Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Thanh Bình vừa ký ban hành công văn số 1936/TCQLTT-CNV ngày 31/8/2023 gửi Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, tực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 28/8/2023 về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố 4 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Thứ hai, chủ động phối hợp với Sở Công Thương địa phương và lực lượng chức năng tập trung triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Thứ ba, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp nắm tình hình với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Công an sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ để phòng ngừa, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Tích cực trao đổi, phối hợp, chia sẻ thông tin về hoạt động buôn lậu xăng dầu trên tuyến biên giới, vùng biển giữa các lực lượng chức năng trong công tác chống buôn lậu xăng dầu; tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển.
Thứ tư, Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.
Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai, báo cáo tình hình kết quả thực hiện về Tổng cục theo quy định để báo cáo Lãnh đạo Bộ. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc báo cáo kịp thời về Tổng cục để thống nhất chỉ đạo.
Trước đó, Bộ Công Thương cho biết đã chủ trì, phối hợp cùng các Bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa. Nhờ tích cực triển khai các giải pháp và thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ giao, nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước đến nay và dự báo các tháng cuối năm 2023 cơ bản được đảm bảo.
Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến khó lường của một số yếu tố quốc tế như Lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga và việc OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; Lạm phát vẫn ở mức cao khiến nhiều nền kinh tế lớn tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất cao để đối phó với áp lực lạm phát; Kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh; Lo ngại về nguồn cung do chiến sự giữa Nga và Ukraine; Triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn... đã và đang ảnh hưởng đến giá bán lẻ xăng dầu và nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.
Trước bối cảnh trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Riêng đối với đầu mối kinh doanh xăng dầu, Lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.
Chủ động nguồn hàng (cả nguồn trong nước và nhập khẩu), thực hiện việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên.
Chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời các số liệu, dữ liệu cho các cơ quan chức năng (Bộ Tài chính, Bộ Công Thương ...) để làm cơ sở cập nhật chính xác, tính đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, đảm bảo hiệu quả trong công tác điều hành, bình ổn giá mặt hàng xăng dầu, hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.