Ký ức Hà Nội: Gánh hàng rong mang nặng suy tư trên phố cổ

Đinh Thành Trung (Hà Nội) Thứ ba, ngày 29/08/2023 15:03 PM (GMT+7)
Ký ức của tôi với Hà Nội không hẳn những gì đẹp đẽ và hào nhoáng. Phần lớn chúng chỉ là những câu chuyện vu vơ với người bán hàng rong hay dân lao động nghèo ở quán nước hoặc trên đường...
Bình luận 0

Thỉnh thoảng, tôi thích dành một lúc để ngắm nhìn những chiếc xe đạp, xe máy chở hàng rong diễu qua lượn lại. Một nét đặc trưng của Hà Nội ngày nay. Nó khác với hàng rong của các bà, các chị gánh nặng trĩu đôi vai. Cũng chẳng giống ai kia bày biện nay khúc này mai rìa khác trên hè. Đây là hàng rong ruổi thực sự.

Cũng chỉ là chiếc xe chất đầy đồ lên đó. Những thứ hàng hoá thoạt nhìn cứ nghĩ sẽ rất ít người mua. Như ông chú trước mặt tôi chẳng hạn. Cơ man nào là điếu thuốc lào. Thời buổi vật giá leo thang, thóc cao gạo kém, con người dần bỏ đi mấy thú vui không cần thiết thì ai lại đi mua mấy thứ vô thưởng vô phạt trừ dân nghiện thuốc lào? Ồ đúng thế chú em ạ. Ông ấy vừa bán được một điếu kìa. Rõ nhanh như cái cách chiếc xe đừng lại.

Ký ức Hà Nội: Gánh hàng rong mang nặng suy tư trên phố cổ - Ảnh 1.

Những chiếc xe chở đồ đạc đi khắp phố phường Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Hàng rong thời nay không còn gánh nhiều như xưa, nhưng họ vẫn chẳng khác gì. Vẫn gánh trên vai cuộc sống của gia đình và những đứa nhỏ chờ đợi bữa cơm. Không ít người đúng nghĩa chạy ăn từng bữa. Có khi khó khăn quá hay mưa to kéo dài là chạy vạy vay tiền đến khổ. 

Dịch Covid-19 như một cơn bão, hàng quán long đong lận đận. Thế nên khi dịch bệnh vừa kết thúc thì lại gồng gánh gánh gồng, lại ra đường phục vụ thực khách. Từ những người bán nước chè, đồ ăn vặt cho học sinh cho đến những xe cà phê rong mới xuất hiện gần đây. Với lợi thế giá rẻ, đội quân hàng rong cũng chính là một phần bản sắc của ẩm thực đường phố Thủ đô. 

Đường đông, ngồi lại nhìn quanh, hàng rong lượn qua rộn rã. "Hàng rong này cũng nhiễm tác phong công nghiệp rồi phỏng!". Ông chú bán điếu cố tìm giây phút mát mẻ và cái cớ để nghỉ ngơi. Cũng vậy thôi anh. Ai cũng có lúc cần nhìn lại chính mình trên con đường tấp nập.

Tự nhiên có thêm một chị đến gần. Chiếc xe đạp trông còn khá mới. Xe chất đầy mấy thứ đồ gia dụng. Chổi nhựa, dép, khăn lau và thứ gì tôi nhìn không rõ. À, bấm móng tay đấy. Mấy bộ cho cánh phụ nữ chúng tôi mà. Không thể thiếu được, cũng như đàn ông các anh hút thuốc lào thôi ấy nhỉ. Chị bông đùa rồi uống một hơi hết sạch cốc nước vừa lấy được ở đâu đó. 

Xin bà chủ cho ấy mà. Đường phố nóng kinh, nụ cười như cơn gió mát thổi vào tâm hồn của những kẻ bắt đầu mệt mỏi. Chị bán chổi chìa ra một cái túi vàng vàng. Mời anh em ăn dứa. Dứa của con Hoa gần chỗ em. Nó bán dứa ngon lắm. Chẳng cần mời thêm, mỗi người làm một miếng, cả tôi, anh bán điếu, anh xe ôm công nghệ ngồi cạnh và chủ quán nước đã giải quyết hết ngay.

Hàng rong kiểu mới. Cũng phải như thế mới tồn tại được giữa xã hội bon chen và đường phố đông đúc. Hồi trước thì gánh bộ nhiều, đường bê tông dễ mỏi chân hơn đường đất phải không? Đúng thật, vì có thời tôi cũng đi bán hàng gần như đi rong. Bán chính công sức của mình mà mấy ai mua. 

Lúc này tôi mới định thần, nhìn lại hai người họ. Ai cũng đen nhẻm. Đen nắng ấy mà. Cậu thử hỏi xem có ai bán hàng rong hoặc lê la ngoài đường mà trắng trẻo bao giờ không? Tiếng bông đùa và nụ cười hiếm hoi chốn đường hầm hập nóng. Hàng rong đấy, một nghề ai cũng biết mà chẳng biết là ai.

Ký ức Hà Nội: Gánh hàng rong mang nặng suy tư trên phố cổ - Ảnh 3.

Hình ảnh những chiếc xe, gánh hàng rong đi khắp phố bán hàng đã trở nên quá thân thuộc đối với người dân, du khách khi đến với Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh.

Hà Nội nóng, ừ thì cứ hè về là nóng thôi. Hè mang đi bao con người dù lười biếng vẫn phải ra đường kiếm sống. Không gian quanh tôi như đặc quánh, mặt dường hầm hập cứ như có thể chiên trứng. Xe hàng rong vẫn cứ rong ruổi khắp phố phường với tiếng rao đều đều phát từ chiếc loa tự chế. 

Ai mua chổi không. Chổi bền đẹp đây. Ai bánh bao không nào. Tào phớ sữa đậu nành đây. Có người tự rao với chất giọng đặc biệt, có khi lại còn mang phương ngữ của các huyện ở Hà Tây cũ. Có người thu giọng lảnh lót nghe rất êm tai. Tất cả làm nên âm thanh đặc trưng không thể nhầm lẫn của đường phố Hà Nội.

Phút giải lao hiếm hoi cũng đã hết. Mọi người dù giàu hay nghèo đều phải quay về cuộc sống mưu sinh. Anh xe ôm công nghệ uống nốt chén chè giờ đã nguội, thở đánh "khà" một cái sung sướng. Anh vừa mua chiếc điếu của anh hàng rong và cả chiếc chổi của chị vui tính. Cứ như một thứ quà nho nhỏ anh tự thưởng cho bản thân khi có một ngày làm việc chăm chỉ.

Ký ức của tôi với Hà Nội không hẳn chỉ là với những gì đẹp đẽ và hào nhoáng. Phần lớn chúng chỉ là những câu chuyện vu vơ với người bán hàng rong hay dân lao động nghèo ở quán nước hoặc trên đường. Đó là phút giây tôi cảm thấy được hoà mình vào cuộc sống xã hội, dù đó chỉ là dăm ba lời chia sẻ bên chén nước chè giữa dòng đời tấp nập.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 10/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào đầu tháng 10/2023 tại Hà Nội.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem