Dân Việt

Sau sầu riêng Krông Pắc, Đắk Lắk có thêm thương hiệu "sầu riêng Cư M'gar"

Thư Anh 30/08/2023 10:00 GMT+7
Sau thương hiệu "sầu riêng Krông Pắc", mới đây tỉnh Đắk Lắk đã có thêm thương hiệu sầu riêng thứ hai, đó là "sầu riêng Cư M'gar". Thương hiệu này vừa được Cục Sở hữu trí tuệ ấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.

Nâng tầm giá trị "Sầu riêng Cư M'gar"

Cùng với nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc, mới đây sầu riêng Cư M'Gar được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "sầu riêng Cư M'Gar" ngày 10/7/2023. Giấy chứng nhận có hiệu lực 10 năm tính từ ngày cấp. Đây là cơ sở pháp lý tạo tiền đề để huyện Cư M'Gar tiếp tục phát triển nhãn hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm sầu riêng.

Đắk Lắk ra mắt thương hiệu sầu riêng thứ hai - Ảnh 1.

Trao quyết định, giấy chứng nhận nhãn hiệu "Sầu riêng Cư M'gar"

Toàn huyện Cư M'gar hiện có khoảng 4.100ha trồng sầu riêng, trong đó hơn 1.000ha đã cho thu hoạch, phần lớn trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Cư M'gar đã từng bước bắt tay sản xuất sầu riêng bền vững, nâng cao chất lượng sầu riêng từ vườn đến trái sầu riêng thành phẩm.

Đến nay, huyện Cư M'gar có 13 doanh nghiệp liên kết sản xuất, tư vấn kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm với các hợp tác xã, tổ hợp tác và xây dựng được hoàn thiện hồ sơ 37 mã số vùng trồng sầu riêng với trên 831ha. 

Mùa sầu riêng năm nay, sản lượng toàn huyện đạt khoảng 20.000 tấn, giá mua tại vườn từ 70.000 đến 90.000 đồng/kg, nên nông dân vô cùng phấn khởi.

Đắk Lắk ra mắt thương hiệu sầu riêng thứ hai - Ảnh 2.

Mùa sầu riêng năm nay, sản lượng toàn huyện Cư M'gar đạt khoảng 20.000 tấn

Ông Vũ Hồng Nhật- Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar cho biết: "Việc sử dụng nhãn hiệu "sầu riêng Cư M'gar" sẽ gắn với sản phẩm trái cây thơm, ngon, an toàn, có chứng nhận, có thể truy xuất nguồn gốc tới tận vườn cây. Nhờ đó, giá trị sản phẩm sẽ được nâng cao, góp phần đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện Cư M'gar".

Hiện huyện Cư M'gar đang thúc đẩy kết nối bốn nhà: Doanh nghiệp, khoa học, nông dân và chính quyền cùng xây dựng khai thác giá trị thương hiệu sầu riêng Cư M'gar, tạo nên sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng, rõ ràng về nguồn gốc, phục vụ thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Nông dân liên kết làm sầu riêng bền vững

Để củng cố và bảo vệ thương hiệu, nông dân huyện Cư M'gar đang từng bước thích ứng với cách thức sản xuất sầu riêng chuẩn mực từ vườn cây và kết nối với nhà thu mua, nhằm nâng tầm giá trị sầu riêng Cư M'gar hướng đến xuất khẩu ra nhiều thị trường khác nhau.

Đắk Lắk ra mắt thương hiệu sầu riêng thứ hai - Ảnh 3.

Sản xuất sầu riêng bền vững mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân huyện Cư M'gar

Là một trong những nông dân đi đầu trong sản xuất sầu riêng bền vững ở huyện Cư M'gar, ông Tạ Hữu Điểm ở thôn 4, xã Ea Tar hiểu được những khó khăn trên chặng đường phát triển sầu riêng đối với mỗi nông dân. Theo ông Điểm, người trồng sầu riêng rất vất vả bởi đây là loại cây ăn trái có giá trị cao nhưng vốn đầu tư cũng cao, khó chăm sóc. Thương lái khá kén chọn lúc mua và thường xuyên bị ép giá khi mùa vụ không thuận lợi.

Do đó, ông Điểm cùng với hàng chục hộ dân khác tham gia HTX nông nghiệp và dịch vụ Thành Đạt và tuân thủ quy trình sản xuất sầu riêng Dona chủ yếu trong giai đoạn kinh doanh theo hướng VietGAP nhiều năm nay. Đến nay, toàn bộ 37 ha sầu riêng của HTX được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Mới đây, thông tin nhãn hiệu "Sầu Riêng Cư M'gar" được công nhận đã nhân đôi niềm vui cho bà con nông dân địa phương.

Đắk Lắk ra mắt thương hiệu sầu riêng thứ hai - Ảnh 3.

Nông dân huyện Cư M'gar chăm sóc sầu riêng vụ mùa 2023

Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Phát được thành lập năm 2014. Từ một tổ chức sơ khai ban đầu, đến nay HTX đã có gần 300 thành viên liên kết, tham gia sản xuất sầu riêng và đã có 38 ha được cấp mã số vùng trồng năm 2022. Số diện tích được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói của HTX cũng được Hải quan Trung Quốc kiểm tra, đánh giá là đạt tiêu chuẩn thông quan. 

Để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu sầu riêng, anh Đặng Văn Huy ở xã Cư Suê, huyện Cư M'gar đã canh tác trên 7 ha sầu riêng theo mô hình hữu cơ và được công nhận OCOP 3 sao. Sản phẩm được đánh giá cấp chứng nhận 3 sao cho sản phẩm sầu riêng bóc múi cấp đông thương thiệu Dang Farm. Đây là sản phẩm sầu riêng đầu tiên đạt chuẩn OCOP tại địa phương. Việc này không chỉ nâng cao thu nhập, giá trị sầu riêng mà còn khẳng định thương hiệu sầu riêng Cư M'Gar trên thị trường.

Khi có nhãn hiệu rồi thì việc mua bán sẽ thuận lợi hơn vì sầu riêng sẽ phát triển theo thương hiệu riêng của mình, giá sẽ tốt hơn và nông dân sẽ quan tâm hơn đến câu chuyện chất lượng đẩy giá trị tăng theo.

Tại lễ công bố và trao Giấy chứng nhận nhãn hiệu "sầu riêng Cư M'gar, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn đã nhấn mạnh: Để khai thác tốt nhãn hiệu tập thể "Sầu riêng Cư M'gar", địa phương cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại. Quan tâm xây dựng các quy định, quy chế quản lý nhãn hiệu "sầu riêng Cư M'gar", phát huy tối đa nhãn hiệu "sầu riêng Cư M'gar". 

Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có thể khai thác, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận một cách hiệu quả; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững". 

Đắk Lắk ra mắt thương hiệu sầu riêng thứ hai - Ảnh 4.

Cùng với nhãn hiệu sầu riêng Krông Pắc, Đắk Lắk vừa có thêm nhãn hiệu sầu riêng Cư M'gar

Hiện nay, tàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 22.500ha sầu riêng, trong đó diện tích sầu riêng thu hoạch trên 12.000ha, sản lượng đạt trên 200.000 tấn. Toàn tỉnh đã được cấp 49 mã vùng trồng, với diện tích gần 2.000 ha và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.