Làm bưởi theo tiêu chuẩn OCOP
Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị để phát triển kinh tế nông thôn là một trong những nội dung trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM giai đoạn 2022-2025. Ngành nông nghiệp TP.HCM đang tích cực chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, thông qua tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất, phát triển sản phẩm nông nghiệp đô thị.
Cụ thể như năm 2022, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 896 phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố năm 2021, công nhận 27 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong số này có sản phẩm bưởi da xanh của hộ kinh doanh Vũ Đình Tứ (ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh).
Năm 2022, ông Vũ Đình Tứ được Hội Nông dân TP.HCM tôn vinh là 1 trong 28 gương nông dân điển hình vì nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị thành phố.
Bưởi da xanh trồng ở nhiều tỉnh thành phía Nam. Nhưng để tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng, được người tiêu dùng chọn lựa trong vô số các sản phẩm cùng loại, và đạt chứng nhận OCOP cấp thành phố là quá trình không dễ.
Ông Tứ kể năm 2011, ông thuê 3ha đất tại xã Phạm văn để trồng bưởi da xanh. Đây là vùng đất trũng thấp, phèn quanh năm, chỉ thích hợp trồng những loại cây mía, mì. Dám nghĩ dám làm, ông Tứ đã biến nơi này thành vùng canh tác bưởi thâm canh cho hiệu quả cao. Sau hơn 1 năm, cây bưởi phát triển tốt, ông mạnh dạn mở rộng quy mô từ 500 gốc lên 1.500 gốc.
Được cán bộ kỹ thuật khuyến nông hỗ trợ, áp dụng quy trình VietGAP, bưởi của ông Tứ có chất lượng trái ngon, đồng đều. Để đáp ưng nhu cầu sản phẩm sạch, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị thành phố, ông mạnh dạn áp dụng kỹ thuật trồng bưởi da xanh hữu cơ "Trên vùng đất phèn này, nếu chịu khó chăm sóc bằng phân hữu cơ thì cây bưởi phát triển tốt, chất lượng trái không thua gì bưởi da xanh trồng ở miền Tây" - ông Tứ chia sẻ.
"Bưởi da xanh anh Tứ"
Ông Tứ cho biết, bưởi là sản phẩm không mới, chịu sự cạnh tranh với nhiều sản phẩm cùng loại ở các địa phương khác. Điều quan trọng là mỗi nhà vườn tận dụng được lợi thế của địa phương, tạo ra sản phẩm riêng, đạt chất lượng. Bưởi da xanh trồng trên đất phèn Bình Chánh là đặc điểm riêng của thương hiệu "Bưởi da xanh anh Tứ".
Tìm được phân khúc riêng để khẳng định chỗ đứng giữa thị trường trái cây đa dạng TP.HCM là bí quyết tiếp theo. Ông Tứ kể bưởi da xanh thường được dùng để thờ cúng. Sản phẩm của ông cung cấp cho nhu cầu thờ cúng của các hộ gia đình, và dành một phần tiêu thụ trong những dịp lễ, tết. "Nhờ cách tiếp cận này mà thị trường bưởi da xanh OCOP của tôi ổn định và rộng mở. Bưởi tôi trồng chưa bị dội chợ hay mất giá" - ông Tứ khẳng định.
Hiện nay, vườn bưởi của ông Tứ đã mở rộng lên 6ha, kết hợp cả vườn ươm giống và trồng thương phẩm theo quy chuẩn OCOP, mang lại thu nhập ổn định khoảng 600 triệu đồng/năm. Ông Tứ cũng tạo công ăn việc làm cho 21 lao động địa phương, với 6 triệu đồng/người/tháng.
Ông Mai Ngươn Khánh - Phó Chủ Hội Nông dân huyện Bình Chánh, cho biết chính tư duy dám nghĩ dám làm, nhạy bén với thị trường đã giúp ông Tứ tạo dựng thương hiệu riêng với sản phẩm "Bưởi da xanh anh Tứ", được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Ở địa phương, ông Tứ còn là nòng cốt tham gia ủng hộ Quỹ Hỗ trợ nông dân, đóng góp kinh phí chăm lo cho người nghèo tại địa phương. Ông giúp đỡ nhiều hộ gia đình khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng vươn lên làm giàu.