Vì sao hồ Đá Xanh ở Buôn Đôn của Đắk Lắk ví như "Tuyệt tình cốc", người ta kéo đến chụp hình?
Một nơi ở Buôn Đôn của Đắk Lắk ví như "Tuyệt tình cốc", người ta đang đến, các cặp uyên ương chụp hình cưới
Thứ tư, ngày 30/08/2023 05:19 AM (GMT+7)
Hồ Đá Xanh ví như "Tuyệt tình cốc", là một thắng cảnh mới hình thành tại huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) liên quan đến dòng Sêrêpốk sau khi xây dựng công trình thủy điện Sêrêpốk 3.
Trước năm 2010, khi chưa có hồ chứa Sêrêpốk 3, hồ Đá Xanh chỉ là một phần hang động thông thường nằm ẩn trong khối núi đá chạy men dòng sông Sêrêpốk tại khu vực núi cao giáp ranh giữa huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) và huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk).
Sau khi đập thủy điện hình thành, mực nước dâng cao ngoài việc tích nước trên hồ Sêrêpốk 3 cho hoạt động thủy điện, nước còn làm ngập phần hang động trước đây, tạo thành một hồ nước nhỏ hơn ngay bên cạnh.
Do đặc điểm kiến tạo địa chất của vùng này chủ yếu là đá phong hóa từ bazan, nên khác với các hồ nước khác trên vùng Tây Nguyên gắn với sinh cảnh ven hồ thông thường là các rừng cây, cánh đồng, hoặc làng mạc...
Riêng hồ Đá Xanh có bờ bao là những rặng đá màu xanh vách đứng, bên trên tiếp nối vô số những phiến đá có hình thù kỳ dị nhiều màu sắc; tác động phản xạ ánh sáng của bầu trời khiến mặt nước hồ trở nên trong và xanh biếc, cùng với màu xanh của núi rừng vùng lân cận làm cho cảnh sắc nơi này vô cùng đặc sắc.
Những yếu tố thiên nhiên nói trên đã tạo cho nơi này một không gian vừa lung linh, vừa huyền bí, do đó người dân quanh vùng mới đặt cho tên gọi hồ Đá Xanh.
Từ khi có những phượt thủ tìm đường đến khám phá và trải nghiệm, chứng kiến cảnh đẹp nơi đây đã đồng lòng gán cho hồ Đá Xanh thêm một cái tên khá thơ mộng và lâm ly: Tuyệt tình cốc!
Hồ Đá Xanh ví như "Tuyệt tình cốc" ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) trở thành thắng cảnh mởi nổi, điểm đến thu hút các cặp đôi chụp hình cưới.
Để đến hồ Đá Xanh, từ trung tâm TP. Buôn Ma Thuột, du khách di chuyển theo hướng tây bắc trên Tỉnh lộ 1 hướng đi huyện Buôn Đôn và Ea Súp; sau quãng đường dài khoảng 15 km, hết địa giới xã Ea Nuôl đến đầu xã Tân Hòa gặp ngã ba rẽ trái là con đường độc đạo dẫn vào công trình Thủy điện Sêrêpốk 3.
Đi tiếp 15 km con đường quanh co, uốn lượn theo hồ và dòng sông Sêrêpốk, qua cửa đập tiếp tục theo con đường nội bộ đến khi nhìn thấy phía trước hình dáng chiếc cầu qua thượng nguồn sông Sêrêpốk (bên kia là xã Ea Pô, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) thì sẽ thấy trong tầm mắt hình dáng hồ Đá Xanh về phía bên trái, rẽ đường mòn đi theo hướng này đến cuối đường sẽ đến hồ.
Đường tuy nhỏ nhưng khô ráo, mặt đường bằng phẳng dễ đi kể cả xe hơi, xe máy, xe đạp…
Muốn thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của hồ Đá Xanh “Tuyệt tình cốc”, du khách nên đến thăm vào mùa khô vì giai đoạn này là lúc Thủy điện Sêrêpốk 3 ngưng xả để tích nước, khiến mặt nước hồ càng phẳng lặng, đứng bất kỳ đâu từ trên những mỏm đá quanh hồ nhìn xuống sẽ mặt hồ như một tấm gương khổng lồ trong suốt một màu xanh biếc.
Đường vào hồ mùa này khá đẹp, sau khi qua những buôn làng đồng bào dân tộc tại chỗ, hai bên đường đã xuất hiện nhiều ngôi nhà xinh xắn, có cả những ngôi biệt thự ẩn mình trong những đồn điền trồng cà phê, điều và nhiều loại cây ăn quả đang mùa thu hoạch, hoặc đang ra hoa nên màu hoa trái điểm xuyết với màu xanh lá tốt tươi rất bắt mắt.
Đặc biệt khi qua khỏi khu dân cư, cảnh trí hai bên đường khá thu hút, còn có những cung đường xuyên qua cánh đồng lau kéo dài tít tắp vàng rực...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.