Lịch sử nhiếp ảnh thế giới gắn với công bố của Viện hàn lâm khoa học Pháp về phát minh của nhà khoa học Daguèrre vào ngày 19/8/1839. Nhiếp ảnh ra đời từ ngày đó, đến nay đã hơn 180 năm.
Nhiếp ảnh vào Việt Nam cũng ra đời rất sớm, chỉ không đầy 30 năm sau ngày phát minh ấy. Lịch sử còn ghi lại người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam là danh sỹ Đặng Huy Trứ. Danh sỹ Đặng Huy Trứ quê ở Thừa Thiên Huế, làm quan dưới thời nhà Nguyễn.
Quốc sử triều Nguyễn ghi rằng: Năm Ất Sửu (1865) nhân chuyến sang công cán Trung Quốc, ông Đặng Huy Trứ đến Hương Cảng. Tại đây lần đầu tiên ông được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông chụp hai bức chân dung của mình đem về nước.
Đến năm Đinh Mão (1867), trong chuyến công cán đến Quảng Đông, Trung Quốc, ông nhờ người bạn, một quan chức nhà Thanh là Dương Khải Trí, mua hộ cho một bộ đồ nghề chụp ảnh. Khi về nước, lập ra hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" tại phố Thanh Hà, Hà Nội.
Như vậy bằng cách đi đường vòng, nhiếp ảnh đến với người Hà Nội trước cả khi người Pháp cai trị thành phố này…
Ngày ấy giá tiền chụp ảnh của hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" phụ thuộc vào cách ăn mặc "sang" hay "hèn" của khách, đông người hay ít người trong ảnh, có trẻ con hay không… để tính tiền! Dưới đây là một vài thí dụ về bảng giá treo trước hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" khi ấy:
"Mặc đại triều phục, bản đầu mỗi ảnh giá tiền 27 quan rưỡi. Mặc thường triều phục, bản đầu mỗi ảnh giá tiền 22 quan. Mặc áo dài, mặc quần áo trong nhà, bản đầu mỗi ảnh giá tiền là 16 quan rưỡi. Trong ảnh nếu có ảnh người khác: cùng vai vế, mỗi hình 3 quan, quan giúp việc, mỗi hình 2 quan rưỡi, con cái và người làm, mỗi hình 2 quan, in lại như trên…".
Ngày ấy "Cảm Hiếu Đường" cũng đã có ảnh màu bằng cách thuê thợ tô màu lên ảnh đen trắng. Đáng tiếc là cho đến nay chưa tìm thấy bức ảnh nào do hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường" của Cụ Đặng Huy Trứ chụp thời ấy.
Sau khi người Pháp đặt quyền cai trị ở Hà Nội thì nhiếp ảnh phát triển nhanh chóng. Các hiệu ảnh và người chụp ảnh ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX ấy phần lớn là người làng Lai Xá (nay thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Người đầu tiên của dân Lai Xá mở hiệu ảnh ở Hà Nội là ông Nguyễn Đình Khánh. Ông mở hiệu ảnh mang tên "Khánh Ký" ở phố Hàng Da từ năm 1892. Sau đó ông Nguyễn Đình Khánh mở thêm hiệu ảnh ở Nam Định.
Có một chuyện khá thú vị về nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Khánh: Trong khi hành nghề ảnh, ông Khánh còn tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục. Do phong trào này bị lộ, năm 1911, ông trốn sang Pháp. Năm 1912, ông mở hiệu ảnh ở thành phố Toulouse, Pháp. Năm 1913, ông Raymond Poincaré đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống Pháp lúc đăng quang hôm ấy có ông Khánh và bức ảnh của ông đã được đánh giá là bức ảnh đẹp nhất, được đưa lên trang bìa một số báo, trong đó có bìa của tờ Illustration. Sau thành công đó, một cửa hiệu Khánh Ký khác được mở tại Paris.
Vì thế, người dân làng Lai Xá từ đó tới nay vẫn tôn thờ cụ Nguyễn Đình Khánh là ông tổ nghề ảnh của làng. Những năm đầu thế kỷ XX ấy người từ làng Lai Xá ra Hà Nội mở nhiều hiệu ảnh có tiếng khác như: Hiệu ảnh Luminor Photo của ông Nguyễn Văn Chảnh, hiệu ảnh Phúc Lai của ông Nguyễn Văn Đính, hiệu ảnh Minh Tân của ông Nguyễn Văn Bối…
Trong những năm từ 1945- 1954, dưới thời Pháp, Hà Nội có rất nhiều hiệu ảnh, khó mà kể hết tên. Lúc ấy các hiệu ảnh nằm rải rác ở hầu hết các nơi trong thành phố nhưng các hiệu ảnh có tiếng, đông khách đến chụp là các hiệu nằm ở khu vực các phố quanh hồ Hoàn Kiếm như hiệu Quốc Tế ở phố Hàng Khay, hiệu Tam Anh ở phố Hàng Gai, hiệu Kim Lai ở phố Đinh Tiên Hoàng…
Một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ với gia đình chúng tôi thời đó, vào khoảng năm 1952-1953, bức ảnh chụp chân dung bà cụ thân sinh ra nhà tôi, cụ Nguyễn Thị Nga, khi ấy mới là một thiếu nữ đôi mươi trẻ đẹp, đã được hiệu ảnh Tam Anh ở phố Hàng Gai treo làm ảnh mẫu ở vị trí mặt tiền khiến ai đi qua hiệu ảnh cũng nhìn ngay thấy. Bức ảnh mẫu ấy được treo mấy năm liền cho tới cuối năm 1954.
Sau khi Hà Nội được tiếp quản, đến năm 1959, cùng với chính sách "cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh", các hiệu ảnh ở Hà Nội bắt đầu học tập để đi vào làm ăn tập thể. Các hợp tác xã nhiếp ảnh được thành lập từ các cửa hiệu ảnh…
Những năm tháng này, dân Hà Nội tăng lên nhanh chóng, nhu cầu chụp ảnh tăng lên, đồng thời với nó là đội ngũ chụp ảnh "dạo" rất đông đảo. Những người chụp ảnh "dạo" ấy phần lớn là nam giới, tuổi trung niên, lác đác cũng có một vài "phó nháy" là phụ nữ.
Mặc dù đội ngũ chụp ảnh "dạo" xung quanh Bờ Hồ và một số địa điểm tham quan vui chơi khác của Thủ đô như Công viên Thống Nhất, Bách Thảo… khá đông, nhưng họ vẫn rất đắt khách. Bởi lẽ ai từ các tỉnh có dịp về chơi Hà Nội cũng thường ghé các nơi này và muốn có bức ảnh làm kỷ niệm. Vây quanh mỗi người chụp ảnh dạo thời ấy lúc nào cũng có vài khách đứng chờ.
Ngày ấy phim chụp và giấy ảnh rất khó khăn, thiếu thốn. Phổ biến là phim chụp xuất xứ Liên Xô nhãn hiệu "CBEMA", hãn hữu lắm mới có phim "ORWO" của Đông Đức. Ảnh chụp phần lớn chỉ cỡ 3x4cm, lịch sự hơn chút nữa thì 4x6cm.
Còn để có được bức ảnh cỡ 6x9cm thì phải trả tiền đắt hơn nhiều! Ảnh chỉ có đen - trắng. Muốn có ảnh màu (thời ấy gọi là ảnh "cu-lơ") thì phải mất tiền thêm cho thợ để họ dùng bút mầu tô lên ảnh, nên các mầu sắc trên bức ảnh không được đẹp tự nhiên như ảnh mầu ta thấy bây giờ.
Thế rồi thời cuộc thay đổi, sang thập niên 90, rồi thế kỷ XXI, máy ảnh kỹ thuật số cá nhân, rồi điện thoại thông minh tràn ngập trong dân chúng; ai, lúc nào, ở đâu… thích là có thể chụp ảnh được. Nghề chụp ảnh "dạo" ngày càng ế ẩm.
Có lẽ hiện nay ở Hà Nội còn bao nhiêu người chụp ảnh dạo thì phần lớn đều dồn về khu vực Hồ Gươm vì nơi đây vẫn nhiều khách vãng lai thăm Thủ đô, nhất là những ngày cuối tuần. Nhiều khách vãng lai thế nhưng cũng chẳng mấy ai có nhu cầu thuê thợ chụp ảnh. Người thợ ảnh đi cả ngày đến "mòn dép" cũng không mời được khách nào…
Âu cũng là thời vận!