Chợ nổi Long Xuyên (An Giang) vắng dần, tỷ lệ nghịch với sự “thay da đổi thịt” của thành phố ven sông. Nhưng chợ nổi vẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, bởi nét đẹp thương hồ bình dị, chân chất, khó thay đổi...
Bình minh mang đến cảm xúc tươi mới, bắt đầu một ngày. Chợ nổi Long Xuyên nằm ở cửa ngõ sông Hậu, bắt đầu địa phận tỉnh An Giang. Hai điều “bắt đầu” ấy gặp nhau, tạo thành trải nghiệm thi vị.
Muốn đón bình minh ở chợ nổi, du khách nên thức sớm, có mặt tại bến phà Ô Môi (phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) khi trời còn mờ mờ tối. Hàng chục chiếc đò lớn nhỏ chờ dưới bến. Gần 6 giờ, đò xuất phát, đi khoảng 15 phút sẽ vào “trung tâm chợ nổi”.
Đừng kỳ vọng ghe xuồng tấp nập như chợ nổi ngày xưa. Có chăng là hình bóng của một thời hoàng kim sông nước còn lưu giữ trong mấy chiếc ghe lớn nằm cạnh nhau. Trên mỗi ghe cắm cây bẹo thật cao. Bán món gì thì treo món đó lên bẹo “quảng cáo”. Hiện giờ, chỉ còn một ít loại trái cây (dừa, dưa hấu, củ sắn, khóm…) và các loại khoai.
Chợ nổi Long Xuyên vắng dần, tỷ lệ nghịch với sự “thay da đổi thịt” của thành phố ven sông. Giao thoa giữa mới và cũ, giữa nếp sinh hoạt sông nước và đô thị trẻ… trở thành điểm nhấn hiện tại của khu vực này.
Nhưng chợ nổi vẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, bởi nét đẹp thương hồ bình dị, chân chất, khó thay đổi. Một trong số đó là nhịp sống thủng thẳng như nước sông, chòng chành mà chậm rãi.
Du khách dễ dàng cảm nhận nhịp đời của người dân sông nước miền Tây một cách chân thực, dân dã, gắn liền với dòng chảy của Hậu giang. Họ đón ngày mới trên nhà bè được neo đậu chắc chắn, đón ánh mắt du khách bằng tâm trạng quen thuộc.
Khoảng 6 giờ 15 phút, chợ nổi bắt đầu đón những tia nắng sớm mai. Những chiếc xuồng, vỏ lãi nhỏ trĩu nặng hàng hóa, chậm nhịp chèo, chuẩn bị nhóm chợ trên sông.
Đó cũng là lúc đò chở khách ra đến. Khách thích đi theo nhóm, đi cá nhân, đi ghép cùng đoàn khác hoặc một mình một đò… đều được phục vụ rất chu đáo theo ý muốn, bởi mỗi chuyến đò thống nhất giá từ 200.000 - 250.000 đồng, chứ không tính theo số lượng khách.
Một hoạt động rất thú vị ở chợ nổi Long Xuyên, là trải nghiệm ăn sáng, uống cà-phê trên sóng nước chòng chành.
Bước vào lục tuần, bà Vàng vẫn bám chặt chiếc đò nhỏ, với quầy nước lưu động, với chợ nổi quê mình. Đôi tai bà mỗi ngày mỗi nghe kém hơn. Khách dặn 4 ly cà-phê, bà nhiệt tình làm 4 ly sữa. Khách dặn cà-phê sữa, bà làm ly cà-phê đen đặc…
Nhưng sự vui vẻ, xởi lởi của bà khiến khách chẳng nỡ trách giận, mà làm bình minh ở chợ nổi thêm rộn tiếng cười. “Tôi bán mấy chục năm nay, quen tay quen chân. Ở nhà buồn lắm, lại không kiếm được tiền chợ. Con trai, con dâu lo giữ cháu nội, một mình tôi chèo xuồng đi bán nước giải khát, không nghỉ ngày nào” – bà Vàng chia sẻ.
Chỉ cần neo đò giữa sông, một chút xíu sau sẽ có nhiều chiếc xuồng nhỏ trờ tới, mời du khách ăn sáng. Cả chục món chờ khách chọn lựa: Hủ tiếu, bánh canh, nui, mì gói, bánh mì… Nếu sợ con sóng lắc lư, khách có thể ăn bún thịt xào, một món điểm tâm khá nổi tiếng ở khu chợ này. Giá thức ăn, đồ uống rất bình dân, trên dưới 20.000 đồng/phần.
Có thể, món ăn, ly nước không ngon xuất sắc như chợ trên bờ. Nhưng trong không gian mênh mông sóng nước, những người bạn vui vẻ, người dân chợ nổi chất phác… tâm tình du khách chợt yên ả, nhẹ tênh. Bữa ăn nhờ vậy tròn vị hơn, ấn tượng hơn!
Hơn 30 năm đưa đò ở chợ nổi, ông Ba thích được gọi bằng cái tên thân thương “ông Ba đò”. Dịp lễ 2/9 năm nay, ông và “đồng nghiệp” tất bật mỗi ngày 2-3 chuyến đưa rước khách tham quan chợ nổi, trong khi ngày thường chỉ 1 chuyến.
“Từ 6 đến 8 giờ là khoảng thời gian đẹp nhất, chợ nổi xôm tụ nhất, nên tôi thường khuyến khích khách đi sớm. Nhiều trường hợp không sắp xếp được thời gian, rảnh lúc nào, tôi chở đi lúc ấy, để họ mường tượng phần nào về văn hóa sông nước, về đời sống người dân khu vực này” – ông Ba niềm nở chia sẻ.