Là huyện miền núi và biên giới phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế, A Lưới là căn cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Người dân A Lưới kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả để lại trên mảnh đất anh hùng này còn rất nặng nề.
Theo đồng chí Hồ Văn Ngưm, Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới, đến cuối năm 2022, huyện có tổng diện tích ô nhiễm bom mìn, vật nổ gần 3.000ha. Trong nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện A Lưới đã chỉ đạo triển khai kịp thời, hiệu quả công tác hỗ trợ NNBM. Tuy nhiên, đời sống của nhiều hộ gia đình NNBM vẫn thuộc diện cận nghèo, đời sống rất khó khăn.
Để giúp đỡ NNBM an tâm sản xuất, cải thiện đời sống, trong đợt 1 năm 2023, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam và Quỹ Hoa hòa bình quyết định trao hỗ trợ sinh kế cho 30 NNBM có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại địa phương với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Hỗ trợ được chia làm hai mức 8.000.000 đồng/người và 6.000.000 đồng/người nhằm giúp các NNBM đầu tư vào chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, kinh doanh nhằm phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, Hội cũng trao tặng 20 xe đạp với tổng trị giá 40 triệu đồng cho các học sinh nghèo vượt khó.
Bà Nguyễn Thị Khổ, sinh năm 1942 ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới là một trong số NNBM được nhận hỗ trợ sinh kế 6.000.000 đồng lần này. Bà Khổ vốn là một du kích địa phương. Trong một lần đi làm nhiệm vụ, bà vấp trúng mìn và bị mất một chân. Hiện nay, bà đang sống cùng với vợ chồng con trai, nhưng đời sống hết sức khó khăn. Gia đình bà được xếp vào hộ cận nghèo. Bà Khổ cho biết, với số tiền hỗ trợ lần này, bà sẽ mua gà, vịt để nuôi lấy trứng. "Tôi chỉ còn 1 chân, đi lại khó khăn. Nuôi gà, vịt chỉ quanh quẩn ở nhà, vừa đỡ buồn, vừa đỡ đần cho con cháu", bà Khổ cho hay.
Cũng như bà Khổ, ông Hồ Văn Vía, sinh năm 1973, ở xã Trung Sơn, huyện A Lưới cũng được nhận hỗ trợ sinh kế 6 triệu đồng. Ông cho biết, năm 1990, khi nhặt được một đầu pháo, do không biết là vật phát nổ, ông đã đập để lấy đầu nhôm phế liệu. Đầu pháo phát nổ khiến ông bị thương ở bụng và cánh tay, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hiện nay, vợ ông cũng đau yếu liên miên, kinh tế gia đình chồng chất khó khăn. Được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng, ông Vía dự định mua 3 cặp lợn nái với hy vọng sẽ cải thiện kinh tế gia đình.
"Số tiền hỗ trợ sinh kế cho các NNBM tuy còn khiêm tốn và chưa thể quan tâm được đến tất cả nạn nhân ở A Lưới, nhưng đây là nỗ lực lớn của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa hòa bình và các nhà tài trợ như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), Công ty cổ phần tập đoàn Taseco,...", Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam nhấn mạnh.
Không chỉ hỗ trợ sinh kế cho NNBM, một trong những mục tiêu khác mà Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam hướng tới là nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và học sinh trên địa bàn.
Trong hội trường của UBND huyện A Lưới, rất đông người dân và học sinh các trường tiểu học và THCS như: Lê Lợi, Hồng Thượng, Phú Vinh, A Ngo, A Đớt, Sơn Thủy... chăm chú lắng nghe các tuyên truyền viên giới thiệu về cách nhận biết các loại bom, như: Bom phát quang, bom bi quả dứa, bom bi quả ổi, bom bi quả cam…
Đây là lần đầu tiên các em học sinh được dự buổi tuyên truyền và tham gia trò chơi tìm hiểu về tác hại bom mìn và cách phòng tránh. Em Bùi Phước Nguyên Bảo, học sinh lớp 8, Trường THCS Lê Lợi, rất vui khi nhận được quà sau khi trả lời đúng câu hỏi: "Cần làm gì để giúp đỡ bạn là NNBM gặp phải nhiều khó khăn trong đi lại, học tập?".
Trung tướng Nguyễn Đức Soát cho biết, khác với các năm trước, năm nay, cùng với hỗ trợ sinh kế, Hội đẩy mạnh trọng tâm là công tác tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn. Thực tế cho thấy, trong những năm qua, bà con ở nhiều địa phương chưa nắm được đặc điểm, hoạt động, tác hại của bom mìn nên các vụ tai nạn bom mìn vẫn xảy ra dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ.
Theo Trung tướng Nguyễn Đức Soát, công tác tuyên truyền cần đa dạng đối tượng nhưng đối với các địa phương vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với tính chất địa bàn trải rộng thì việc tuyên truyền thông qua hệ thống trường học phổ thông là cách làm hiệu quả. "Trong buổi chào cờ đầu tuần, nếu dành ra ít phút tuyên truyền cho học sinh thì chúng ta sẽ có hàng nghìn tuyên truyền viên trong cộng đồng. Đây là một kênh tốt để thực hiện công tác tuyên truyền", Trung tướng Nguyễn Đức Soát nhấn mạnh.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đồng thời là Phó chủ tịch Quỹ Hoa hòa bình khẳng định, những nỗ lực hỗ trợ sinh kế và nâng cao nhận thức về hậu quả bom mìn nhằm hướng tới mục tiêu giúp đỡ bà con cải thiện cuộc sống, từ đó góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.