Dân Việt

Loại phở "khác người" gọi một được hai ở Gia Lai sao người lạ lại ham ăn, tôn lên hàng đặc sản?

Mộc Anh 30/08/2023 05:14 GMT+7
Phở hai tô là đặc sản Gia Lai gây tò mò ngay từ cái tên. Bởi có vào quán gọi “Cho một phở khô!”, thực khách vẫn được phục vụ hai tô: một tô phở, một tô nước.

Đến Gia Lai du khách sẽ đắm mình trong nền văn hóa đa dạng, cảnh sắc tuyệt đẹp với cảnh phố núi rực rỡ sắc hoa. Ngoài ra, mảnh đất cao nguyên đầy nắng và gió này cò được biết đến với nhiều món ăn đặc sản như lẩu lá rừng, bò một nắng, muối kiến vàng..., đặc biệt là phở hai tô.

Loại phở "khác người" gọi một được hai ở Gia Lai sao người lại lại ham ăn, tôn lên hàng đặc sản? - Ảnh 1.

Món ăn hấp dẫn ngay từ phần nhìn. Ảnh: Phở Hồng - phở khô Gia Lai

Phở hai tô hay còn có tên gọi khác là phở khô Gia Lai. Đặc sản này vốn là một món ăn đã gắn bó lâu năm với người dân địa phương. Hương vị đặc biệt và cách ăn độc đáo hấp dẫn du khách tìm thưởng thức khi đến với mảnh đất Gia Lai.

Mặc dù có tên gọi phở, từ cách phục vụ, chế biến và sợi bánh của món ăn này đều không giống phở thông thường. 

Cụ thể, sợi phở tròn mảnh thoạt nhìn khá giống sợi hủ tiếu. Sợi phở khô Gia Lai thực ra dùng nguyên liệu hoàn toàn từ gạo, thường trộn ba loại gạo.

Phở khô Gia Lai sau khi chần qua nước sôi vẫn giữ được độ dai và khô nhất định, không bị nhũn hay quá dính, không mềm, ướt như sợi hủ tiếu Sài Gòn hay bánh phở tươi ở miền Bắc. Nhưng đặc thù sợi phở khô Gia Lai nhỏ hơn hủ tiếu, nên trụng xong phải trộn ăn liền cho nóng mới ngon.

Loại phở "khác người" gọi một được hai ở Gia Lai sao người lại lại ham ăn, tôn lên hàng đặc sản? - Ảnh 2.

Phở 2 tô đầy đặn với nhiều topping khác nhau. Ảnh: Phở Hồng - phở khô Gia Lai

Phở khô Gia Lai thường có 3 loại: phở khô gà (gà xé được bỏ trong tô bánh phở), phở khô tái (thịt bò tái trong tô nước dùng), phở khô xương bò viên (xương và bò viên nằm trong tô nước phở). Tô phở khô thông thường sẽ bao gồm phở, chút thịt nạc băm và hành phi.

Khi ăn tùy khẩu vị sẽ nêm thêm tương ớt, tương đen, xì dầu, ớt, chanh cho vừa ăn. Điều đặc biệt ở phở khô Gia Lai là không thể thiếu tương đen. 

Tương đậu nành lên men muối có vị mặn, béo pha chút ngọt nhẹ. Phở khô trộn tương đen thêm cọng rau quế, ngò gai, xà lách mới tròn trịa hương vị quen thuộc, khiến những người con xa quê luôn nhung nhớ.

Món ăn có tròn vị hay không còn nằm ở tô nước lèo. Nồi nước dùng được nấu khá cầu kì, phải đảm bảo nước trong, vị ngọt thanh nhưng cũng không kém phần đậm đà. Trong tô nước lèo sẽ có xương hầm, thịt bò, bò viên, thịt gà... tùy cách chế biến của từng quán ăn và sở thích của khách.

 

Loại phở "khác người" gọi một được hai ở Gia Lai sao người lại lại ham ăn, tôn lên hàng đặc sản? - Ảnh 3.

Món ăn khiến du khách trong nước và quốc tế gật gù khen ngợi. Ảnh: Phở Hồng - phở khô Gia Lai

Cách ăn của người dân địa phương sẽ là thưởng thức phở riêng, húp một ngụm nước lèo, ăn kèm với chút rau sống và nước chấm tương đen. Mỗi quán ăn sẽ có công thức gia truyền riêng tạo nên hương vị khó hòa lẫn. 

Phở khô đậm đà thêm nước dùng ngọt thanh khiến thực khách ăn một thèm hai, nhất là khi thưởng thức đặc sản này giữa không khí trong trẻo, mát lành nơi phố núi.

Một số địa chỉ thực khách có thể tham khảo là phở Hồng, phở khô Ngọc Sơn, quán Hiệp - phở khô, phở khô Bé Tư, phở khô Tàu Lý, phở khô gà Ngọc Linh, phở khô Nữ, phở Hạnh... ở trung tâm thành phố Pleiku.