Nhìn lại diễn biến thị trường lúa gạo: Cơ hội nào cho gạo Việt, vì sao người trồng lúa thu nhập vẫn thấp? (Bài 2)
Nhìn lại diễn biến thị trường lúa gạo: Cơ hội nào cho gạo Việt, vì sao người trồng lúa thu nhập vẫn thấp? (Bài 2)
TS Trần Công Thắng
Thứ ba, ngày 22/08/2023 06:46 AM (GMT+7)
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tranh thủ "thế chân" nước này cung cấp gạo cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc làm sao để tận dụng được cơ hội này cũng gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, một câu hỏi lớn được đặt ra, đó là: Vì sao giá gạo tăng, nhưng người nông dân không lợi nhiều?
Số liệu đến ngày 15/7 cho thấy, cả nước đã xuất khẩu hơn 4,48 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá xuất khẩu bình quân đạt hơn 530 USD/tấn, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 490 USD/tấn. Cập nhật mức giá gần đây cho thấy, nhiều lô hàng chào bán xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt tới 650 USD/tấn, thậm chí có lô tới 700 USD/tấn.
Trong khi đó, theo dự kiến năm 2023, lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Về tiêu dùng trong nước, tiêu thụ nội địa cho dự kiến khoảng 21 triệu tấn gạo (32,3 triệu tấn lúa), trong đó tiêu dùng của người dân là 9 triệu tấn, dùng cho chế biến khoảng 8 triệu tấn, dùng trong chăn nuôi là 3,5 triệu tấn và làm giống khoảng 500.000 tấn.
Tuy nhiên, trước tình hình hiện nay, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội giá tăng để đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Theo cân đối cung cầu trong nước, Việt Nam có thể xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn gạo trong năm 2023 mà vẫn đảm bảo an ninh lương thực và tiêu dùng trong nước. Việc đẩy mạnh xuất khẩu có mấy điểm lợi:
Thứ nhất, góp phần đẩy giá lúa trong nước giúp người nông dân bán giá cao hơn. Đồng thời giúp các doanh nghiệp thu về ngoại tệ.
Thứ hai, thể hiện vai trò vị thế của Việt Nam trên thị trường thế giới trong đảm bảo an ninh lương thực (ANLT) toàn cầu.
Thứ ba, đảm bảo uy tín với các nhà nhập khẩu quốc tế khi chúng ta vẫn tiếp tục cho phép xuất khẩu như bình thường.
Thách thức nào cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam?
Cơ hội cho việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện ra là khá rõ. Song song với đó, cũng đặt ra hàng loạt thách thức. Đó là: Giá gạo có thể tăng cao liên tục, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tăng cường thu mua làm cho thị trường gạo trong nước bị ảnh hưởng.
Giá gạo trong nước có thể tăng làm ảnh hưởng tới tiêu dùng của người dân, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Và có thể có hiện tượng đầu cơ để đẩy giá lên.
Nhiều doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu ký hợp đồng trước đây với giá giao cố định (dạng hợp đồng kỳ hạn). Vì với tình hình hiện tại, các doanh nghiệp sẽ phải thu mua vào với giá cao hơn, nhưng lại không thể xuất theo giá bán hiện tại trên thị trường và vì thế sẽ bị lỗ.
Giá các mặt hàng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa gạo có thể tăng và kéo theo chi phí sản xuất lúa gạo tăng. Đây cũng là thách thức khi thời gian qua giá đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng liên tục.
Cần hành động gì?
Giá gạo lập đỉnh cao kỷ lục trong 10 năm qua, về nguyên tắc đây là cơ hội của Việt Nam. Mở rộng thị trường xuất khẩu do các khách hàng của Ấn Độ có thể tìm tới các doanh nghiệp của Việt Nam, xuất khẩu mang lại giá trị cao hơn.
Có thể thấy, phản ứng trước việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, Chính phủ, các Bộ, ngành đã điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua là hợp lý theo hướng không quá cực đoan như các nước, mà các Bộ, ngành đã có sự đánh giá đúng và đẩy đủ về nguồn cung trong nước và nhu cầu tiêu dùng, dự trữ đảm bảo an ninh lượng thực.
Theo tính toán, về cung cầu gạo Việt Nam năm 2023, lượng lúa sản xuất dự kiến đạt 43,5 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương 28,2 triệu tấn gạo), trong đó nếu chúng ta tiếp tục cho xuất khẩu từ 7-8 triệu tấn. Tiêu dùng trong nước, tiêu thụ nội địa cho dự kiến khoảng 21 triệu tấn gạo (32,3 triệu tấn lúa) Thì vẫn ổn định được cung cầu lúa gạo trong nước.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thực hiện các giải pháp như: Theo dõi và nắm bắt tình hình sản xuất, tăng cường phòng chống sinh vật gây hại, chủ động ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết để bảo vệ an toàn các vụ sản xuất đảm bảo mục tiêu 43 triệu tấn lúa của năm 2023; đồng thời có kế hoạch tăng thêm 50.000ha lúa thu đông để gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu.
Chỉ đạo các địa phương bám sát đồng ruộng, tổ chức sản xuất đúng theo các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan xử lý kịp thời các rào cản kỹ thuật để đảm bảo tăng khối lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Chỉ đạo các cơ quan kiểm dịch thực vật tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc xuất khẩu gạo, giảm tối đa thời gian kiểm tra, hoàn tất thủ tục trên cơ sở đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.
Trong khi đó, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-BCT ngày 15 tháng 8 năm 2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Bộ đã giao nhiệm vụ chi tiết cho các cơ quan thuộc bộ này quản lý hoặc động xuất nhập khẩu ổn định thị trường trong nước và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu ổn định bền vững, trong bối cảnh này thì cần có thêm một số chính sách khác như tạo điều kiện cho thương lái, doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng thu mua lúa. Chuẩn bị chủ động chính sách bình ổn giá lương thực trong nước để ổn định thị trường khi cần thiết.
Người trồng lúa vẫn có thu nhập thấp là do diện tích canh tác quả nhỏ.
Có thể thấy, đây là những câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc lâu nay. Theo các nhà khoa học tính toán, thu nhập từ trồng lúa thường thấp hơn so với thu thập các cây, con khác. Có mấy nguyên nhân cho vấn đề này.
Thứ nhất, quy mô của mộ hộ gia đình trồng lúa ở Việt Nam rất nhỏ, theo khảo sát của Tổng cục Thống kê (GSO) năm 2020, quy mô sản xuất lúa dưới 0,2ha (2.000m2) chiếm 57,3%; từ 0,2-0,5ha chiếm 27,86%, hộ từ 2ha (20.000m2) trở lên chỉ chiếm 2,47%.
Như vậy, một ha đất trồng lúa 1 vụ thu được 6-7 tấn lúa, giá bán hiện tại từ 7.000-7.500 đồng/kg, mỗi ha trừ chi phí nông dân chỉ có lãi từ 15-20 triệu đồng/vụ, tức với một hộ chỉ có 0,2ha, thì chỉ lãi được từ 3-4 triệu đồng/vụ.
Vì thế, nếu chỉ sản xuất lúa như hiện nay, chỉ bán hạt thóc mà quên các giá trị khác thì rất khó để làm giầu. Thị trường lúa gạo trên thế giới có tăng lên nhưng cũng biến động ko quá lớn vì nhu cầu nhập khẩu gạo tiêu dùng gạo để ăn của thế giới cũng khá ổn định, còn nhu cầu trong nước không tăng mạnh, chưa nói nếu tính trên đầu người còn giảm đi.
Thứ hai, với việc tổ chức hiện tại, sản xuất lúa gạo manh mún, sử dụng nhiều phân, thuốc, cơ giới hóa chưa đồng bộ nên chi phí đầu vào cao, hiệu quả thấp. Vì vậy mà lợi nhuận tính trên đơn vị cũng không cao dù giá thành sản xuất lúa của Việt Nam thuộc nhóm thấp.
Hơn nữa, chúng ta chưa chủ động được nguồn đầu vào nên giá phân thuốc bị phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Tình trạng giá phân thuốc tăng gần gấp đôi trong giai đoạn vừa qua khi xung đột quân sự Nga-Ukraine thể hiện rõ nhất điều này.
Bên cạnh đó, liên kết, nông dân với nông dân cũng yếu, doanh nghiệp với HTX còn yếu. Vì vậy chưa thể cùng nhau xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu, tạo giá trị hạt gạo cao hơn. Cùng nhau chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy hiệu quả làm chính.
Vừa qua giá thị trường tăng, giá bán của nông dân cũng tăng. Điều đó có thể hiểu người nông dân cũng hưởng lợi từ việc tăng giá. Tuy nhiên việc tăng giá thì không chỉ người nông dân được lợi hoàn toàn vì còn các tác nhân khác trong chuỗi. Hơn nữa, với việc bán lúa ướt tại ruộng, người nông dân không thể chủ động quyết định được thời gian và giá bản
Cần phải làm gì để có thể chủ động thông tin, nắm tình hình biến động thị trường gạo?
Với những bất ổn thị trường gạo thì rất khó có thể dự đoán được trong thời gian tới sẽ thế nào vì phụ thuộc rất nhiều vào động thái, chính sách của các nước, nhất là những nước xuất, nhập khẩu chính.
Tuy nhiên, để có thể biết được những gì sẽ xảy ra cần theo dõi tình hình thị trường gạo thế giới chặt chẽ để có những phản ứng phù hợp trong từng thời điểm.
Yêu cầu các tham tán tại các thị trường theo dõi, báo cáo thường xuyên về thị trường các nước. Định hướng, nâng cao vài trò lại hoạt động hiệp hội trong giám sát thị trường, điều phối hoạt động các doanh nghiệp đảm bảo sự phối hợp, thống nhất, liên kết giữa các DN.
Tiếp tục duy trì sự phối hợp và tăng cường trao đổi thông tin giữa hai Bộ: Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương.
Nên học tập các nước, thành lập bộ phận chuyên phân tích thị trường nông sản, giống như của Bộ phận Phân tích thị trườngcủa Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hay Cục Kinh tế và Khoa học Nông nghiệp và Tài nguyên Úc (ABARES). Đây là những đơn vị chuyên theo dõi thị trường, xây dựng những báo cáo ngắn hạn, dài hạn cho các ngành hàng nông sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.