- Trước hết phải khẳng định, cho đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được bất kỳ cảnh báo nào về việc thanh long Việt Nam vi phạm về an toàn thực phẩm của Vương quốc Anh trong 6 tháng đầu năm 2023, việc xuất khẩu thanh long sang Anh vẫn diễn ra bình thường.
Theo thông lệ quốc tế và Hiệp định UKVFTA, nếu hàng hóa của mỗi bên đáp ứng đầy đủ các quy định của phía nhập khẩu thì có thể nhập bình thường và không được phép đưa ra lệnh cấm nếu hàng hóa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Hiện nay, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến chất lượng nông sản và quản lý an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, tổ chức sản xuất theo tín hiệu thị trường nên thanh long Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ.
Riêng thị trường Vương quốc Anh, từ năm 2020 đến tháng 7/2023, Việt Nam xuất sang thị trường này 625 tấn thanh long, trong khi xuất khẩu sang thị trường EU khoảng 2.000 tấn/năm. Và trong 6 tháng đầu năm 2023, Văn phòng SPS Việt Nam chưa nhận được cảnh báo nào về việc thanh long của Việt Nam vi phạm quy định về SPS.
Thực chất, cho đến nay, Văn phòng SPS Việt Nam mới chỉ nhận được một thông báo của cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh dự kiến đề xuất đưa thanh long Việt Nam từ Phụ lục II (sản phẩm phải được xét nghiệm và được cấp giấy chứng nhận an toàn tại Việt Nam trước khi xuất khẩu) sang Phụ lục I (sản phẩm phải được xác minh và tái kiểm thực tế 50% tại cảng đến trước khi được phép lưu thông trên thị trường). Nhưng tôi xin khẳng định, đó mới là dự kiến đề xuất từ phía họ.
Như vậy, thực tế cơ quan chức năng tại Vương quốc Anh mới chỉ đưa ra thông báo dự kiến thay đổi tần suất kiểm tra với thanh long Việt Nam?
Ở đây, phải nhấn mạnh, việc một siêu thị nào đó ở Anh dừng bán sản phẩm thanh long Việt Nam là việc hoàn toàn bình thường trong kế hoạch vận hành, kinh doanh của họ, nhưng nó không liên quan đến việc phía Anh dự kiến tăng tần suất kiểm tra. Và việc các quốc gia tăng hay giảm tần suất kiểm tra cũng là việc hoàn toàn bình thường trong thương mại nông sản quốc tế.
Căn cứ Quyết định số 1425/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24/8/2021 về việc chỉ định các cơ quan đầu mối thông tin và triển khai thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị đầu mối trao đổi thông tin và triển khai thực thi các nội dung liên quan đến các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Chương 6: Các biện pháp SPS).
Do vậy, những thay đổi biện pháp SPS áp dụng cho thanh long của Việt Nam xuất khẩu vào Vương quốc Anh phải căn cứ Chương 6, Hiệp định UKVFTA và thông báo tới đơn vị đầu mối thông tin của Việt Nam là Văn phòng SPS Việt Nam.
Vào ngày 17/7/2023, Văn phòng SPS Việt Nam nhận Công văn số 409/QLCL-HTQT của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường về việc Vương quốc Anh dự kiến tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm quả thanh long.
Ngày 26/7, Cục Bảo vệ thực vật gửi Công văn số 1892/BVTV-ATTPMT phản hồi đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Trên cơ sở đó, ngày 2/8, Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi thông tin tới đầu mối SPS của Vương quốc Anh đề nghị hai nội dung, một là, đề nghị Vương quốc Anh giữ nguyên tần suất kiểm tra thanh long của Việt Nam cho đến khi 2 bên có đầy đủ căn cứ.
Hai là, đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam nghiên cứu có ý kiến.
Hiện, Văn phòng SPS Việt Nam đang chờ phản hồi từ cơ quan đầu mối SPS của Vương quốc Anh. Văn phòng SPS Việt Nam đã và đang đề nghị Vương quốc Anh cung cấp hồ sơ đánh giá nguy cơ để thay đổi tần suất kiểm tra an toàn thực phẩm thanh long Việt Nam để cơ quan thẩm quyền Việt Nam xem xét.
Trước những thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến uy tín thanh long Việt Nam, ông có khuyến cáo gì cho các doanh nghiệp, người dân?
- Tôi xin khẳng định, cho đến thời điểm này, thanh long Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Anh bình thường, không gặp bất kỳ khó khăn, trở ngại cũng như cảnh báo nào.
Văn phòng SPS Việt Nam đã và đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, tuyên truyền, cập nhật kịp thời các quy định về SPS của thị trường đến các cơ quan chuyên môn, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã và các bên liên quan để kịp thời điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thị trường và nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt.
Xin cảm ơn ông!