Khi những cơn mưa cuối mùa dần kết thúc và nước sông Hậu bớt đỏ màu phù sa, đó cũng là lúc dòng kênh, con rạch nơi đây trở thành nơi cư ngụ của những bầy lòng tong.
Lòng tong là loại cá nước ngọt, có hai loại là lòng tong đá và lòng tong bay. Lòng tong đá màu vàng sáng, thịt ngon. Lòng tong bay nhỏ hơn, màu trắng bạc, thịt thơm.
Dù là đặc sản chung của vùng sông nước, nhưng cá lòng tong ở Phong Điền (Cần Thơ) được nhắc đến nhiều hơn cả.
Cá lòng tong đã đi vào câu ca của người dân vùng sông nước miền Tây: “Thiếp như con cá lòng tong. Đói đem kho quẹt đỡ lòng trống không”
Cá lòng tong có thể chế biến thành nhiều món đặc sản, nhưng trước hết phải kể đến cá lòng tong kho tiêu.
Để có những con lòng tong kho cứng mình, người làm phải làm sạch cá, ướp thật nhiều đường. Cá được bắc lên bếp lửa, cho nước mắm ngon vào. Khi nước mắm sôi cạn thì chan một muỗng mỡ hoặc dầu ăn, rắc tiêu bột đều trên mặt.
Chỉ cần ngửi mùi cá kho tỏa ra cũng đủ làm nao lòng du khách. Cá lòng tong kho tương ăn rất “hao cơm”.
Cá lòng tong kho tiêu, món ngon đưa cơm ngày mưa ở miền Tây.
Ngoài món cá lòng tong kho tiêu đậm mùi sông nước, không thể không kể đến món lòng tong chiên. Tùy yêu cầu người dùng mà có thể chiên tươi hoặc chiên bột, tất cả đều có hương vị vô cùng đặc sắc. Bí quyết để có những con cá chiên ngon tuyệt là cần phải ướp nước mắm ngon rồi thả cá vào chảo dầu lúc đang sôi.
Được thiên nhiên ưu đãi nên hễ đến mùa là cá lòng tong ở Phong Điền ăn không hết. Người dân địa phương thường bắt cá trữ lại bằng cách làm khô. Cá đem về được cắt bỏ đầu, làm ruột, chà vảy rồi ướp mắm muối. Cuối cùng, người ta nêm gia vị vừa ăn trước khi đem phơi.
Cá lòng tong phơi một nắng khi muốn ăn chỉ việc đem chiên sơ với dầu mỡ, khử sả tỏi là có thể sử dụng được. Chấm cá với nước tương ngon dầm ớt hiểm xanh, uống một ly rượu nếp trong lúc thưởng thức đờn ca tài tử, bạn sẽ thấy thật thoải mái, dường như quên hết mọi ưu phiền, lo toan.
Không chỉ được người dân vùng sông nước ưa chuộng, cá lòng tong cũng được người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận sử dụng làm mắm.
Cá lòng tong sau khi bắt về, người ta bóp nặn cho hết chất bẩn trong bụng cá, sau đó rửa sạch. Cá được trộn với muối, thêm nắm gạo rang hay bắp rang giã nhỏ thành bột và trộn lẫn với nhau. Sau đó tất cả được cho vào chum để ủ.
Tùy vào tỷ lệ mặn nhạt của mắm lòng tong trong từng vùng mà người Chăm định mức ngày dùng khác nhau, dao động từ 10 đến 15 ngày.
Để làm được chum mắm cá long tong ngon không phải điều đơn giản. Đó là sự kết hợp giữa vị mặn của muối và vị ngọt của thịt cá, nên phải là người có tay nghề cao mới có thể chế biến được mắm lòng tong ngon đúng điệu.
Nhưng khi đã thành mắm thì chế biến ra món ăn rất dễ. Mắm thường e, hành, ớt, đường được giã nhuyễn đem trộn với mắm. Ăn kèm với mắm cá lòng tong thường là dưa leo, cà tím, khế chua thái nhỏ, bánh tráng nướng.
Cá lòng tong thuộc nhóm cá trắng, giàu chất đạm và các vitamin A, B, D, chất khoáng như phôtpho và canxi. Cá chứa ít chất béo hơn thịt nên dễ tiêu hóa. Tuy nhiên, những người bị bệnh tăng huyết áp hoặc bị phù thũng do xơ gan, suy tim, suy thận nên tránh xa món cá kho vì rất mặn.