệp. Điều này dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu gỗ cao su cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong giai đoạn trước mắt và trong dài hạn. Cạnh tranh về nguồn nguyên liệu gỗ diễn ra ngày càng gay gắt. Trong tương lai không xa, nguồn gỗ cao su cung cấp cho sản xuất, chế biến cũng sẽ không còn nhiều. Nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất là mối lo trong dài hạn mà các công ty phải tính đến.
Hiện, UBND tỉnh Bình Dương đã duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định quan điểm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ Bình Dương theo hướng bền vững, hiệu quả trên cơ sở sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu gỗ trong nước và nhập khẩu. Đề án đề ra định hướng đầu tư giống cây trồng để tạo ra những loại nguyên liệu gỗ nhân tạo, gỗ công nghiệp; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng (gỗ cao su và gỗ tràm) tại các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Đề án cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, Bình Dương tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống cây lâm nghiệp; chuyển giao ứng dụng kỹ thuật trong sản xuất một số giống cây lâm nghiệp theo phương pháp nuôi cấy mô, từng bước chủ động được nguồn cung cấp cho các cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp của tỉnh.
Bình Dương sẽ xây dựng chính sách phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn (tại 3 huyện trọng điểm gồm Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên). Doanh nghiệp cũng cần cần có sự liên kết với người trồng rừng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.