Nông dân trồng lúa miền Tây kỳ vọng những giải pháp để sản xuất nông nghiệp bền vững của các nhà khoa học tại Hội thảo khoa học "Đất khỏe – cây trồng khỏe" diễn ra tại An Giang 28/8, sẽ giúp bà con nâng cao thu nhập.
Đồng bằng sông Cửu Long có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700.000ha đất nuôi trồng thủy sản. Trong hơn 1,9 triệu ha đất lúa thì có tới hơn 800.000ha đất phèn, đất mặn gần 330.000ha, đất phù sa chỉ gần 700.000ha.
Vựa lúa này cung cấp 55% sản lượng gạo, trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ suy thoái, do canh tác thiếu khoa học và chịu tác động của các yếu tố tự nhiên.
Có mặt tại hội thảo khá sớm, ông Phạm Kim Cương, một nông dân trồng lúa ở thị trấn An Châu (huyện Châu Thành, An Giang) muốn hỏi làm cách nào giúp mảnh đất đang trồng lúa của ông sản xuất bền vững hơn. Bởi theo ông, hiện nay trồng lúa đang lạm dụng phân bón quá nhiều gây hại cho đất.
Theo TS. Nguyễn Thanh Phương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ, muốn sản xuất bền vững, không cách nào khác là nông dân phải giữ cho "đất sống".
Nếu "đất sống" sẽ tạo ra hệ thống canh tác cây trồng liên tục sản xuất lương thực, thực phẩm, nhưng không làm suy giảm môi trường.
"Muốn có "đất sống" và sản xuất bền vững, nông dân phải biết quản lý đất, quản lý dinh dưỡng, quản lý nước, đa dạng sinh học, luân canh cây trồng, quản lý sâu bệnh. Nếu có "đất sống", đất khỏe thì cây trồng khoẻ, nông dân khỏe, cộng đồng khỏe", TS. Phương khẳng định.
Cũng chia sẻ cách làm cho "đất sống" trước nhiều câu hỏi của con nông dân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang - Huỳnh Đào Nguyên, cho rằng ngành nông nghiệp đã có khuyến cáo trồng lúa phải áp dụng biện pháp "1 phải, 5 giảm", trong đó là phải giảm phân bón.
Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, tỉnh An Giang đang trình diễn mô hình sản xuất lúa theo hướng bền vững, giúp nông dân tiết kiệm chi phí phân bón, giống và thuốc bảo vệ thực vật… Mô hình thử nghiệm này thực hiện tại 6 huyện, với diện tích gần 20ha đất, được gọi là "Trình diễn bộ sản phẩm mới chuyên dùng cho lúa phức hợp hữu cơ thế hệ mới và hoạt chất Eco-Nanomix", kết hợp ứng dụng thiết bị gieo cụm 3 trong 1.
Được biết, giải pháp dùng phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới, công nghệ Eco-Nanomix để sản xuất bền vững còn đang trình diễn tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, như Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Long An, với diện tích hơn 168ha, có hàng chục hộ nông dân tham gia.
Theo TS.Phương, giải pháp dùng phân bón này cũng đang được trình diễn cho cây trồng tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Là người trực tiếp đi khảo nghiệm mô hình trình diễn tại Vùng duyên hải Nam Trung bộ, ông Phương đánh giá sử dụng phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới, công nghệ Eco-Nanomix, giảm lượng phân bón 20-22%, giảm lần bón từ 4-5 lần/vụ xuống còn 2 lần bón/vụ, giảm 1-2 lần phun thuốc BVTV… nên góp phần giúp đất khỏe, "đất sống", giảm phát thải nhà kính, giảm chi phí và tăng năng suất, thu nhập cho bà con nông dân.
Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất và kinh doanh phân bón Bình Điền II, thương hiệu 2 Phong, đơn vị sản xuất phân bón NPK hữu cơ thế hệ mới, công nghệ Eco-Nanomix, cho biết công ty sản xuất phân bón lựa chọn giải pháp, công nghệ và lộ trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, đảm bảo gia tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân.
"Sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả, có trách nhiệm với môi trường và xã hội là đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, cả ở Việt Nam và trên thế giới", ông Phong chia sẻ.
Ông Phong cho biết thêm, hiện mỗi năm, công ty sản xuất khoảng 100.000 tấn phân bón NPK phức hợp hữu cơ thế hệ mới để phục vụ bà con nông dân, trong đó, khoảng 1/3 xuất khẩu.