Tái chế rác hữu cơ là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt, tạo ra nguồn phân bón tự nhiên cho cây trồng.
Trong đó, việc sử dụng thùng ủ rác hữu cơ gia đình đã được huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) thí điểm tại 2 xã Đất Cuốc và Tân Lập đã đạt được kết quả nhất định.
Với diện tích khoảng 400m2 đất vườn chuyên trồng các loại rau như mồng tơi, cải, bầu, bí... ông Đinh Hữu Phước, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc đã sử dụng thùng ủ rác hữu cơ để phục vụ vườn rau của gia đình. Ông Phước cho biết mô hình này giúp tiết kiệm chi phí phân bón, giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.
“Trước đây tôi đã từng ủ phân bón hữu cơ để bón cho rau, tuy nhiên chưa biết tận dụng các nguồn rác thải hữu cơ từ bầu, bí, rau củ quả, qua mô hình này gia đình biết cách tân dụng hết các nguồn rác thải.
Ủ rác thải hữu cơ thành phân bón thời gian khoảng 3 tuần là có thể sử dụng. Phân ủ được nên để ra ngoài làm giảm độ nóng sau đó mới đem bón cho rau”, ông Đinh Hữu Phước cho biết. Tương tự, chị
Trần Thanh Thảo, ấp 3, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng cho rằng việc ủ rác thải hữu cơ làm thành phân bón hữu cơ ngoài việc giúp tận dụng nguồn rác thải còn nâng cao ý thức của người dân trong việc phân loại rác, góp phần bảo vệ môi trường tại địa phương.
Cán bộ các cấp Hội Nông dân kiểm tra mô hình ủ rác hữu cơ thành phân hữu cơ tại hộ ông Đinh Hữu Phước, ấp Tân Lợi, xã Đất Cuốc, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Theo ông Nguyễn Nhất Trung, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Bắc Tân Uyên, mô hình “Phân loại rác thải sinh hoạt và hướng dẫn ủ rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình” được Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phòng TN&MT và Hội Nông dân huyện phối hợp thực hiện.
Tính từ thời điểm phát động đến thời điểm kiểm tra, ước tính các hộ dân tham gia thí điểm đã thực hiện ủ khoảng 130kg rác thải thực phẩm, thu hồi được gần 90kg phân bón hữu cơ từ lượng rác thải trên.
Cũng theo ông Nguyễn Nhất Trung, thực tế cho thấy trong một ngày bình quân một hộ gia đình sẽ thải ra từ 2 - 5kg rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải hữu cơ chiếm từ 1 - 3kg, nếu các hộ thực hiện tốt việc phân loại và ủ rác thải hữu cơ làm phân bón thì lượng rác thải ra môi trường sẽ giảm được từ 60 - 70%.
Mô hình bước đầu triển khai nên người dân còn gặp khó khăn trong việc ước lượng tỷ lệ chế phẩm sinh học và các thành phần để ủ phân, từ đó phải thực hiện nhiều lần mới có được thành phẩm đạt yêu cầu.
Bà Vũ Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Tân Uyên, cho biết đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm khuyến khích người dân tham gia phân loại rác tại nguồn để giảm lượng rác chôn lấp và tạo thêm nguồn tái chế nguyên liệu.
Đồng thời, mô hình đẩy mạnh hoạt động thu gom, tái chế, sử dụng rác thải, phế liệu, giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phải thu gom.
Việc triển khai mô hình sẽ mang lại lợi ích cho người dân và địa phương. Người dân đã có nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng bảo đảm an toàn, địa phương giảm áp lực trong việc thu gom rác thải và giảm chi phí dành cho công tác bảo vệ môi trường.
Trong quá trình thực hiện, để kịp thời nắm bắt được các khó khăn, vướng mắc của các hộ dân, Ban Tổ chức mô hình đã chỉ đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Lập và Đất Cuốc phối hợp cùng UBND xã, Hội Nông dân cùng cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các hộ dân. Qua đó, đa phần các hộ tham gia đã thực hiện đúng theo quy trình cũng như sử dụng có hiệu quả số lượng phân bón tạo ra để cung ứng vườn rau tại nhà.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường, những kiến thức cơ bản về phân biệt rác thải sinh hoạt và ủ rác thải hữu cơ làm phân bón giúp nâng cao nhận thức cho người dân trong việc bảo vệ môi trường.
Mặt khác, huyện phát động nhân rộng việc thực hiện mô hình trên địa bàn toàn huyện, hướng dẫn các xã, thị trấn chủ động phối hợp cùng UBND xã, các đoàn thể có hình thức tổ chức thực hiện mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương”. (Bà Vũ Thị Tuyết Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).