Một hòn đảo ở biển Quảng Trị cách bờ hơn 27km, có loại cỏ thần kỳ, trường thọ, thực ra là cây rừng gì?

Thứ bảy, ngày 09/09/2023 05:11 AM (GMT+7)
Cây giảo cổ lam hay còn được gọi là cỏ Thần kỳ, Ngũ diệp sâm, cây Trường thọ... (tên khoa học Gynostemma pentaphyllum Cucurbitaceae). Giảo cổ lam đã chứng minh được công dụng tuyệt vời của nó trong việc nâng tuổi thọ...Giảo cổ lam còn là một “đặc sản” du lịch của đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.
Bình luận 0

Cây giảo cổ lam hay còn được gọi là cỏ Thần kỳ, Ngũ diệp sâm, cây Trường thọ... (tên khoa học Gynostemma pentaphyllum Cucurbitaceae). 

Sau khi có kết luận từ nhiều đề tài nghiên cứu tại các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam... Giảo cổ lam đã chứng minh được công dụng tuyệt vời của nó trong việc nâng tuổi thọ và phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm cho con người. 

Giảo cổ lam được nhiều người biết đến là một loại thảo dược giúp chữa trị nhiều bệnh nan y. Nhưng nay, giảo cổ lam còn là một “đặc sản” du lịch của đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.

Để bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn giảo cổ lam 5 lá quý hiếm trong rừng Cồn Cỏ, chính quyền và người dân nơi đây đã đặt ra những quy chế riêng… 

Chúng tôi ra đảo Cồn Cỏ vào một ngày đầu tháng 8. Ngồi trong khoang tàu, từng làn gió mát thổi vào thoang thoảng mùi mặn mòi của biển, một vị cán bộ huyện đảo cho hay, bây giờ ra Cồn Cỏ, khách du lịch và bạn bè khắp mọi miền Tổ quốc sẽ được khám phá, thưởng thức những đặc sản mang thương hiệu của đảo. 

Đặc biệt là thảo dược có tên giảo cổ lam 5 lá được người dân cất công lấy về từ rừng trên đảo.

Vừa đặt chân lên đảo, hình ảnh chúng tôi thấy đầu tiên là người phụ nữ đang lật trở, phơi phong một loại cây dây leo ở trước sân nhà. 

Hỏi ra mới biết, chị đang phơi giảo cổ lam, một loại thảo dược quý hiếm để bán cho khách. Rót ly nước lá vối mời khách, chị cho biết tên là Nguyễn Hạnh Nhân quê gốc ở Cam Lộ, ra đảo sinh sống cùng chồng và 2 con từ năm 2000. 

Một hòn đảo ở biển Quảng Trị cách bờ hơn 27km, có loại cỏ thần kỳ, trường thọ, thực ra là cây rừng gì? - Ảnh 1.

Người dân phơi giảo cổ lam trên đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị. Cây giảo cổ làm được người dân thu hái trên rừng của hòn đảo.

Chị Nhân cho hay, người dân trên đảo hái giảo cổ lam về bán chỉ mới đầu tháng 6 năm nay. Lúc trước nhiều người chưa hề biết trên đảo tồn tại giảo cổ lam, chỉ biết rằng, mỗi khi bộ đội hải quân từ miền Bắc vào thường đem theo 1 ít loại lá khô nấu uống như nước chè. Sau đó họ vào rừng và đem về một ít cây tương tự. 

Vì thấy thức uống này có vị đắng nhưng ngọt hậu, uống xong lại ăn ngon, ngủ khỏe nên nhiều người lên internet, tìm đọc sách báo và biết được rằng, ngay trên đảo Cồn Cỏ có loại thảo dược giảo cổ lam 5 lá quý hiếm. Từ đó, người dân trên đảo thi thoảng lại vào rừng hái giảo cổ lam về nhà phơi rồi nấu uống thay chè. “Ban đầu nhà tôi chỉ nấu uống thôi, sau đó nhiều người khách thấy phơi trước sân nhà nên hỏi mua. Người mua ngày càng nhiều nên nghề bán giảo cổ lam cũng ra đời. 

Vì giảo cổ lam là loại cây dây leo, thường bám vào các thân cây gỗ nên chúng tôi chỉ bứt những thân cây leo còn gốc thì vẫn giữ nguyên, vừa để cây phục hồi vừa giúp cây rừng phát triển chứ không nhổ tận gốc để bảo vệ nguồn lợi thiên nhiên”, chị Nhân cho biết thêm. 

Ở khu thanh niên lập nghiệp đảo Cồn Cỏ có 9 hộ với gần 36 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 hộ gia đình vào rừng hái giảo cổ lam về bán là hộ chị Nhân, hộ anh Nguyễn Văn Hiển và hộ anh Ngô Quang. 

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Ngô Quang, quê gốc ở Hải Lăng cho hay cây giảo cổ lam chỉ hái được vào mùa hè, còn mùa mưa thì hoạt động khai thác tạm ngưng để cây phục hồi và sinh trưởng. Giảo cổ lam ở trên đảo là loại 5 lá có công dụng chữa bệnh tốt nhất trong tất cả các loại giảo cổ lam. 

Giảo cổ lam tươi được anh Quang hái về phơi từ 1-2 nắng rồi bán cho du khách với giá 50 ngàn đồng/kg. 

“Trung bình mỗi ngày, tôi thu được từ 300 - 400 ngàn đồng nhờ việc bán giảo cổ lam. Ngoài ra, tôi còn bán thêm nước giải khát, các mặt hàng nhu yếu phẩm cho khách du lịch và cán bộ, người dân trên đảo để nâng cao thu nhập”, anh Quang chia sẻ. 

Gặp chúng tôi trong lúc đang hỏi mua giảo cổ lam, chị Phan Hằng, một khách du lịch đến từ Hà Nội vui vẻ nói: “Tôi đã nghe nhiều về công dụng chữa bệnh của cây giảo cổ lam và cũng biết loại 5 lá rất khó tìm. Giảo cổ lam 5 lá có tác dụng rất tốt cho tim mạch, ổn định huyết áp, tăng cường máu lên não, giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc. 

Thật không ngờ khi ra đây tham quan, tôi lại gặp loại thảo dược này trên đảo. Tôi đã mua vài cân về để bố mẹ dùng dần chữa bệnh huyết áp và tim mạch. Tôi sẽ tư vấn cho bạn bè ra đảo Cồn Cỏ để tham quan cảnh đẹp, tìm hiểu thêm về lịch sử anh hùng của hòn đảo tiền tiêu và mua những đặc sản trên đảo về làm quà”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cho biết, đến thời điểm hiện tại Cồn Cỏ đã có các thương hiệu đặc sản quảng bá du lịch như ruốc khô, cá khô Cồn Cỏ. 

Sắp tới, chính quyền huyện đảo sẽ đăng kí thương hiệu nước mắm và rượu Cồn Cỏ bên cạnh thảo dược giảo cổ lam. Nước mắm và rượu Cồn Cỏ đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm với số lượng ít. Nếu 2 sản phẩm này đạt chất lượng và được thị trường ưa chuộng thì tương lai sẽ nhân rộng quy mô. 

“Riêng về việc khai thác thảo dược giảo cổ lam phục vụ du lịch, chính quyền huyện đảo đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, cán bộ địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân chỉ dùng dao, liềm cắt trên thân cây, không được nhổ gốc làm tổn hại đến cây khiến cây không thể phục hồi. Vì đây là một loại thảo dược quý nên không thể khai thác tràn lan được. 

Hiện trên đảo chỉ có 3 hộ gia đình được phép vào rừng khai thác loại thảo dược này phục vụ khách du lịch. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng đề án bảo vệ, phát triển loại thảo dược quý hiếm này nhằm phục vụ lâu dài cho mục tiêu phát triển đặc sản du lịch đảo Cồn Cỏ bên cạnh công tác đẩy mạnh phát triển du lịch biển đảo khác…”, ông Thành cho biết thêm.

Trần Tuyền (Báo Quảng Trị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem