Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi vượt gần 100km từ thành phố Đông Hà đến Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Hướng Hoá (thị trấn Khe Sanh).
Nơi đây có một điều thú vị, các thành viên trong nhóm cồng chiêng bản Pa Nho (khóm 6, thị trấn Khe Sanh) đang cùng các nghệ nhân, học sinh tập văn nghệ để tham dự cuộc thi Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023.
Ngày hội có ý nghĩa lớn này tổ chức ở tỉnh Bình Định từ ngày 8-10/9 quy tụ nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng (gọi là đoàn nghệ thuật truyền thống) đồng bào các dân tộc 11 tỉnh miền Trung tham gia.
Chính sự quan trọng đặc biệt ấy mà các tiết mục văn hoá nghệ thuật truyền thống của đồng bào Vân Kiều ở tỉnh Quảng Trị được tập luyện kỹ càng. Đích thân cán bộ thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị đã cùng ăn, cùng ở với đoàn nghệ thuật truyền thống để chuẩn bị tốt nhất trước ngày xuất quân.
Trong đoàn nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị có Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho. Sự nhiệt tình, cống hiến vì văn hoá truyền thống người Vân Kiều của họ khiến chúng tôi thán phục.
Anh Hồ Văn Hồi (SN 1972, trú bản Pa Nho) là trưởng Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho. Anh Hồi cho biết, năm 1996 bản Pa Nho được công nhận là bản văn hoá. Nhân dịp này, Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho được thành lập với một vài thành viên. Thời điểm đó, anh Hồi chưa được kết nạp thành viên của nhóm.
Tuy vậy, vì có niềm đam mê văn hoá nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều nên từ lúc 12 tuổi (năm 1984), anh Hồi đã tìm đến các già làng học chơi các loại nhạc cụ…
Không chỉ học, anh Hồi còn cật lực làm việc, tích góp tiền mua 9 loại nhạc cụ của người Vân Kiều gồm trống, thanh la, cồng chiêng, đàn ta lư, đàn nhị, khèn, sáo dài (còn gọi là khui), đàn môi, tù và về nhà để luyện tập.
Năm 2007, khi tài năng nghệ thuật đạt độ chín, anh Hồi được gia nhập vào Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho và được bầu làm trưởng nhóm. Hiện nay, anh Hồi là một trong số ít người có thể chơi được 9 loại nhạc cụ người Vân Kiều.
Anh Hồi cho biết, từ một vài thành viên, hiện nay Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho đã thu hút được 20 thành viên, trong đó có 11 nam, 9 nữ. Các thành viên trong nhóm đều canh cánh một điều, hiện nay xu thế giới trẻ dần chuyển dịch sang nghệ thuật hiện đại. Nghệ thuật truyền thống Vân Kiều đang bị mai một.
Nhiệm vụ cấp bách là phải bảo tồn, lưu truyền kẻo một mai khi họ không còn trên thế gian, tiếng khèn, điệu nhảy truyền thống Vân Kiều sẽ… xuống mồ theo họ.
Từ trăn trở ấy, Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho dành nhiều tâm huyết để truyền bá văn hoá Vân Kiều đến nhiều bản làng ở tỉnh Quảng Trị. Mặc dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn, bận lên rẫy, lên nương lao động mưu sinh, nhưng nhóm duy trì hoạt động đều đặn.
Mỗi tháng, nhóm dành 3 đến 4 ngày tệ tựu về nhà văn hoá cộng đồng của thôn để tập luyện các loại nhạc cụ, điệu múa, hát… Nhờ miệt mài tập luyện, khi có các lễ hội truyền thống của người Vân Kiều. Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho sẽ được mời biểu diễn.
Từ những người nông dân lam lũ trên nương rẫy, họ sẽ chuyển mình, "bùng nổ", tạo nên những "bữa tiệc" văn hoá nghệ thuật đặc sắc, gợi mở tình yêu nguồn cội.
"Văn ôn, võ luyện. Văn hoá nghệ thuật cũng vậy. Đôi bàn tay nông dân, suốt ngày cầm cuốc, xẻng, rựa lên nương rẫy trồng sắn, trồng chuối của chúng tôi, nếu không tập luyện thường xuyên sẽ thô cứng, biểu diễn không đẹp, mất phong độ" – ông Hồi chia sẻ một cách chất phác.
Không chỉ biểu diễn, nhóm cồng chiêng bản Pa Nho còn tích cực tham gia các lớp giảng dạy, truyền bá văn hoá truyền thống dân tộc Vân Kiều do các cơ quan, chính quyền tổ chức. Đến đâu, họ cũng đem hết tâm sức của mình để truyền cảm hứng để thế hệ trẻ hiểu, yêu thích văn hoá dân tộc mình.
Chị Hồ Thị Nhung (SN 1996, người Vân Kiều ở bản Pa Nho) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong nhóm cồng chiêng bản Pa Nho. Vợ chồng chị Nhung chỉ có 2ha đất trồng sắn, cà phê, ruộng lúa. Để lo cho 2 đứa con nhỏ, vợ chồng chị còn phải bươn chải làm thuê, chăn nuôi thêm lợn, gà…
Dù gia cảnh còn khó khăn, đôi lúc ăn bữa nay lo bữa mai nhưng vợ chồng chị Nhung vẫn có chung niềm đam mê văn hoá truyền thống dân tộc mình.
"Hai vợ chồng đều đam mê, mê nhiều lắm. Thế nhưng, vì cuộc sống mưu sinh và để có người chăm con nên chồng nhường vợ tham gia nhóm cồng chiêng bản Pa Nho. Tôi rất biết ơn chồng vì đã thấu hiểu và ủng hộ tôi thực hiện đam mê của mình" – chị Nhung nói.
Theo chị Nhung, lúc còn nhỏ, chị thấy ông, cha mình chơi nhạc cụ, nhảy, hát làn điệu dân ca Vân Kiều, chị thấy rất thích nhưng không hiểu ý nghĩa của nó. Mãi khi tham gia nhóm cồng chiêng bản Pa Nho, được học kỹ hơn chị mới hiểu.
Theo chị Nhung, khó nhất là làn điệu Tà oải. Đây là làn điệu đối đáp nam nữ về tình yêu. Oái oăm là Tả oải không có lời sẵn. Người hát phải tuỳ vào cảm xúc của mình để tự hát ra tiếng lòng của mình hợp với nhạc.
Nhằm khắc phục khó khăn và để dễ dàng hơn trong biểu diễn, tháng 7/2023, anh Hồi cùng ông Hồ Văn Màng (SN 1969, trú bản Pa Nho), thanh viên lớn tuổi nhất trong Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho sáng tác 3 bài hát mới. Hiện nay, 3 bài hát đang được tập luyện và biểu diễn.
"Chúng tôi mong muốn văn hoá dân tộc truyền thống sẽ được đưa vào giảng dạy thường xuyên ở các trường phổ thông dân tộc nội trú. Bởi lẽ, lớp trẻ, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc Vân Kiều cần được dạy theo phương pháp mưa dầm thấm lâu, từ biết đến đam mê.
Nếu không gìn giữ, truyền dạy cho lớp trẻ một cách bài bản, tôi e rằng việc bảo tồn văn hoá dân tộc truyền thống sẽ còn lắm chông gai, khó vững bền" – anh Hồi tâm sự.
Theo anh Hồi, một trong nhiệm vụ quan trọng của việc bảo tồn văn hoá dân tộc là công tác quảng bá, truyền cảm hứng.
Vì vậy, nhóm cồng chiêng bản Pa Nho và bản thân anh đã ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội nhằm chia sẻ những video, hình ảnh đẹp về văn hoá dân tộc mình. Những hình ảnh được chia sẻ rộng rãi của nhóm đang nhận được sự quan tâm, ủng hộ của hàng ngàn người trên mạng xã hội.
Đây là niềm động viên, tạo động lực to lớn để nhóm tiếp tục khơi niềm đam mê của giới trẻ cùng nhau bảo tồn văn hoá Vân Kiều.
Ông Phạm Trọng Hổ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá (tỉnh Quảng Trị) đánh giá, Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho đã đóng góp rất lớn vào công cuộc bảo tồn, lưu truyền văn hoá truyền thống dân tộc Vân Kiều.
Thời gian tới, UBND huyện cùng các các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tạo điều kiện, động viên nhóm phát huy hiệu quả nhằm gìn giữ bản sắc văn hoá tốt đẹp của người Vân Kiều.
CLIP: Không khí tập luyện văn hoá văn nghệ truyền thống dân tộc của Nhóm cồng chiêng bản Pa Nho cùng đồng nghiệp ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị). Clip: Ngọc Vũ.